Chuyện Tết nhất với dân thể thao

Thứ năm, ngày 30/01/2014 20:21 PM (GMT+7)
Cái tết năm ngoái, chỉ có chục tuyển thủ thành công khi đối mặt thử thách quá lớn mang tên Olympic. Tết này, niềm vui đến với rất nhiều người nhờ… SEA Games.
Bình luận 0

Rộn ràng nhờ SEA Games

Cái Tết năm ngoái, chỉ có chục tuyển thủ thành công khi đối mặt thử thách quá lớn mang tên Olympic. Tết này, niềm vui đến với rất nhiều người nhờ… SEA Games. Thành công ở đấu trường châu lục không chỉ tạo ra một khí thế mới, một niềm vui chung cho cả làng thể thao mà còn mang đến cho gần 300 chủ nhân của những tấm huy chương những phần thưởng cả về tinh thần lẫn vật chất.

img
Nguyễn Văn Lai đoạt 2 tấm HCV SEA Games sắp có một cái tết bên cô dâu mới. Ảnh: Vietnamnet.

Thống kê sơ bộ, tổng số tiền thường từ các nguồn có thể vượt quá con số 40 tỷ đồng với hơn một nửa là theo quy định của Nhà nước. Tính đơn giản nhất, một VĐV cũng chỉ đạt huy chương Đồng thôi cũng đã lĩnh thưởng 15 triệu đồng, chẳng phải quá to song chí ít cũng giúp gia đình có một cái tết đầy đủ.

Chưa kể có đến hàng trăm tuyển thủ nhận từ 90-100 triệu đồng, cá biệt như kình ngư Ánh Viên, xạ thủ Xuân Vinh hay chân chạy Vũ Thị Hương còn có thể lên đến 200 triệu đồng. Với họ, dường như không khí mùa Xuân đã có ngay từ khi rời Myanmar về nước. Cùng với những thành tích, chuyện tiền thưởng, họ còn háo hức đoàn tụ cùng gia đình, dự định mua sắm, sửa sang nhà cửa, chăm sóc cho người thân và chính mình, sau 1 năm đi xa biền biệt.

Người này tính tự thưởng cho mình một chiếc điện thoại xịn, một xe máy tay ga, hay một chuyến du Xuân xa. Người khác nghĩ đến việc sắm chiếc tivi hay tủ lạnh to đùng làm quà cho cả nhà. Số khác, chủ yếu là các tuyển thủ nữ trẻ, được bao nhiêu gửi hết cả về cho bố mẹ…

Đặc biệt nhất, chân chạy điền kinh Nguyễn Văn Lai đoạt 2 tấm HCV đã kịp lên kế hoạch cưới vợ, hay nhà vô địch teakwondo Lê Huỳnh Châu chuyển lên ở nhà mới thay cho phòng trọ 10 mét vuông đúng dịp tết Giáp Ngọ.

Và nỗi chạnh lòng…

Dân thể thao nói chung, nhất là các tuyển thủ quốc gia, sẽ có một cát Tết vui tươi, đầm ấm. Chỉ có điều, đó mới chỉ là bề nổi của cái gọi là Tết thể thao, chứa đựng phía sau biết bao nỗi niềm. Thực chất lâu nay, giới VĐV đúng nghĩa ăn Tết bằng tiền thưởng. Năm nào giành thành tích, có tiền thưởng lớn mới mong có cái Tết đủ đầy, còn không thì gian nan lắm. Vì thế, Tết thể thao của năm SEA Games hoàn toàn khác với năm Olympic hay ASIAD.

Ngoại trừ một số trường hợp, còn lại đa phần trong số họ đều chẳng hề biết đến khái niệm thường Tết, hay tháng lương thứ 13. Nhưng gia đình có cả hai vợ chồng đều là VĐV sợ nhất Tết là vì thế. Có khi cả 1 năm tích lũy từ tiền lương, tiền công tập luyện cũng chưa đủ lo một cái Tết.

Nhưng dù sao với các tuyển thủ quốc gia kiểu gì cũng đỡ hơn, bởi còn có giải này giải khác để phấn đấu, các chế độ cũng cao hơn hẳn. Khổ nhất là các VĐV địa phương, đặc biệt các tình nghèo gần như ăn Tết… chay. Đáng nói hơn, diện VĐV này đông đảo nhất. Địa phương nào có lãnh đạo quan tâm, cố gắng thu xếp cân đối thì VĐV được tặng một khoản vài trăm nghìn đồng gọi là để tiêu Tết. Còn lại đa số đều chỉ có tờ lịch Xuân cùng gói quà trị giá chưa nổi 200 nghìn đồng. Hoặc họ phải trông chờ vào khoản tiền… cắt chế độ ăn khi về nhà ăn Tết, từ 7-10 ngày.

Nhưng VĐV có mức ăn cao thì cũng chỉ nhận hơn một triệu đồng, VĐV trẻ thì chưa nổi 500 nghìn đồng, chỉ đủ mua một bộ quần áo hay một món quà mang về góp Tết với gia đình. Nhiều người còn phải xin cả tiền của bố mẹ để tiêu. Có không ít trường hợp nhà ở xa, tiền quá ít nên VĐV không dám về nhà, đành rủ nhau ở lại cho qua 3 ngày Tết.

Báo bóng đá (Theo Báo bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem