Chiếu cói sống khỏe với thị trường

Thu Hà Thứ hai, ngày 11/08/2014 10:46 AM (GMT+7)
Để giữ nét văn hóa đặc trưng và phát triển nghề dệt chiếu của làng Xuân Dục theo hướng bền vững, Hội Nông dân (ND) xã Xuân Ninh đã thành lập Tổ sản xuất chiếu cói Xuân Dục.
Bình luận 0

Vài năm trở lại đây, khi chiếu nhựa, chiếu trúc Trung Quốc tràn vào Việt Nam, nhiều làng nghề chiếu cói làm ăn thua lỗ, ách tắc đầu ra… nhưng người dân làng nghề chiếu cói thôn Xuân Dục vẫn sống khỏe với nghề.

Kết nối làm ăn lớn

Ông Nguyễn Quang Vinh- Chủ tịch Hội ND xã Xuân Ninh cho hay: Nghề dệt chiếu cói ở thôn Xuân Dục đã có từ hàng trăm năm nay. Để nghề không bị mai một và ND làng nghề sống khỏe với nghề, năm 2007 Hội ND xã đã thành lập Tổ sản xuất chiếu cói Xuân Dục. Bên cạnh giúp hội viên, Tổ sản xuất chiếu cói trực tiếp tham gia sản xuất chiếu. Ngoài ra, tổ còn làm dịch vụ tiêu thụ, cung cấp máy móc, thiết bị và một số nguyên liệu dệt chiếu như cói, đay. Hoạt động quan trọng nhất của tổ dệt chiếu là dạy nghề và hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm. Năm 2012, làng nghề dệt chiếu cói Xuân Dục được UBND tỉnh Nam Định công nhận làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Hiện làng nghề có 500 dàn máy chiếu thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp tham gia.

Năm 2013, Hội ND xã Xuân Ninh phối hợp với Tổ sản xuất chiếu cói thôn Xuân mở lớp dạy nghề dệt chiếu cói cho 50 hội viên ND. Sau 3 tháng vừa học vừa thực hành trực tiếp tại xưởng dệt chiếu của tổ trưởng tổ sản xuất chiếu cói Nguyễn Văn Tuynh, nhiều học viên đã làm được những sản phẩm hình thức đẹp, chất lượng tốt.

Thu nhập 100 triệu đồng/người

Dẫn chúng tôi tham quan xưởng dệt chiếu của gia đình, Tổ trưởng Nguyễn Văn Tuynh chia sẻ: Muốn có được một chiếc chiếu đẹp, trước tiên phải chọn được cói đẹp, không bị sâu hay nấm mốc, độ dài phải vừa đủ, các sợi đều nhau. Đồng thời, khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng, đều tắp.



Ông Nguyễn Văn Tuynh
  
Công nhân của chúng tôi thu nhập 2-3,5 triệu đồng/tháng, mỗi người đảm nhận một công đoạn làm chiếu. Người già, trẻ nhỏ cũng có thể tham gia làm.
 
Với trách nhiệm của tổ trưởng tổ sản xuất chiếu cói Xuân Dục, ông Tuynh thường xuyên nhận lao động ở trong thôn và các xã lân cận chưa có tay nghề về dạy nghề và tạo việc làm. Hiện xưởng dệt chiếu của ông Tuynh đang tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động với mức lương 2-3,5 triệu đồng/người/tháng. “Công nhân của chúng tôi mỗi người đảm nhận một công đoạn làm chiếu. Người già, trẻ nhỏ cũng có thể làm”.

 

Hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu, ông Tuynh có trong tay khối tài sản lớn về kinh nghiệm cũng như các bạn hàng làm ăn. Ông Tuynh cùng các thành viên tổ sản xuất đứng ra cung ứng nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, in, hấp hoa văn và bao tiêu sản phẩm chiếu cói của các hội viên làng nghề. Nhờ đó, chiếu cói Xuân Dục làm ra đến đâu, bán hết đến đó. Thị trường tiêu thụ của chiếu cói Xuân Dục rộng khắp các tỉnh Bắc Nam. Nhiều thành viên trong tổ sản xuất chiếu cói có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Thoa, công nhân làm tại xưởng của tổ trưởng Tuynh chia sẻ: “Trước đây, cứ xong vụ cấy là tôi lại theo chồng đi làm phu hồ ở xa. Nhưng 2 năm trước, được bác Tuynh dạy nghề dệt chiếu và tạo điều kiện làm tại xưởng, tôi thấy thu nhập dù không cao nhưng ổn định, đôi khi còn tranh thủ làm được việc nhà, chăm sóc con cái”.

Ông Vinh khẳng định: “Nghề dệt chiếu truyền thống ở làng Xuân Dục không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương.Triển vọng chiếu cói Xuân Dục sẽ phát triển nhiều hơn, xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh của làng nghề truyền thống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem