Chuyên gia mách nước thí sinh tránh tình trạng chọn sai ngành, chán học gây lãng phí tiền bạc

Tào Nga Thứ bảy, ngày 27/04/2024 06:27 AM (GMT+7)
Tình trạng trúng tuyển đại học nhưng biết mình chọn sai ngành dẫn đến tình trạng chán học rồi sau này nhảy việc liên tục, chia sẻ với PV báo Dân Việt, các chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân.
Bình luận 0

Tránh tình trạng chọn sai ngành: "Cần chú trọng công tác tiền hướng nghiệp"

Nói về tình trạng hiện nay có sinh viên trúng tuyển đại học nhưng thấy mình chọn sai ngành, chán học, chia sẻ với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: "Sinh viên chọn sai ngành dẫn đến không đam mê ngành học đã trúng tuyển rồi cuối cùng bỏ học là do sinh viên không tìm hiểu kỹ về sở thích và năng lực của bản thân mình. Một điều rất đáng báo động đó là sinh viên chọn ngành học/trường học theo nhóm bạn để rồi khi học xong năm nhất mới phát hiện ra không phải ngành học mình yêu thích và trường học mình chọn không phù hợp (về chương trình học, về học phí, về vị trí địa lý)".

Theo Thạc sĩ Ngô Trí Dũng, thực trạng hiện nay các chương trình tư vấn hướng nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn chung và dàn trải nội dung, chưa dành nhiều thời gian tư vấn chuyên sâu hoặc dành rất ít thời gian để hỗ trợ học sinh hiểu mình, hiểu ngành/nghề; Chưa phân loại được nhóm học sinh đam mê theo lĩnh vực cụ thể để có những chương trình tư vấn về nhóm ngành chuyên sâu giúp các em có cái nhìn đúng với sở thích và năng lực bản thân.

Chuyên gia mách nước thí sinh tránh tình trạng chọn sai ngành, chán học gây lãng phí tiền bạc- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Tào Nga

Để hạn chế việc chọn sai ngành/nghề của học sinh thì cần chú trọng công tác tiền hướng nghiệp. Đó là làm công tác khảo sát về lĩnh vực mà học sinh quan tâm, yêu thích từ đó tổ chức các chương trình tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành đào tạo về lĩnh vực học sinh có nhu cầu, tránh lãng phí thời gian tư vấn những ngành học mà học sinh không quan tâm, cần tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp thực tế tại các cơ sở đào tạo để sinh viên có thể trải nghiệm và cảm nhận được môi trường học tập thực tế.

Bên cạnh đó, cần đưa thêm các doanh nghiệp vào cuộc, để chia sẻ nhu cầu về trình độ, kiến thức, kỹ năng sau khi tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp. Từ đó học sinh sẽ ý thức được ngành học mình theo đuổi cần chú trọng các khối kiến thức và kỹ năng gì.

"Như tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), chúng tôi cho học sinh làm khảo sát về lĩnh vực ngành yêu thích sau đó hướng nghiệp qua chương trình HIUCARE chia sẻ chuyên sâu về lĩnh vực Khoa học sức khỏe, các chuyên đề về công nghệ thông tin qua các chương trình tìm hiểu về Trí tuệ nhân tạo, các chuyên đề về lĩnh vực Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế... tại các trường THPT. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động đưa học sinh về trải nghiệm thực tế môi trường học tập tại trường. Bên cạnh đó nhà trường xây dựng chương trình đào tạo song bằng, trong 5 năm được nhận 2 văn bằng dành cho những sinh viên có nguyện vọng mong muốn phát triển hai lĩnh vực cùng một lúc", Theo Thạc sĩ Ngô Trí Dũng cho hay.

"Không có nghề nào tốt cho tất cả"

Theo chuyên gia Đào Ngọc Cường, tỷ lệ thất nghiệp và làm trái nghề hiện nay ở nước ta còn quá cao. Trong đó, số người hạnh phúc với công việc chỉ chiếm 11%, 25% hạnh phúc chút còn tới 64% không hạnh phúc với công việc của mình. Nguyên nhân chính là do hướng nghiệp mà hiện nay đa số đang tập trung làm tuyển sinh chứ chưa làm tốt hướng nghiệp. Muốn giải quyết được tình trạng này cần hướng nghiệp chính xác cho từng cá nhân.

Thực tế cho thấy, các bạn trẻ vẫn đang chọn ngành theo số đông, trào lưu, ý kiến người khác mà người khác lại là người không có đủ kiến thức về hướng nghiệp. Bên cạnh đó, việc chọn ngành đang dựa vào điểm số, khối học, nhu cầu xã hội hiện tại chứ chưa dựa nhiều vào năng lực sở trưởng của bản thân: Tài năng, đam mê, sứ mệnh, tính cách, khát khao, xu hướng nhu cầu của xã hội tại địa phương đó và tương lai lâu dài. Đây là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến ngành nghề cho bản thân nhưng đa số phụ huynh, giáo viên, học sinh chưa để ý nhiều. 

Tình trạng "chọn đại" đang khá đông, học cho có bằng đại học, được đi đại học nên nhiều bạn không học xong vì chán nản, bỏ học, chơi game… dẫn đến nợ môn không ra được trường, có bạn dẫn đến trầm cảm. Có những em ra được trường nhưng không làm ngày nào hoặc làm nhảy việc liên tục".

Chuyên gia Đào Ngọc Cường cho rằng: "Hiện nay muốn hướng nghiệp thành công cần phải nhớ rõ được những tiêu chí, triết lý sát thực và mang tính cấp thiết: Hướng nghiệp đúng lúc cả đời hạnh phúc, hướng nghiệp sai mất hết tương lai và thích chỉ là nhất thời đam mê là mãi. Đây là 2 nguyên tắc quan trọng trong hướng nghiệp.

Cần dựa vào 8 tiêu chí để hướng nghiệp: Chọn nghề mình giỏi, chọn nghề mình đam mê và đúng tính cách, chọn nghề đúng sứ mệnh, chọn nghề xã hội cần, chọn nghề kiếm được tiền, chọn nghề phù hợp với năng lực học tập và sức khỏe, chọn nghề phù hợp với hoàn cảnh gia đình, chọn nghề đúng với xu hướng phát triển của địa phương, xã hội. Trong đó có 3 tiêu chí đầu tiên nhất định cần có công cụ hỗ trợ phân tích mới biết chính xác được, tránh việc làm nhiều nghề, nhiều năm mới tìm ra được đúng nghề với mình. Không thể hướng nghiệp chung chung cho tất cả vì không có nghề nào tốt cho tất cả mà chỉ có nghề phù hợp cho từng cá nhân".

Chọn sai ngành dẫn đến làm trái nghề

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ cũng cho rằng hiện nay tình trạng làm trái ngành nghề không phải hiếm, thậm chí chúng ta gặp nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học làm trái ngành nghề và làm lao động phổ thông. Việc sinh viên sau khi ra trường đi làm trái ngành, nghề được đào tạo không phải bây giờ mới có. Có thể có 2 lý do lý giải cho điều này:

Một là, sinh viên sau khi nhập học vào trường mới biết rằng bản thân đã chọn ngành đào tạo không phù hợp với sở thích, nguyện vọng hoặc năng lực của cá nhân. Nhưng vì không muốn lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình hoặc ngại thay đổi trường, thay đổi ngành nên sinh viên vẫn cố gắng theo học đến khi tốt nghiệp.

Hai là, sự cạnh tranh cao của ngành, nghề dẫn tới nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, mặc dù yêu ngành, yêu nghề đã chọn nhưng không đủ năng lực cạnh tranh, dẫn tới việc phải đi làm công việc khác để đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Theo TS.BS Liên, cũng có tình trạng thí sinh đổ xô vào các trường hot, ngành hot mà không chọn ngành học phù hợp với bản thân. Tại Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ có 2 ngành Ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học và ngành Điều dưỡng đang thu hút thí sinh, nhu cầu tuyển dụng cao, được giảm 70% học phí theo chính sách mới của Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đồng thời được miễn phí hoặc hỗ trợ tiền ký túc xá. Tuy nhiên, các em cũng muốn theo học phải có niềm đam mê, tỉ mỉ, cẩn thận bởi đây là khối ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem