Chuyện chưa kể về con phố toàn nghệ sĩ gạo cội ở Bắc Ninh

Thứ hai, ngày 22/06/2015 11:31 AM (GMT+7)
Trên con đường Nguyễn Trãi của thành phố Bắc Ninh có một góc phố mà mọi người vẫn gọi vui là phố “dở”. Ít ai biết rằng con phố “dở” ấy chính là nơi sinh sống gần 40 năm nay của hàng chục gia đình nghệ sĩ gạo cội thuộc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Bình luận 0

Có mặt tiền đắc địa lại nằm giữa khu vực kinh doanh, bán buôn sầm uất bậc nhất xứ Kinh Bắc nhưng phố nghệ sĩ dường như tách biệt bởi sự chậm rãi, ung dung nghiêng hẳn về đời sống tinh thần. 

Khu phố là nơi sinh sống của gia đình các nghệ sĩ, diễn viên “vang bóng một thời”của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh như: Vợ chồng nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm - Minh Phức; vợ chồng nghệ sĩ Thúy Tình-Nguyễn Hữu Luận, NSƯT Lệ Ngải, NSƯT Khánh Hạ, NSƯT Quang Vinh, NSƯT Xuân Mùi, Xuân Mãi, Bích Vạn, Phương Lan, Thanh Xuân, Đoàn Nội… ngoài ra còn có gia đình nghệ sĩ múa Ngọc Dư - vợ của cố nhà văn Xuân Hồng. 

img
Phố nghệ sĩ ở đường Nguyễn Trãi, TP Bắc Ninh.
Phố vui chơi, phố ca hát...

Vài chục năm trước, khởi nguyên của khu phố nghệ sĩ này là dãy nhà tập thể - nơi ở của diễn viên, nhạc công Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Năm 2002, khi nhà nước có cơ chế chuyển đổi thì các “công dân tập thể” mua lại với giá ưu đãi rồi xây cất dần thành dãy nhà ống như bây giờ. Vì thế, mỗi căn hộ rộng chưa đầy 50m2, mặt tiền chỉ khoảng hơn 3m, dài 14,5m và hiện giờ hầu như gia đình nào cũng có từ hai đến ba thế hệ cùng chung sống.

Những nghệ sĩ của phố là những người đã dành cả tuổi trẻ đi tới những làng Quan họ gốc. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với gia đình nghệ nhân và được truyền dạy và học hỏi hàng trăm làn điệu Dân ca Quan họ quý. Chính họ đã tạo nên một phong cách diễn xướng mới chuyên nghiệp cho Dân ca Quan họ Bắc Ninh để sức sống của Di sản quê hương ngày càng tỏa sáng.

Tuổi đã cao nhưng họ vẫn lạc quan yêu đời cùng lời ca, tiếng đàn. Các nghệ sĩ vẫn đi biểu diễn giao lưu khắp tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc, vẫn phát hành album, vẫn truyền dạy văn hóa Quan họ với những bài bản cổ cho lớp diễn viên trẻ của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và một số trường văn hóa nghệ thuật.
img
Các nghệ sĩ hát Ca trù thiết đãi khách những ngày đầu xuân...

Tôi có hỏi tại sao mọi người lại gọi là phố “dở” thì NSƯT Lệ Ngải tươi cười bảo: “Thì cứ cuối tuần là xóm lại tổ chức những buổi đàn ca múa nhạc tưng bừng, huyên náo cả khu phố thì người ta bảo là phố dở. Mà có dở mới là người nghệ sĩ”.

Văn hóa quan họ có lẽ đã ăn sâu vào tâm hồn người nghệ sỹ. Sự cởi mở và nồng hậu khiến cho những người xung quanh cảm thấy ấm lòng và thoải mái. Nhiều người tìm đến khu phố này cũng chỉ vì muốn quên đi cuộc sống bộn bề, lo toan và tìm về những làn điệu dân ca vốn trong tiềm thức của họ đã được bà, được mẹ ru từ ngày thơ bé.

Nơi đây, Nhà văn Đỗ Chu; PGS.TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam; GS.TS Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Trường ĐHKHXH&NV hay nhà thơ Nguyễn Quang Hưng…cùng bạn hiền, đồng nghiệp và học trò về đây để thưởng thức nghệ thuật.  Suốt từ mồng 2 Tết trở đi cho đến hết Giêng, Hai, ở góc phố này chẳng mấy ngày vắng tiếng đàn, ca, sáo, nhị. Bạn phương xa, người quen về Kinh Bắc trẩy hội xuân đều ghé vào. 

Điều đáng quý là khách của một nhà cũng là khách của cả xóm, mấy anh chị em trong xóm lại mở những canh hát chiêu đãi. Đến phố này, chỉ cần có nhã ý thì dù là Dân ca Quan họ cổ, Ca trù, Hát văn hay Chèo, Tuồng, Xẩm… đều được thỏa nguyện. Cũng chẳng cứ mùa xuân hay dịp hội hè, đình đám, lễ Tết mà có khi một vài người bạn rẽ vào chơi thế là cả xóm lại xôm tụ, trải chiếu giữa nhà, kẻ đàn, người hát phiêu du như thể “nhập đồng”.

Đưa nhau qua những ngày tháng gieo neo..

Tuy không giàu tiền bạc nhưng nhìn cách người dân phố nghệ sĩ sống nhẩn nha, vui chơi ca hát như bây giờ, chẳng mấy ai biết rằng cũng có lúc họ bị nỗi lo cơm áo trì níu, đè nặng. 

Những năm 90/XX, khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, rồi các nghệ sĩ về hưu, với đồng lương eo hẹp họ cũng phải lao ra ngoài đi làm để có đủ tiền duy trì cuộc sống. Người đi buôn bánh kẹo, buôn rượu, trồng rau, nuôi lợn, tăng gia sản xuất, rồi vin vào cái nghề máu thịt của mình “lồng lộn” ở trong quần chúng, ai mời dạy hát, mời đi dàn dựng các vở để đi hội diễn cũng lao vào, có thù lao cũng dạy mà không có cũng cứ vui vẻ. Khi mưa bão, khu tập thể bị dột nát phải lấy cả thau để hứng nước…Rồi có những khi cả xóm lại xôm tụ lúc ở nhà NSƯT Lệ Ngải, khi lại bên nhà nghệ sĩ Tự Lẫm – Minh Phức uống rượu, hát hò vì được ăn khao...bán lợn để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống.

img
Dân cư trong phố nghệ sĩ ra đĩa La Rằng...
Suốt 40 năm có lẻ, họ ăn ở với như anh chị em ruột từ trong đời thường lẫn trên sân khấu. Nghĩa tình đồng nghiệp, xóm giềng tích tụ theo tháng năm và ngày càng keo sơn, gắn bó. Mỗi khi nhà ai có việc, dù chuyện vui hay chuyện buồn thì cả xóm xúm lại chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau lo toan chu tất mọi bề.

Những năm tháng gian khó đối với những nghệ sĩ gạo cội năm xưa đã qua, giờ đây thế hệ con cái của họ đã trưởng thành và mỗi gia đình đều cố gắng có 1 người con đi theo con đường nghệ thuật nối nghiệp mẹ cha. Mới đây nhất, lo sợ những làn điệu quan họ cổ bị mai một dần, các nghệ sĩ quyết tâm ra một đĩa hát là La Rằng với sự hỗ trợ của Hội văn nghệ bắc Ninh và những người yêu quý Quan họ cổ để gìn giữ di sản của ông cha…
(Theo Tạp chí Ngày nay online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem