Chuyện về những người làm sáng biên cương

Gia Tưởng Thứ hai, ngày 04/09/2023 07:15 AM (GMT+7)
Những người lính bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn trong nhiều năm qua không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn đường biên mốc giới mà họ còn góp công xây dựng biên giới ngày một sáng hơn, bằng cách chăm lo sức khỏe và quan tâm tới sinh kế cho nhân dân các dân tộc đang sinh sống nơi vùng biên.
Bình luận 0

Thắp sáng một dải biên cương

Tôi ngỏ ý với thượng tá Nguyễn Xuân Thanh - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn về dự định có một chuyến công tác ở biên giới. Anh Thanh gợi ý luôn: "Thế mời nhà báo đi dọc đường tuần tra biên giới, với tuyến đường mà 3 đồn của chúng tôi đang phụ trách là Chi Ma, Chi Lăng và Bắc Xa nhé". Anh Thanh nói thêm: "Tôi không nói trước bộ đội nhà tôi đang làm gì đâu. Mong các anh cứ chịu khó đi thực tế ở đồn, có gì hay thì các anh ghi nhận, phản ánh cho bạn đọc".

Quãng đường ngót 100km từ TP.Lạng Sơn tới Đồn biên phòng Chi Lăng (xã Bính Xá, huyện Đình Lập) với mặt đường êm ru, độ dốc vừa phải, hai bên đường là những rừng thông đang độ khai thác, khiến cho ai đó dù khó tính cũng thấy nhẹ nhõm khi di chuyển trên quãng đường này. Chỉ sau 2 giờ ngồi ôtô, chúng tôi đã có mặt ở sân chỉ huy của Đồn Chi Lăng.

Trung tá Đặng Nam Cao - Đồn trưởng đã đợi sẵn chúng tôi ở căn chòi uống nước của đơn vị. Anh Cao cho hay: "Hôm nay hầu hết cán bộ chiến sĩ trong đồn đi lao động, đổ bê tông lên đường biên mốc giới. Tôi nhận được thông tin từ cấp trên hôm nay đơn vị có khách đến công tác, nên cũng bố trí trực để làm việc cùng các anh em".

Những người làm sáng biên cương - Ảnh 1.

Khánh thành đường kiểm tra cột mốc quốc giới 1257 do Đồn Biên phòng Chi Lăng quản lý. Ảnh: G.T

Đồn trưởng Đặng Nam Cao chẳng cần phải sổ sách gì cũng có thể nói rành mạch về nhiệm vụ của đồn: Hiện nay đồn quản lý 33 mốc, từ 1248- 1275. Điều đặc biệt và duy nhất là đồn đứng chân trên 2 xã Bính Xá của huyện Đình Lập và Tam Gia của huyện Lộc Bình, với hơn 20km đường biên. Trước kia, để đi tuần tra, kiểm tra ở các mốc này thì đường đi khó lắm, có những mốc bộ đội phải đi vòng đến nửa ngày mới tới nơi, sau đó lại phải buộc dây để trèo lên, còn lúc xuống thì chỉ còn cách đu dây xuống, rất nguy hiểm. Cũng đã có những cán bộ chiến sĩ đi tuần tra thăm mốc bị ngã, chấn thương…

Anh Cao cho hay, được sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn, Đồn Chi Lăng quyết tâm làm luôn 10 con đường lên mốc giới một lúc. Toàn bộ kinh phí để làm đường tuần tra, thăm mốc giới đều đi vận động, các nguồn đóng góp xã hội hóa. Toàn bộ đường đi, bậc thang đều do bộ đội thiết kế và thi công, lúc đầu thì không được như ý, bậc lên thì có bậc dốc rồi độ cao khác nhau… Nhưng sau vài tuần thi công, anh em rút kinh nghiệm dần, nên bây giờ đã đổ bậc thang đẹp như thợ xây tay nghề cao. Có những điểm mốc bộ đội phải gùi từng can nước lên để trộn bê tông. Điểm mốc như 1257 xây đến 200 bậc thang, hay mốc 1248 làm đường lên mốc dài tới 950m.

Những người làm sáng biên cương - Ảnh 2.

Bộ đội Đồn biên phòng Chi Lăng cùng các lực lượng tham gia làm đường lên mốc giới. Ảnh: G.T

"Quá trình xây dựng đường lên mốc giới, cán bộ chiến sĩ của Đồn Chi Lăng luôn cảm thấy ấm lòng khi được sự sát cánh, đồng hành của nhân dân. Không chỉ bà còn ở giáp biên, giáp đồn ủng hộ, mà rất đồng bà con và cán bộ, các hội đoàn thể, ở các xã sâu trong nội địa cũng tới đóng góp ngày công. Có những người ở tận thị trấn Đình Lập cách đồn hơn 20km cũng tình nguyện đến tham gia lao động xây đường lên mốc giới" – trung tá Cao kể.

Sau hơn 2 năm triển khai, Đồn Chi Lăng đã làm được 31 con đường lên mốc giới với hơn 3.000 ngày công và số tiền để mua vật liệu 2,5 tỷ đồng. Hiện còn 2 điểm nữa mà đồn phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành với dự kiến chi phí khoảng 1 tỷ đồng.

Những người làm sáng biên cương - Ảnh 3.

Tuần tra mốc giới đường biên, tại mốc 1275. Ảnh: G.T

Anh Cao cũng cho biết, vừa qua đồn mạnh dạn kêu gọi được 9 tổ chức và cá nhân ủng hộ 500 triệu đồng để lắp 248 cột đèn năng lượng mặt trời trên 18km đường biên mà đồn kiểm soát. Bây giờ cứ đêm xuống là biên giới không còn cảnh tĩnh mịch, âm u như trước nữa, mà chính thức được thắp sáng - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bộ đội đi tuần tra thì yên tâm hơn mà bà con cũng thuận tiện trong đi lại, canh tác. Có đường, có đèn thắp sáng do bộ đội biên phòng làm, bà con càng yên tâm canh tác và bảo vệ đường biên hơn.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Những người lính tại Đồn biên phòng Chi Lăng không chỉ bảo vệ an toàn cho đường biên mốc giới, để nhân dân yên tâm làm ăn sản xuấ, mà họ còn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân bằng tất cả các khả năng của mình và được bà con yêu mến, quý trọng.

Trung tá Đặng Văn Quỳnh (51 tuổi) - phụ trách công tác quân y của Đồn Chi Lăng chia sẻ: Mình ở đồn, bất cứ lúc nào người dân gọi có trường hợp cấp cứu là mình tới giúp đỡ họ thôi. Anh Quỳnh đã có 2 lần trực tết và đều tham gia cứu người trong tình trạng khẩn cấp. Mùng 2 Tết năm 1995, khi đó anh Quỳnh mới về đồn nhận nhiệm vụ, thì bà con chạy lên báo ông Nông Văn Lý (sinh năm 1956, ở thôn Bản Chắt) bị tường đổ làm gãy chân. Khi anh Quỳnh tới thì thấy ông Lý đã gãy 1/3 xương đùi, anh liền sơ cứu dùng nẹp bó chân ông Lý lại để đưa đi cấp cứu... Sau khi cái chân được tháo bột, ông Lý đã lên đồn xin nhận cán bộ Quỳnh làm anh em kết nghĩa và giữ quan hệ thân thiết đến giờ.

Những người làm sáng biên cương - Ảnh 4.

Trung tá Đặng Văn Quỳnh kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cháu Nông Việt Đức. Ảnh: G.T

Mồng 2 Tết Quý Mão vừa rồi, anh Quỳnh lại tham gia cấp cứu cho cháu Nông Việt Đức ở thôn Nà Vang. Anh Quỳnh nhớ lại. lúc đó khoảng 21 giờ 30, người nhà của cháu Đức chạy lên đồn kêu cứu. Anh Quỳnh vội khoác túi cấp cứu đi xuống gia đình, lúc đó cháu Đức đã ở tình trạng tim ngừng đập, không có mạch...

Lập tức anh Quỳnh làm động tác ép tim, rồi yêu cầu bố cháu Đức hà hơi thổi ngạt, người thân thì xoa gan bàn chân, giật tóc mai... Sau khoảng 25 phút thì Đức có phản ứng nhẹ. Anh Quỳnh liên lạc với Trạm Y tế xã Bính Xá mang bình oxy tới trợ thở cho cháu Đức, rồi đưa ra Trung tâm Y tế huyện Đình Lập để cấp cứu, tiếp đó chuyển cháu ra Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Cháu Đức được cứu sống, vừa qua đã thi đậu vào lớp 10.

Anh Quỳnh cũng chia sẻ, ngoài việc cấp cứu các trường hợp ốm đau đột xuất, hiện nay anh thực hiện khám chữa bệnh cho nhân dân ở xung quanh đồn mỗi tháng hàng chục trường hợp, lập tủ thuốc quân y với giá trị lên tới 55 triệu đồng… Tất cả việc thăm khám, cấp thuốc của quân y Đồn Chi Lăng đều miễn phí đối với bà con nhân dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem