Cho nhịp phách ca trù vang xa

Thứ bảy, ngày 22/10/2011 19:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011 đã khép lại, nhưng tiếng đàn, tiếng phách, giọng hát giọng ngâm của các nghệ nhân, các đào nương, ca nương, từ nhiều vùng miền trong cả nước mang đến vẫn còn văng vẳng.
Bình luận 0

Ca trù hay, nhưng là cái hay của sự kỳ công khổ luyện nhiều năm trời, cái hay của sự tinh tế, điêu luyện trong từng câu hát tiếng đàn, trong mỗi rung động luyến láy của thanh âm đi ra từ cổ họng người hát. Ca trù hay, nhưng là cái hay trong một không gian diễn xướng thanh cao, lặng lẽ, nơi tất cả như chìm lắng chỉ để tôn lên kỹ thuật và nghệ thuật của thanh âm.

Ca trù hay, nhưng là cái hay của những khúc thức, bài bản được hun đúc sáng tác đi vào chiều sâu của tâm thức, tình cảm, lay động lòng người bằng những câu chữ lắng đọng. Bấy nhiêu cái hay, cái khó đó của ca trù lại cũng chính là những thách thức đặt ra cho việc phát triển bộ môn nghệ thuật này trong hoàn cảnh hiện nay. Đời sống hiện đại gấp gáp, ồn ã, cuốn con người vào guồng quay nhanh của một xã hội công nghiệp và tiêu thụ.

Trong những nghệ sĩ trình diễn ca trù tham dự liên hoan, có nhiều người làm những công việc rất đỗi bình thường ở làng quê, nhưng họ mê hát ca trù, nên đã tạm ngưng công ăn việc làm, chấp nhận vất vả, khó khăn, thiếu thốn để khăn gói ra thủ đô dự hát, mong góp thêm một sức mạnh cho ca trù phát triển. Làm sao truyền được lòng yêu ấy, nhiệt huyết ấy cho công chúng bây giờ, nhất là những người trẻ?

Tôi nghĩ việc có thể làm được ngay và cần làm ngay là đưa ca trù, cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, vào trong chương trình học của nhà trường. Ở thôn quê, vùng nào có bộ môn này (hoặc như là tuồng, chèo), thì nhà trường có thể tổ chức những buổi ngoại khóa mời các nghệ nhân, diễn viên về nói chuyện và trình diễn cho học sinh.

Ở thành phố, nơi có điều kiện giao lưu nghệ thuật hơn, các nhà trường càng có thể chủ động giới thiệu cho học sinh thấy tận mắt, nghe tận tai sự trình diễn của ca trù, cũng như các bộ môn khác. Kinh nghiệm cho thấy khi được tiếp xúc trực tiếp như vậy thì người xem người nghe dễ thích thú, dễ hứng khởi hơn, từ đó kích thích lòng mong muốn tìm hiểu và thưởng thức.

Bản thân những người làm ca trù, hát ca trù cũng cần phải mở rộng tiết mục của mình, không chỉ quanh quẩn trong cái vốn một số bài cũ. Tôi nghĩ, chỉ riêng cái kho các bài hát nói của những “ông tổ” như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát mà được các giáo phường ca trù khai thác tích cực, đưa vào tiết mục, thì sẽ hấp dẫn được đông người hơn đến nghe ca trù. Trước hết là những khán giả đã yêu thích bộ môn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem