Clip 2 phụ nữ tắm ở nơi giống Hồ Gươm: Nếu cắt ghép phao tin giả, bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:32 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, clip ghi lại cảnh 2 người đang ngâm mình dưới nước, giống như ở Hồ Gươm có nhiều điểm vô lý, có thể là cắt ghép. Chuyên gia pháp lý cũng bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Xác minh clip 2 phụ nữ tắm ở nơi giống Hồ Gươm

Chiều 16/5, một tài khoản Facebook đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh 2 người đang ngâm mình dưới Hồ Gươm. Theo chia sẻ của người đăng tải thì 2 người trong clip là nữ.

Clip 2 phụ nữ tắm ở nơi giống Hồ Gươm: Nếu cắt ghép, bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh 2 phụ nữ tắm ở nơi giống Hồ Gươm. Ảnh cắt từ clip.

Đoạn video được đăng trong nhóm Facebook có hơn 34.000 thành viên nên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Phần lớn bình luận đều tỏ ra phẫn nộ với hành động trên và cho rằng đây là hành vi phản cảm, xâm hại đến hình ảnh một biểu tượng của Hà Nội.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho hay, ông đã nắm được vụ việc trên mạng xuất hiện clip 2 người phụ nữ tắm ở hồ.

"Tuy nhiên qua báo cáo ban đầu của lực lượng an ninh thì trong thời gian qua không có ai tắm ở Hồ Gươm, Hà Nội. Lực lượng an ninh luôn túc trực ở Hồ Gươm cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đang tiếp tục xác minh thêm về vụ việc", ông Hoàn thông tin.

Ngoài ra, khi xem clip thấy thêm rằng, ở trên ghế đá có nam thanh niên ngồi, nhưng họ lại quay đi hướng khác, không nhìn về phía 2 cô gái. Như vậy, trong clip này có nhiều điểm chưa hợp lý.

"Chúng tôi đang nghi vấn đây là sản phẩm của sự cắt ghép", ông Hoàn nói.

Nếu cố tình cắt ghép để câu like, sẽ bị xử phạt

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hình ảnh sự việc trên là phản cảm khiến dư luận bức xúc. Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu hình ảnh trong clip là cắt ghép, đưa tin sai sự thật để câu like trên mạng xã hội, người đưa thông tin sai sự thật có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức xử phạt là phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Trường hợp sự việc hai cô gái "tắm tiên" là có thật, hành vi của hai người này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Mức phạt có thể tới 8 triệu đồng nếu hành vi được xác định là có hành vi khiêu dâm, kích dục nơi công cộng.

Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hiện trường Hồ Gươm để xác định xem có người tắm hay không? Nếu có, đó là ai, động cơ mục đích của việc tắm hồ là gì?.

Trường hợp là bức ảnh cách ghép để câu like, sẽ đánh giá tính chất, sự tác động của hành vi này đối với xã hội để xem xét có xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ nhắc nhở.

Nếu hình ảnh được xác định chưa đến mức phản cảm, không có mục đích khiêu dâm, thể hiện hành vi có tính chất dâm ô hoặc có những mục đích phi nhân đạo khác, có thể nhắc nhở là được, yêu cầu người đã đăng ảnh gỡ ảnh và cam kết không vi phạm.

"Còn trường hợp việc cắt ghép là sai sự thật nhằm vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác hoặc hình ảnh có tính chất dâm ô, đồi trụy, trái thuần phong mỹ tục, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính" – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem