Chợ “THỨ BA” có một không hai ở Vĩnh Long

Bài và ảnh: Nhất Huỳnh Thứ ba, ngày 03/03/2015 14:00 PM (GMT+7)
Ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long có một chợ phiên độc đáo, hình thành cách đây mười mấy năm, buôn bán, giao thương mang nét của chợ quê. Chợ này đặc biệt chỉ họp vào mỗi buổi sáng thứ Ba hàng tuần và là sự kết hợp độc đáo giữa chợ nổi và chợ trên bộ.
Bình luận 0
Chợ phiên “thứ Ba” họp trên nền đất trống, ngay trước UBND xã Quới An. Tại chợ, người mua, kẻ bán đi lại tấp nập, tiếng rao hàng í ới khiến không khí thật náo nhiệt.

img
Một góc hàng khô ở chợ phiên "thứ Ba" tại xã Quới An. (Ảnh: Nhất Huỳnh)

Ngôi chợ có lich sử hình thành khá “ngộ”

Hỏi thăm một vài người đi chợ, thì ra chợ đã nhóm họp từ 5 giờ sáng, đến khoảng 10 giờ là tan, náo nhiệt nhất là lúc 7 giờ. Để hội kịp phiên chợ, thương thuyền ở xa thường khởi hành từ lúc 2-3 giờ sáng. Thành ra, lúc 4 giờ, trên đường đến chợ, trên bộ từng tốp xe máy, xe ba gác chở hàng tấp nập, dưới sông động cơ của ghe xuồng tứ xứ khua động cả một vùng quê yên tĩnh.

Khi tôi hỏi về lịch sử hình thành của chợ, ông Ngô Văn Thời (50 tuổi, ấp Trường Định, xã Quới An) cười khà bảo: “Chợ phiên ở xã tôi có lịch sử hình thành “ngộ” lắm. Tôi nhớ vào khoảng năm 1997, có chiếc ghe chở khô từ Sông Đốc (Cà Mau) đi TP.Hồ Chí Minh bán. Khi đi ngang đến đoạn sông gần chợ Quới An thì đột ngột hư máy nên phải nhờ thợ đến sửa. Vì hư hỏng khá nặng nên phải mất mấy ngày mới sửa xong. Trong lúc đợi thợ máy sửa, chủ ghe lên bờ đi dạo một vòng quanh chợ Quới An, người chủ ghe nhận có khoảng đất trống liền mang khô lên bày bán, vừa bán vừa rao “Khô Cà Mau bán rẻ đây! Khô Cà Mau bán rẻ đây!”. Cũng từ lâu, tại đây khô Cà Mau nổi tiếng thơm ngon, vậy nên một người mua, nhiều người khác xúm lại mua, chẳng mấy chốc khô sạch trơn, mà trùng hợp sau hôm đó là ngày thứ Ba…”.
img
Hàng quần áo cũng được bầy bán rất nhiều. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Nói đến đó, ông hớp một ngụm cà phê, đưa mắt nhìn ra chợ, rồi tiếp: “Là người buôn bán, nhận thấy nơi đây giao thương thuận tiện, lại bán đắt nên ngày thứ Ba tuần sau chủ ghe lại chở khô, chở mắm lên bán và tiêu thụ hết trong ngày. Tiếng lành ngày càng đồn xa, những người buôn bán khô, mắm Cà Mau cùng các mặt hàng khác biết được, cứ thứ Ba là cùng nhau chở hàng về bán. Trở thành thông lệ, chợ phiên Quới An phát triển ngày càng nhiều các loại mặt hàng và trở thành điểm giao thương hấp dẫn, lý tưởng cho đến hôm nay”.

Điểm giao thương với cả “đồ khô” và “đồ ướt”

Chợ không rộng lắm nhưng được chia làm hai khu riêng biệt: “đồ khô” gồm vải vóc và hàng gia dụng; “đồ ướt” là khô, mắm. Dường như có một điểm chung ở các chợ miền sông nước là hàng hóa được đổ đống trên tấm bạt nhựa, người đi chợ ngồi chồm hổm để lựa đồ, có khi là ngồi trên trên xe máy chỉ món này món kia cho người bán lấy chứ chẳng xuống khỏi xe.

Thu hút phần đông chị em phụ nữ đi chợ là những chỗ bán quần áo may sẵn và vải vóc. Cô Bùi Thị Xuân (48 tuổi, ấp Trường Định, Quới An) vui vẻ nói: “Nếu vài shop quần áo thì phải tốn số tiền không nhỏ nhưng ở đây chỉ cần khoảng một trăm ngàn là có thể mua được bộ đồ cho ông xã tui, một cái quần tây và một cái áo sơ mi. Tui mua vài lần rồi nên biết đồ mới tinh, đường may đẹp, lại bền nữa. Tui mê nhất là các loại vải vóc cho chị em phụ nữa, màu sắc rực rỡ, lại toàn kiểu mới!”.

Trước đây chỉ có người dân ở xã Quới An đi chợ, nay người dân ở các xã Tân Quới Trung, Chánh An, Quới Thiện... cũng đổ về đây nhất là dịp lễ, tết càng làm cho không khí thêm nhộn nhịp.

Chị Năm (40 tuổi, bán giày dép, đến từ chợ Vũng Liêm) chờ lúc vắng khách, vui vẻ cho tôi biết: “Giày dép của chị đa số là hàng của những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thôi, tuy vậy vẫn đẹp, xài tốt giá lại khá rẻ nên nhiều người chọn mua. Đôi khi, chị còn bớt vài ngàn để lần sau họ tới mua nữa. Một buổi bán ở đây chị kiếm cũng được vài trăm ngàn tiền lời nếu đông khách”.
img
Các loại cây giống bán tại chợ phiên "thứ Ba". (Ảnh: Nhất Huỳnh).
Ở khu bán “đồ ướt”, nếu như ngoài Bắc, chợ phiên thường bán thổ cẩm thì chợ phiên Quới An chuyên bán… thổ sản. Các loại “đồ ướt” ở đây gồm: rau cải, trái cây, đặc biệt là khô, mắm. Một số người còn mang cái loại cây giống đu đủ, cà, đậu bắp cũng những loại rau nhà tự trồng, không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên cũng được bà con ủng hộ rất đông, vì thế dù lời ít nhưng bán số lượng nhiều nên cũng kiếm sống được.

Bước sang hàng khô, mắm thì không khí còn vui gấp bội, nhìn vẻ mặt phấn khởi của chú Nguyễn Văn Sang (ở Phường 5- TP.Trà Vinh) đã bán khô ở đây gần 10 năm, tôi cũng thấy vui lây. Khu này, bán các loại khô mắm đặc sản miền Tây, như: mắm lóc, mắm trê, mắm sặt, mắm cá chốt, mắm trèn, mắm cá cơm…, khô cá lóc, khô sặt rằn đến khô cá hố, cá khoai, cá lù đù, cá đuối, cá ngừ rồi tôm khô, khô mực… đều không thiếu thứ nào.

Theo ông Nguyễn Văn Hỷ, Bí thư Đảng ủy xã Quới An, chợ "thứ Ba" là nét văn hóa và cũng là sự đặc thù của Xã, không mua gian bán lận, nhưng cư xử có văn hóa giữa người mua kẻ bán. Trong thời gian tới, theo quy hoạch thì khu hành chánh của xã Quới An sẽ di dời sang nơi khác nhường khu đất 1,4ha cho việc tạo lập chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chợ phiên "thứ Ba" nhóm họp, phát triển đa dạng hơn về thương mại, dịch vụ, đồng thời góp phần phát huy nét văn hoá truyền thống giao thương hiếm có ở vùng sông nước này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem