Chiếc tù và của ông Năm Nghiêm

Lê Minh Hà Thứ tư, ngày 10/03/2021 07:00 AM (GMT+7)
Những năm sáu mươi thế kỷ trước, người làng An Bình đã quen với tiếng: Đò Năm Nghiêm. Con đò dọc có mui, thân đò là chiếc ghe lườn, tiếng hiệu bằng tù và ngân dài không lẫn vào đâu được.
Bình luận 0

Nhà ông Năm Nghiêm ở xóm Cai Tài, từ đây đi ngược lên là xóm Đầu Cồn, nơi nhìn thấy phà Mỹ Thuận. Xóm Cai Tài gọi theo tên con rạch Cai Tài.

Chiếc tù và của ông Năm Nghiêm - Ảnh 1.

Tù và (Ảnh: Internet).

Rạch Cai Tài, ngược lên là rạch cùng, xuôi xuống, rẽ trái, rạch thông về Tắc Cát, Cầu Ngang, rẽ phải rạch về Đường Cày ra sông lớn, còn xuôi dòng ra ấp An Thạnh, ngang đình An Bình đổ ra vàm Bà Vú. Thời mới sắm đò, ông Năm Nghiêm chạy theo tuyến đường này.

Ông làm nghề đò sau khi cưới bà. Ông cầm lái, bà chống mũi. Cứ thế, nắng mưa không lỗi ngày nào, đò từ An Bình sang chợ Vĩnh Long và ngược lại. Cùng chạy trên tuyến này còn có đò ông Sáu Thắng, đò bà Tư Hý. Thời đó sông rộng, nước sâu, dần về sau hai bên bờ bồi lấp, lòng sông cạn, đò thân dài khó quay đầu. Sau năm 1975, bỏ tuyến trong, ông chạy tuyến Cai Tài – Tắc Cát – Tắc Lở - Vàm Bà Vú.

Chạy đò cũng phải theo con nước, hôm nào nước thuận thì ông đưa đò về tận xóm Cai Tài để sáng hôm sau xuất bến rước khách. Gặp hôm nước nghịch, ông đậu lại xóm Tắc Cát, đò neo trước bến nhà ông bà nội tôi. Những lúc như vậy, cứ xẩm tối là ông ra ngủ giữ đò, cùng ông tôi uống trà nói chuyện, tôi biết về ông từ đấy.

Xét về quan hệ, ông Năm Nghiêm là em chú bác với bà nội tôi. Ông họ Nguyễn, một dòng họ lớn, định cư lâu đời ở làng này. Cả đời ông, tôi chưa nghe ai chê trách điều gì, tính hiền lành, hay cười, có lẽ cũng do nghề tạo nên.

Thời tôi còn học trường làng, hàng ngày đi bộ từ nhà đến trường khoảng sáu cây số. Đường đi tính từ nhà phải qua năm cầu khỉ và một cầu ván mới đến lộ làng nằm ở xóm trong. Con đường từ nhà đến lộ làng, gọi là đường nghĩ cũng hơi sang, mà là bờ cơm nếp hay bờ thửa. Có những nơi đủ đặt gọn bàn chân, có hôm đi học trợt té mình lấm lem bùn đất, phải tìm nước giặt tạm, mặc vào đến trường thì đồ còn ẩm... Mùa nước ngập tháng tám, tháng chín âm lịch càng thảm hơn. Cầu trôi, muốn qua con rạch thì phải lột hết quần áo, bỏ vào bịch ni lông, cột vào đầu cây sậy. Chân đạp, một tay bơi, tay còn lại cầm cây sậy giơ cao lội từ bờ này sang bờ kia. Nếu may thì quá giang được xuồng, không thì, có hôm lột đồ đến ba lần.

Ở xóm tôi, cách nhà hai chặng hú là nhà bà Tư Đời. Bà có con trai lớn trạc tuổi tôi, cũng vì đường khó đi nên không vượt qua cấp tiểu học. Khi tôi học lớp chín trường làng thì con bà lấy vợ, cứ mỗi chiều sẩm  tối thấy tôi về ngang thì cả nhà nhìn ra, có hôm bà nói: "Hà ơi, nghỉ học lấy vợ đi mày! Táo đong lúa chớ không đong chữ!". Tôi chỉ im lặng, không biết nói sao. Ba Béc, con trai của bà xúng xính trong bộ đồ tây kiểu vườn thời tập tành áo chẽn quần ống loe, chân nhịp nhịp, một tay ghì lên cái mông tròn nẩy của vợ nhìn tôi như vẻ tội nghiệp dùm. Tôi biết trong xóm này bà không chỉ nói một mình tôi.

Chuyện nói ong nói ve cũng chẳng thấm tháp gì. Chuyện học trò đánh nhau mới là chuyện lớn.

Từ lộ làng đến trường là hành trình vượt qua "Thập diện mai phục" mà tôi và nhóm bạn phải trải qua. Và ngược lại.

Nghĩ cũng lạ, trai quê những người đi học cũng như không đi học lại thích "kên" nhau. "Kên" là lối thể hiện bằng cách tay chống nạnh, mặt hất về phía đối tượng, mắt nhìn thăm dò thái độ, ra vẻ thách thức. Nếu đối tượng cố ý tảng lờ né tránh thì thôi, còn lừ mắt nhìn lại sẽ như gà sắp so cựa. Những năm đầu tiểu học, tôi cố vượt qua những thách thức kiểu trẻ con như vậy, nhưng khi vào cuối cấp tiểu học thì sức phản kháng tăng dần. Những trận chiến đơn lẻ, một chọi một với lời nói khích của những người lớp lớn, thay vì căn ngăn, họ bảo: "Thằng nào đánh trước làm cha, đánh sau làm con!". Kẻ xuất thủ trước thường là tôi, kẻ thua cuộc mếu máo, ra đi tay còn giơ nắm đấm dứ dứ hẹn sẽ kêu anh, chị đến trả thù. Có những đoạn đường tôi phải bỏ không đi trong thời gian dài. Để có lộ trình an toàn, tôi phải thay đổi chỗ ở, khi thì ở với mẹ, khi thì lên ở với ông bà nội trên xóm Tắc Cát.

Ông nội tôi là người hào khí và thương cháu, có lẽ vì chúng tôi mồ côi cha. Có lần, Phong - em tôi, học sau một lớp, Phong học lớp buổi sáng, tôi học buổi chiều, tan trường đi ngược chiều nhau. Một hôm, gặp nhau giữa đường, Phong chạy lại nói: "Anh em thằng Cứng, Gựng ăn hiếp tôi! – Thằng nào?". Thế là nổ ra trận thư hùng, hai cặp chọi nhau. Kết thúc, anh em nhà kia, người thì rách áo, mặt trầy xướt, người thì mếu máo với cục sưng càng lúc càng to cỡ trái chanh, từ đỏ chuyển qua tím bầm ngay giữa tam tinh. Tôi xốc lại trang phục, phát hiện mình mất một nút áo ngực, lấy kẽm hàng rào làm nút và tiếp tục tới trường.

Chiều về, mới bước vô ngõ thấy nhà ông tôi có người đứng nói lao xao. Nhìn kỹ, có anh em Cứng, Gựng và mẹ là bà Hai Ánh, nhà trong xóm Đường Chùa đến để làm nhân mạng. Ông bà nội và mẹ tôi cũng có mặt. Từ lời đôi co gay gắt phải trái, dịu dần rồi thương lượng. Mẹ tôi phải đền một áo ka tê trắng, tiền thuốc, tất thảy là một chỉ vàng trao tay.

Tôi nghĩ bụng, thế nào ông nội cũng cho một trận. Nhưng không, ông sờ nắn đầu tôi, xem xét thân thể để tìm vết tích, rồi kêu bà cho ăn cơm. Buổi tối, ông kêu vào buồng chỉ cho tôi thêm mấy miếng võ để phòng thân. Chuyện đã mấy mươi năm, tưởng rằng quên, vậy mà bạn tôi vẫn nhớ nhắc lại trong một lần họp lớp. Tôi chỉ biết cười giả lả. Còn em tôi, sau chuyện đó, tiếp tục làm mẹ tôi tốn vàng thêm mấy bận. Đúng là con nhà xuất thủ đền vàng.

Khi nhỏ đánh nhau để thử sức, lớn một chút, xóm đánh xóm, lớn hơn nữa trai làng này đánh trai làng kia vì ganh gái. Ở mục sau tôi không tham gia vì khi ấy tôi đi học trường tỉnh.

Tôi biết nhiều về ông Năm Nghiêm là thời gian ở với ông bà nội đi học.

Buổi đầu chạy đò, ông cũng dùng tín hiệu bằng kèn. Cái loại kèn bóp hơi nghe tèn tẹc, tèn tẹc của mấy chú chệc mua heo thường dùng. Để tạo sự khác biệt cho đò của mình, ông hỏi xin người trong làng có trâu chết vì bị máy bay bắn một chiếc sừng to. Ông tỉ mỉ cắt gọt, dùi lỗ, đánh bóng và luyện thổi. Không biết ông luyện thổi bao lâu mới thiện nghệ. Tôi có mấy lần thổi thử, chỉ nghe tiếng hù… hù cùng với nước miếng làm ướt miệng tù và. Nếu gắng chừng năm hơi có thể chúi mũi té sấp vì chóng mặt.

Thời học cấp ba trường tỉnh, tôi có dịp đi đò ông Năm Nghiêm thường hơn, nhất là mùa nước ngập. Thú nhất là được ngồi sau lái hoặc ngồi trên mui, gió mát, dòng sông tháng hai, tháng ba xanh ngắt, khi khát có thể vốc nước uống được. Thỉnh thoảng, đò chạy làm cá leo giật mình phóng lên sàn lái, những chiếc áo dài trắng lấp ló nơi bến…Tôi thích nhìn cảnh ông cầm tù và đưa lên miệng thổi. Khi thổi, mặt ông hơi ngước lên, chúm miệng, nhẹ nhàng đưa hơi, tiếng tu…tu đồng vọng lan trên mặt nước, ngọt lịm, nhỏ dần trong hư không… Cũng vì tiếng tù và của ông, mấy cô, mấy bà lắm khi vì gấp, sợ trễ đò mà mặc quần lộn trái, khi phát hiện thì mặt lúng ta lúng túng gắng giải thích cho qua. Thời ấy, tiền đò tương đương ba nải chuối già.

Đò của ông hay lắc, tròng trành vì được làm bằng thân ghe lườn lợp mui. Chính vì bằng ghe lườn nên độ bền cao, vướng cọc không sợ thủng, mũi cất cao nên những lúc nước cạn có thể rướn sâu vào bờ để khách đỡ phải lội bùn. Tiếng tạch tạch của động cơ máy dầu lốc đứng kiểu Ấn Độ không lẫn vào đâu được, trong khi các đò cùng thời dùng máy Nhật. Có nhiều người khuyên ông đổi máy khác để chạy nhanh hơn, ông cười: "Nó bền lắm mày!". Tay lái đò, ông làm kiểu tay lái ngoài được uốn theo hình chữ Z bằng sắt tròn phi hai mươi bảy, đầu tay lái sáng giới và bén ngót nơi mép ống bởi bàn tay ông chạm vào đó mỗi ngày.

Nghề đò mấy mươi năm trên sông nước, chuyện bồi lở ở vàm, cua nào ông cũng biết, nhà ai có tiệc ông cũng đều hay, vì việc đi sắm sửa phải đi qua đò ông. Ông là quyển nhật ký của làng. Thời chiến tranh, chuyện làng lính ông thường cho ông nội tôi hay.

Có lẽ, nghề đò và ngủ giữ đò khiến vợ chồng ông mắn con. Mười hai người con đều no cơm ấm áo so với nhiều nhà khác thời bao cấp.

Nghề đò người ta tranh nhau lớn tiếng nơi bến chợ để giành chổ đậu. Tiếng chửi thề là tiếng cửa miệng của nhiều dân đò, nhưng ông thì không…

Buổi sáng, đò vào bến chợ Vĩnh Long tấp nập, các đò lớn mạnh máy thì chen tới trước, đò nhỏ không lui thì bị chèn có khi chìm hoặc vỡ đò. Đò ông lúc nào cũng lùi ở ngoài xa bập bềnh theo sóng, kết thành bè với những ghe xuồng nhỏ tạo thành chợ nổi trên sông .Vợ tôi, thời mới về làm dâu, đi làm bằng đò. Có lần phải bước chuyền qua những mũi đò chồng chềnh nên té lộn xuống nước, may có người cứu. Một phen hú hồn, nhớ đời.

Chuyến đò thưa dần sau những năm chín mươi thế kỷ trước, khi có chủ trương đê bao chống lũ kết hợp giao thông. Xe gắn máy chạy trên đường đan song song với đò. Từ đò hai chuyến một ngày, giờ chỉ một chuyến. Trước đò đầy ắp, nay lưa thưa mấy người đi chợ với ít chuối, sả, đu đủ… Lưng ông lái đò ngày càng gù hơn.

Bến vắng con đò

Khi tôi về dựng lại căn nhà thờ dòng họ, đò còn đỗ bến, người lái đò bấy giờ là con trai út của ông, có lẽ do quyết tâm kế hoạch hóa nên ông đặt tên Chót. Dù cố gắng, nhưng con trai ông thổi tù và không thành tiếng. Chiếc tù và bị lãng quên trong góc nhà. Sau ngày ông mất, chiếc đò cũng được bán đi để đổi lấy chiếc ba gác Tàu, chạy xành xạch trên con đường lở lói. Tôi bây giờ vẫn nhớ tiếng tù và cùng tiếng gọi: "Đò ơi…!"

                                        

              

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem