Chăn nuôi Việt Nam quá phụ thuộc nước ngoài: Điều chỉnh ngay sự cạnh tranh xấu

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ ba, ngày 25/11/2014 07:04 AM (GMT+7)
Sau loạt bài “Chăn nuôi Việt Nam nhập khẩu từ con giống đến... cái máng lợn”, NTNN đã phỏng vấn TS Nguyễn Văn Giáp (ảnh) - Trưởng nhóm nghiên cứu chăn nuôi của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam về thực trạng của ngành chăn nuôi hiện nay.
Bình luận 0

Được biết, Liên minh Nông nghiệp Việt Nam vừa công bố một bản báo cáo nghiên cứu toàn diện về ngành chăn nuôi, trong đó có nói tới rất nhiều bất cập của khâu giống, thức ăn chăn nuôi (TACN), thuốc thú y. Theo ông, phải chăng chúng ta đang quá lệ thuộc vào nước ngoài trong lĩnh vực này?

img TS Nguyễn Văn Giáp

 

- Đúng là như thế, nghiên cứu của chúng tôi dựa vào những con số thống kê đã chỉ ra một thực trạng là chăn nuôi đang quá phụ thuộc vào nước ngoài, nếu không được cải thiện thì khi gia nhập Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Cụ thể, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện nay sử dụng nguồn giống lợn ngoại là chủ yếu (chiếm 74% trong tổng đàn lợn), trong đó bao gồm cả giống lợn ngoại thuần (52,83%) và giống ngoại lai (47,17%).

Đối với gà, nguồn cung gà giống dùng để đẻ trứng ở Việt Nam hiện nay được cung cấp chủ yếu là từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như CP. Group, Japfa và Emivest. Thị phần của các đơn vị này chiếm đến hơn 90% so với tổng nguồn cung của cả nước. Mỗi tháng 3 đơn vị này cung cấp ra thị trường khoảng 6,2 – 6,5 triệu con giống, riêng gà lông trắng thì phụ thuộc 100% vào doanh nghiệp nước ngoài.

imgCả con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... chúng ta đều phải phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài và nhập khẩu. Ảnh chụp tại một trang trại chăn nuôi ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.     L.H.T

 

Đối với ngành sản xuất TACN, trong đó có các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá Việt Nam phải nhập tới 90%; và khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu 100%. Không chỉ nhập khẩu nguyên liệu, năm 2013, sản lượng TACN nhập khẩu trực tiếp cũng tăng, đạt 13 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với năm 2012.

Ở mảng vaccine và thuốc thú y, số liệu thống kê nhập khẩu vaccine dùng cho thú y của Việt Nam tăng một cách mạnh mẽ về cả lượng và giá trị. Trong giai đoạn từ năm 2002 – 2013, giá trị nhập khẩu vaccine dùng cho thú y tăng từ hơn 6 triệu USD lên gần 60 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần. Chỉ điểm qua các sản phẩm chính của ngành chăn nuôi như trên đã cho thấy, chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.

Nghiên cứu cũng chỉ ra cấu trúc ngành chăn nuôi đã có sự thay đổi, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ đang chịu nhiều thiệt thòi. Ông có thể cho biết rõ hơn điều này?

- Theo nghiên cứu của chúng tôi, cấu trúc ngành chăn nuôi Việt Nam đang thay đổi nhanh từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng giống, thức ăn địa phương và tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống chợ truyền thống chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn.

Hiện nay, các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ ngày càng phải chi trả cho vật tư đầu vào với giá cả tăng cao, thức ăn gia súc, thuốc thú y và giống. Đồng thời, nông dân gặp khó khăn khi giá bán nông sản xuống thấp. Chính vì vậy, nông dân chăn nuôi nhỏ thường chỉ nhận được phần giá trị gia tăng nhỏ trong tổng giá trị gia tăng của chuỗi giá trị nông sản. Bằng các phương pháp tính toán, chúng tôi nhận thấy, với cấu trúc thay đổi, người dân đang thiệt hại cả về nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra với mức tổng thiệt hại cho toàn ngành chăn nuôi mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ông có nói tới sự cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể biểu hiện này trong ngành chăn nuôi là như thế nào?

- Thực tế, ở tất cả các nền kinh tế nào khác trên thế giới cũng như Việt Nam, để xác định được sự cạnh tranh không lành mạnh là rất khó. Tuy nhiên, theo lý thuyết và sử dụng phương pháp nghiên cứu, chúng tôi thấy có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh: Sự tập trung thị trường, sự tập trung của các công ty lớn, phương pháp định giá bán; dấu hiệu của các rào cản gia nhập thị trường; hoặc quy mô thị trường, hệ thống phân phối, chi phí chiết khấu, chi phí quảng cáo… dựa vào dấu hiệu đó để cảm nhận có sự cạnh tranh lành mạnh hay không lành mạnh. Cụ thể, tại thị trường mua bán sản phẩm chăn nuôi của nông dân, do số lượng người chăn nuôi quy mô nhỏ rất lớn nên họ rất cạnh tranh với nhau trong việc bán sản phẩm.

Trước những tồn tại này, để ngành chăn nuôi pháp triển bền vững theo ông cần có những giải pháp cụ thể gì?

- Theo tôi, đầu tiên là nhà nước cần có chiến lược chăn nuôi cụ thể hơn, phải đặt chăn nuôi nông hộ vẫn là thành phần không thể thiếu (chiếm khoảng 70%) và có vai trò quan trọng trong chiến lược của ngành chăn nuôi. Đồng thời, Nhà nước phải tìm hiểu sâu hơn đầu vào, đầu ra để xem có chỗ nào đang hạn chế về cạnh tranh và biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để điều chỉnh hành vi đó, nhằm đem lại lợi ích công bằng cho tất cả những người tham gia thị trường, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ.

Đối với người chăn nuôi nhỏ, cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, ví dụ được tập huấn, đưa nhiều kiến thức, nâng cao trình độ, không nên để họ bị động trước các luồng thông tin của thị trường, của doanh nghiệp; bản thân những người chăn nuôi nhỏ cần phải tăng được sức mạnh liên kết và nâng cao kiến thức, kỹ năng hiểu biết, tiếp cận thông tin, tự bảo vệ quyền lợi của mình…

Cảm ơn ông!

   Theo TS Nguyễn Văn Giáp, chăn nuôi hiện vẫn chiếm vị trí quan trọng chiếm hơn 20% tổng giá trị ngành nông nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, với việc quá lệ thuộc vào nước ngoài, từ nhập khẩu con giống, TACN, thuốc thú y… yếu kém trong khâu giết mổ và quản lý thị trường là những tồn tại lớn không sớm khắc phục được khi hội nhập sâu rộng hơn chúng ta chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem