Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đối diện bao nhiêu năm tù khi sắp bị xét xử vắng mặt trong vụ án thứ hai?

Sông Bùi Thứ năm, ngày 28/09/2023 14:52 PM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC sắp bị đưa ra xét xử vắng mặt tại Quảng Ninh. Đây là vụ án thứ hai bà Nhàn bị đưa ra xét xử vắng mặt khi đang bỏ trốn.
Bình luận 0

Theo quyết định của TAND tỉnh Quảng Ninh, ngày 23/10, TAND tỉnh này sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần tiến bộ (AIC) và các đơn vị liên quan.

Dự kiến phiên tòa xét xử diễn ra trong các ngày 23-25/10. Ngoài Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969) còn có 15 bị can khác trong vụ sai phạm tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Trong các bị can có ông Nguyễn Anh Dũng (SN 1953, Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng) là anh trai của bà Nhàn. Hai người này bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Đang bỏ trốn, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lại sắp bị xét xử vắng mặt - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2023, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 15 bị can khác, trong vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Quảng Ninh.

Đáng chú ý, trong số 16 bị can này, có 4 bị can đang bỏ trốn, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC, Trương Thị Xuân Loan, cựu Trưởng ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC và Nguyễn Thị Tích, cựu Tổng giám đốc Công ty Mopha.

Ngoài ra, trong số các bị can có Đỗ Văn Sơn và Nguyễn Thị Thu Phương (Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC) bỏ trốn nhưng đã lần lượt ra đầu thú trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua.

Theo cáo trạng, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt 6 dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi. Tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ đồng.

Vì muốn trúng thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn lập một số công ty quân xanh, giao cho cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC Nguyễn Hồng Sơn và Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban Quản lý dự án 3 của AIC) trực tiếp thực hiện dự án.

Đang bỏ trốn, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lại sắp bị xét xử vắng mặt - Ảnh 2.

Vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC sẽ được xét xử công khai, dự kiến tổ chức từ ngày 23 - 25/10, tại TAND tỉnh Quảng Ninh (P.Cao Xanh, TP.Hạ Long, Quảng Ninh).

VKSND tối cao cho rằng bà Nhàn đã chỉ đạo bị can Loan móc ngoặc, cấu kết với Phạm Trọng Hiệu (nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý dự án, Trưởng phòng thuộc Sở Y tế Quảng Ninh) và Nguyễn Đức Quang (nguyên Phó phòng Kế hoạch tài chính thuộc sở này) để thông đồng, thống nhất về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm.

Biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để nộp hồ sơ, song Nhàn vẫn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán trưởng Công ty AIC, đã về nước đầu thú) điều chỉnh số liệu trong các báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Sau khi các bị can hợp thức hồ sơ và thông thầu qua công ty quân xanh, AIC và liên danh đã trúng thầu 6/6 gói thầu của dự án mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện.

Đang bỏ trốn, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lại sắp bị xét xử vắng mặt - Ảnh 3.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Anh Dũng.

Trong đó, riêng Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu với tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng, đã được thanh toán hơn 197 tỷ đồng. Còn Công ty Mopha đứng tên trúng 2 gói thầu, tổng trị giá hơn 25 tỷ đồng và được thanh tất toán.

Hội đồng định giá tài sản xác định, tổng trị giá trang thiết bị của 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Trong vụ án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định giữ vai trò chủ mưu, đứng đầu đã chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Đối với ông Nguyễn Anh Dũng, Viện kiểm sát cáo buộc bị can được Nhàn nhờ đứng tên làm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Phúc Hưng. Song trên thực tế, Nhàn giao cho Nguyễn Thị Thu Phương (Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC, đã về nước đầu thú) quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của công ty này.

Khi đấu thầu dự án Bệnh viện Sản - Nhi, ông Dũng đã ký hồ sơ để làm quân xanh tham gia ba gói thầu. Hành vi này giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu với tổng trị giá trên 147 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 24 tỷ đồng.

Theo VKSND Tối cao, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm; một số bị can, đặc biệt là các bị can đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, kêu gọi các bị can ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; đồng thời, áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định.

Trường hợp các bị can vẫn không ra đầu thú, coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem