Choáng về cách giáo dục pháp luật đi từ ‘cướp vợ’ sang ‘hiếp dâm’

Diệu Linh Thứ hai, ngày 21/03/2016 18:53 PM (GMT+7)
“Nếu ví dụ đi từ tập tục “cướp vợ” hay “kéo vợ” sang xử tội “hiếp dâm” có thể gây nên sự phản ứng của người dân tộc, khiến họ cảm thấy bị xúc phạm hơn là hiểu về hành vi phạm tội” – BS Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số (CCIHP) nhận định.
Bình luận 0

img

Hình ảnh cắt từ clip

Trước đó, cư dân mạng đã lan truyền một clip của VTV6 có tên “Toà tuyên án: Cướp vợ”. Clip dẫn ví dụ về 1 nam thanh niên người dân tộc rủ 2 bạn nam đi “cướp vợ” một cô gái, sau đó mang vào rừng hiếp dâm tập thể. Đoạn hội thoại giữa Toà án và bị cáo đã khiến dân mạng “choáng váng” vì bị cáo “hiên ngang” đối thoại trước Toà, vặn vẹo Toà phải gọi anh ta là “bị Mèo” chứ không phải “bị cáo”, gọi “hiếp dâm” là sai vì “tôi lấy Thủy về làm vợ khi trời vẫn còn nắng” nên phải gọi là “hiếp nắng”. Và cho rằng “giết người mới là phạm tội, còn mình làm ra người sao lại phạm tội”.
 

“Việc đặt vấn đề như vậy sẽ thiếu tính nhạy cảm về tính dân tộc, sẽ tạo ra hiểu biết không đúng với thực chất hành vi "kéo vợ" của thanh niên người dân tộc, dễ gây phản ứng tiêu cực. Người dân tộc có thể sẽ cho rằng văn hoá, tập tục của họ bị phỉ báng, bôi nhọ, hạ thấp giá trị truyền thống của các dân tộc. Như vậy không giáo dục được mà còn gây hiệu ứng ngược, gây phản cảm với cộng đồng người dân tộc, đặc biệt là dân tộc H’mông, đồng thời dẫn đến tình trạng hiểu không đúng về văn hóa, phong tục của các dân tộc… và tăng sự kỳ thị với các dân tộc. Những hiểu biết không sâu, không đầy đủ và cách làm kịch bản thiếu thực tế này sẽ có tác động rất xấu đến các nhóm dân tộc”- BS. Phạm Vũ Thiên

“Tôi thực sự rất choáng về cách truyền thông/giáo dục pháp luật như vậy” – Bs. Thiên nhận định. Theo Bs. Thiên, đáng nhẽ phải tập trung vài hành vi, tiến trình xử lý trước toà một cách nghiêm túc thì chương trình của VTV lại mô tả nặng về cách xưng hô, đưa vào những tình huống gây cười. Như vậy, sẽ làm phân tán sự chú ý của người xem, khiến phiên toà mang tính “gây cười” nhiều hơn là tính giáo dục. Ngay diễn viên đóng bị cáo cũng vừa nói vừa cố nhịn cười, nếu là phiên toà thực thì sẽ rất tếu táo, coi thường pháp luật.

Theo Bs. Thiên, cần phải hiểu hành vi “kéo vợ”, còn được gọi “cướp vợ” là một hành vi mang nặng tính truyền thống và có thể nói là hủ tục không chỉ của người H’mông và một số dân tộc khác ở miền núi phía Bắc. Khi đó người nam giới nếu có tình cảm với một người nữ thì làm “thủ tục” lôi kéo, bắt người nữ này về làm vợ.

Theo một số cách giải thích của một số đồng bào dân tộc thì đó là cách chứng minh mình (người nam giới) là phái mạnh, phải đoạt lấy cái mình muốn có.  Trước đây theo phong tục, nam giới có thể cướp cô gái không yêu mình về làm vợ, hôn nhân không dựa trên tình yêu. Nhưng sau này khi được vận động, nâng cao hiểu biết, hủ tục sau này đã thay đổi đáng kể. Chỉ còn một số ít các trường hợp cưỡng ép người không yêu về làm vợ. Còn hầu hết là thanh niên yêu nhau nhưng vẫn “giả vờ” lôi lôi kéo kéo vì cô gái muốn chàng trai phải “mất công, mất sức” theo đuổi mình.

Không đánh đồng “cướp vợ” với “hiếp dâm”

Bs. Thiên cho rằng, gần đây, những thay đổi xã hội, áp lực kinh tế xã hội, phân biệt giàu nghèo, cùng nhiều lý do khác đã tác động đáng kể vào nhận thức của cộng đồng người dân tộc, làm nảy sinh nhiều hành động tiêu cực. Các cô gái người dân tộc hiểu hơn về quyền của mình, không chấp nhận hôn nhân cưỡng ép. Do đó, một số đối tượng không có được tình cảm của cô gái nên đã có hành động “cướp vợ” một cách tiêu cực, bất  chấp việc cô gái có đồng ý hay không. Điều này thúc đẩy hành vi “cướp vợ” trở thành hủ tục, vi phạm quyền tự do hôn nhân của Luật Hôn nhân gia đình, tội bắt giữ người trái phép của Luật Hình sự…

Theo Bs. Thiên, chương trình “Toà tuyên án: Cướp vợ” đáng nhẽ phải phân tích sâu được bản chất vi phạm quyền con người, quyền tự do hôn nhân, vi phạm luật phòng chống bạo lực giới để người dân hiểu về hành vi và thay đổi nhận thức từ đó thay đổi hành vi. Tuy nhiên, chương trình lại chuyển hướng giải quyết vấn đề “cướp vợ” sang tội hiếp dâm tập thể.

“Hành vi “kéo vợ” kể cả “cướp vợ” của người dân tộc không có chuyện ép quan hệ tình dục ngoài rừng rú vì họ sẽ phải kéo về nhà, cho ở trong nhà mình (cụ thể ở với mẹ chồng tương lai) sau đó làm thủ tục cưới xin thì mới chuyển sang ở với “chồng”, càng không chia sẻ “quyền làm chồng” với người nam giới khác.

Do vậy, kịch bản chương trình truyền hình đề ra tình huống: cướp vợ vì thích làm chồng, nhưng lại mang ra rừng để ép quan hệ tình dục, và sau đó chia sẻ quyền làm chồng với người khác... là cách đặt vấn đề không phù hợp. “Cướp vợ” là hủ tục cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức còn tội danh bắt cóc, hiếp dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm tập thể… một hành vi mà không dân tộc nào, cộng đồng nào chấp nhận…” – BS. Thiên cho biết.

Đoạn vấn đấp như sau:

Quan tòa: Bị cáo phải xưng hô là bị cáo hoặc là xưng tôi không được xưng mình với tớ với quan tòa. Bị cáo đã rõ chưa?

- Bị cáo: Mình cũng nhắc cho tòa biết,tòa sai rồi mà còn nhắc mình à

Quan tòa: Bị cáo nói cho tòa biết tòa sai ở chỗ nào?

- Bị cáo: Tòa sai rồi, mình là dân tộc Mông, xưa kia gọi là người Mèo mà tòa lại gọi mình là bị cáo là sai, tòa phải gọi mình là BỊ MÈO mới đúng chứ?

Quan tòa:Tòa giải thích cho bị cáo biết, gọi bị cáo là gọi người bị viện kiểm soát cáo buộc về hành vi phạm tội, chứ không phải gọi theo dân tộc

- Bị cáo: Tôi không đồng ý ạ

Quan tòa: Vì sao bị cáo không đồng ý?

- Bị cáo: Tôi không đồng ý vì viện bảo tôi hiếp dâm là sai. Khi tôi lấy thị về làm vợ thì trời vẫn còn nắng phải gọi là hiếp nắng chứ, sao lại bảo là hiếp dâm

Quan tòa: Tại sao bị cáo lại thực hiện hành vi giao cấu khi mà chị Thủy không đồng ý?

- Bị cáo: Tôi cũng không muốn như thế đâu, khi thấy Thủy và mấy đứa con gái tắm nó đẹp quá, tôi không chịu được nữa, nên mới làm chồng nó luôn.

Quan tòa: Nếu muốn làm chồng chị Thủy tại sao bị cáo lại còn cho bị cáo Tở cùng làm?

- Bị cáo: Thưa... chúng nó cũng muốn như mình mà, mình cũng muốn trả công cho chúng nó, mình nghĩ giết người mới là phạm tội, còn mình làm ra người sao lại phạm tội ạ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem