"Có lô hàng sầu riêng đã chuyển qua 3 đến 4 đơn vị trước khi xuất sang Trung Quốc"

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 28/09/2023 11:04 AM (GMT+7)
"Các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu đa phần là làm dịch vụ chứ không phải đơn vị sở hữu mã số vùng trồng, thậm chí có lô hàng sầu riêng đã chuyển qua 3 đến 4 đơn vị trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc khiến cho việc quản lý sử dụng mã số gặp nhiều khó khăn".
Bình luận 0

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật đã cho biết như vậy, khi trao đổi với Dân Việt về việc kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm nông sản có mã số vùng trồng.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, hiện có tình trạng không được uỷ quyền vẫn cố tình "ăn cắp" mã vùng trồng để xuất khẩu. Tình trạng này ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu và gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp có mã vùng trồng sầu riêng và thậm chí có nguy cơ bị Trung Quốc tạm dừng mã vùng xuất khẩu. Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) có nhận được những phản ánh này không và ông có đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Rõ ràng, đây là một vấn đề gây bức xúc cho cá nhân và tổ chức có mã số vùng trồng được cấp trong thời gian qua.

Như vừa qua, tại một hội thảo về mã số vùng trồng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cũng rất bức xúc về thực trạng "ăn cắp" mã số vùng trồng như hiện nay. Theo thống kê, hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng nhưng trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm.

"Có lô hàng sầu riêng đã chuyển qua 3 đến 4 đơn vị trước khi xuất sang Trung Quốc"- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục BVTV cho biết, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Ảnh: Thanh Xuân

Bộ NN&PTNT đã liên tiếp cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương qua việc quản lý, cấp mã số vùng trồng tiến triển rất chậm, thậm chí có những nơi chưa có các giải pháp phù hợp để kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, nếu cứ tiếp tục vi phạm về mã số vùng trồng, trong thời gian tới, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp xử lý cao nhất theo Nghị định thư mà hai bên đã ký kết.

Và với diện tích sầu riêng hiện nay, chúng ta bán đi đâu, kể cả thanh long, xoài nữa, cũng như vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì mất thời gian từ 3-5 năm nữa.

Theo tôi, việc quản lý vùng trồng đầu tiên phải là từ sự tự nguyện của người dân có mã số vùng trồng. Người có mã số vùng trồng phải tới đăng ký chuyên ngành về mã số vùng trồng. Cho tới nay, Cục BVTV chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị chính thức nào từ phía các địa phương về việc xác minh nội dung mà cá nhân, tổ chức sở hữu mã số vùng trồng phản ánh bị "ăn cắp", để làm căn cứ xác minh, xử lý các trường hợp trên. 

Xin ông cho biết, quy trình kiểm soát xuất khẩu cho sản phẩm sầu riêng của ngành Bảo vệ thực vật phải qua các bước nào và cần những thủ tục gì?

Hiện nay, mặc dù có quy định về Quản lý và cấp mã số vùng trồng được nêu rõ tại Điều 64 Luật Trồng trọt 2018, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Các mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu hiện nay sẽ phải thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu như một trong những biện pháp kiểm dịch thực vật, bên cạnh các hướng dẫn về biện pháp quản lý sinh vật gây hại, dán tem, cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định thư hoặc yêu cầu nhập khẩu mà hai bên đã ký kết.

Trước đó, sau 4 năm đàm phán, ngày 11/7/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc.

Theo Nghị định này, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các Luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. 

Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục BVTV cũng cho biết: Thực tế, mã số vùng trồng cũng chỉ là một yếu tố kiểm soát, bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Một số doanh nghiệp phản ánh, dù không được ủy quyền nhưng có đơn vị vẫn tự ý sử dụng tem và mã số vùng trồng của đơn vị khác để xuất khẩu sầu riêng. Thực trạng "ăn cắp" mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng có trách nhiệm của cán bộ ngành Bảo vệ thực vật không?

Theo quy định hiện hành thì trong bộ hồ sơ kiểm dịch không yêu cầu doanh nghiệp phải trình thêm bất cứ giấy tờ gì khác. Vì nếu yêu cầu thêm sẽ bị doanh nghiệp phản ánh là làm khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra cán bộ kiểm dịch vẫn có thể kiểm tra mối liên hệ giữa người sử dụng mã số và chủ sở hữu mã số trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không phải là đơn vị sở hữu mã số vùng trồng.

Thực tế, các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu đa phần là làm dịch vụ chứ không phải đơn vị sở hữu mã số vùng trồng, thậm chí có lô hàng sầu riêng đã chuyển qua 3 đến 4 đơn vị trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc khiến cho việc quản lý sử dụng mã số gặp nhiều khó khăn.

"Có lô hàng sầu riêng đã chuyển qua 3 đến 4 đơn vị trước khi xuất sang Trung Quốc"- Ảnh 3.

Đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: TX

Việc không thể kiểm soát giấy ủy quyền dẫn tới thực trạng một số doanh nghiệp bị "ăn cắp" mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Theo ông phải chăng  các quy định vẫn có "kẽ hở" dẫn tới kiểm soát đầu vào và đầu ra đối với các mặt hàng nông sản có mã số vùng trồng chưa chặt chẽ, dẫn tới có nguy cơ bị nước nhập khẩu cảnh báo thậm chí tạm dừng nhập khẩu hay không?

Ngoài quy định tại Điều 64 Luật Trồng trọt 2018 quy định về Quản lý và cấp mã số vùng trồng thì hiện đúng là vẫn còn thiếu hành lang pháp lý cho công tác quản lý mã số vùng trồng.

Hiện tại, chưa có quy định cụ thể về cơ sở đóng gói và văn bản quy định xử phạt các vị phạm về mã số vùng trồng. Do đó, tất cả vẫn chông chờ vào sự tự nguyện của cá nhân, tổ chức triển khai theo yêu cầu của nước nhập khẩu và hướng dẫn của phía cán bộ ngành bảo vệ thực vật.

Nhưng chỉ chờ vào sự tự nguyện mà không có chế tài xử phạt thì sẽ không đủ sức răn đe.

Tôi cho rằng, cần đầy nhanh tiến độ soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định gồm: Nghị định hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới mã số vùng trồng. Chỉ khi có đủ các hàng lang pháp lý này thì mới đủ cơ sở để các cơ quan chức năng, đặc biệt là cán bộ của ngành kiểm dịch thực vật tại địa phương kiểm soát tốt hơn mã số vùng trồng, chấm dứt tình trạng "ăn cắp" mã số vùng trồng như hiện nay.

Để kiểm soát được mã vùng trồng từ đầu vào tới đầu ra và đảm bảo cho xuất khẩu sầu riêng cũng như các mặt hàng nông sản có mã vùng trồng tốt nhất, ông có đưa ra giải pháp và kiến nghị gì?

Như tôi đã nói ở trên, trước mắt phải sớm hoàn thiện 2 Nghị định để có đủ hành lang pháp lý cho quản lý mã số vùng trồng. Ngoài ra, cần bố trí nguồn lực cho kiểm dịch thực vật địa phương. Hiện tại, lĩnh vực kiểm dịch thực vật ở địa phương đang thiếu cả về nhân lực và vật lực. Một cán bộ kiểm dịch thực vật muốn đi từ huyện xuống vùng trồng ở khu vực Đắk Lắk có khi mất cả ngày mà nhiều chỗ còn phải đi bộ chứ không thể đi được xe vào, nên rất khó khăn cho công tác quản lý.

Mặt khác, bản thân cá nhân, tổ chức, trong đó chủ yếu là những nông dân, doanh nghiệp phải coi mã số vùng trồng của mình là tài sản có giá trị và có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Điều 64 Luật Trồng trọt 2018 quy định về Quản lý và cấp mã số vùng trồng nêu rõ:

1. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem