Cây kơ nia già của làng Bông Rẫy

Thứ bảy, ngày 15/06/2013 12:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghe tin Đinh Kang được huyện cho đi thăm Lăng Bác Hồ đã về, người làng Bông Rẫy (xã Đăk Sơ Mei, Đăk Đoa, Gia Lai) kéo đến chật nhà. Ai cũng đòi Đinh Kang kể chuyện, nào thì Lăng Bác có to không, Bác có giống trong ảnh hồi làng mình truy điệu năm sáu chín (1969) không…
Bình luận 0

Vậy là mong ước mãi rồi, làng Bông Rẫy đã có người được ra viếng Bác. Thầm trong lòng một chút ghen tị nhưng ai cũng nghĩ: Đinh Kang thay mặt dân làng là xứng đáng quá rồi…

"Cái dằm cứng" trong mắt Fulro

Đinh Kang tham gia cách mạng hồi mới 18 tuổi, tiếp đó đi bộ đội đến giải phóng mới trở về làng. Năm 1977 Fulro hoành hành dữ nhưng Bông Rẫy không ai chịu khuất phục. Bông Rẫy vốn là căn cứ cách mạng thời đánh Mỹ. Người đi bộ đội, du kích bây giờ trở thành chỗ dựa cho làng. Bà con bảo nhau: Mỹ có xe tăng, máy bay còn không sợ, sợ gì mấy thằng Fulro…

img
Đinh Kang - cây kơ nia già của làng Bông Rẫy.

Thằng Prăng ở làng Bông Mô, xã A Yun cầm đầu đám Fulro hoạt động vùng này nghe vậy tức lắm. Nó biết muốn khuất phục được Bông Rẫy thì phải khủng bố tợn mấy ông từng đi bộ đội, du kích. Đầu tiên nó bắt ông Keo trói vào gốc cây đánh trước mặt dân làng. Tiếp đó ông Nơng, ông Lộc cũng bị hắn treo lên cây đánh. Đinh Kang bấy giờ làm y tế thôn, là tiểu đội trưởng du kích tất nhiên cũng là đối tượng khủng bố của thằng Prăng nhưng nó không trói đánh mà chỉ bắt đứng xem.

Ý hắn là chỉ cần làm cho ông sợ mà tiếp tế ngầm thuốc men, dụng cụ y tế cho Fulro. Không thể để hắn ngang ngược làm càn như thế được, Đinh Kang quyết định phải gặp đấu tranh trực diện. "Giết người, cướp lúa gạo chỉ có Mỹ - ngụy làm thôi. Mày làm điều ác thì mày là giặc của dân làng rồi. Làm điều ác chống dân làng, chống Nhà nước thì không ai để yên cho đâu. Nghĩ cho kỹ đi, không có mai mốt ân hận đấy". Cứ tưởng Prăng sẽ nổi khùng cho ông một phát đạn hay ít nhất là trói vào gốc cây đánh, trái lại hắn lặng im… Sau lần đó Prăng đã chờn, bớt hung hăng, không dám đánh đập dân làng nữa. Năm sau, hắn chuyển sang hoạt động ở địa bàn khác rồi bị du kích bắn chết…

"Trạng sư làng"

Trước năm 2000 người làng Bông Rẫy chỉ biết xoay trần đánh vật với cây lúa rẫy. Vất vả đủ đường mà hạt lúa làm ra như biết chạy. Cứ buông cuốc là hết ăn. Ai cũng mơ cái ti vi, xe máy nhưng miếng ăn còn lo chưa nổi thì lấy đâu. Biết là phải làm, nhưng nói đi trồng cà phê để có tiền như người Kinh thì ai cũng chần chừ như người lạ đường thấy cái ngã ba…

Cái mới đến phải có người làm trước, làm thành công thì bà con mới tin. Đinh Kang nói với các ông Keo, Ủy, Lê: "Mình là cựu chiến binh, đây cũng là trận đánh, phải đi lên trước thôi. Tôi sức yếu không theo được thì các con làm thay". Đúng như Đinh Kang nghĩ. Bông Rẫy đất tốt, nước sẵn, chịu khó là sẽ thành công. Chỉ một vụ cà phê đầu của những người đi trước đã đủ thuyết phục bà con. Phong trào trồng cà phê thay cây lúa rẫy từ năm 2005 đã lan khắp làng. Cùng với cây mì, cà phê đã chấm dứt cái đói bao năm đeo đẳng…

Đã 73 mùa rẫy, lại thêm thương tật hồi đánh giặc, sức yếu lắm mà vẫn phải cố vì cái lý của bà con, rằng "cây càng già càng cứng, bóng che càng dày". Mà không phải chỉ cố bằng cái miệng đâu, chân tay cũng phải cố đấy”.

Nhưng lại cứ như là điều trái ngược. Khi cái ăn đã không thành nỗi lo thì chuyện xấu lại mỗi ngày mỗi nhiều lên. Đau đầu nhất là việc tranh chấp đất đai, quan hệ trai gái, mâu thuẫn gia đình… Chẳng nói đâu xa, ông thông gia với Đinh Kang, tuổi cũng không còn trẻ, vậy mà bỗng dưng lại đòi bỏ vợ để theo người đẹp hơn… Cho đến bây giờ Bông Rẫy vẫn theo nếp lấy lệ làng để phân xử, phạt vạ. Lệ làng cũng có cái đúng, cái hay là răn người ta đừng làm điều xấu, nhưng người ta cứ phạt theo cảm tính. Có người bị phạt sạt cả tài sản.

Người không tốt lấy việc phạt làm cớ ăn nhậu… Như mới đây trong làng có anh chàng Nêr bỏ vợ. Họ hàng nhà gái đã bắt phạt Nêr 20 triệu đồng, lại còn bắt cô vợ mới đền 20 triệu nữa. Nhờ Đinh Kang làm "trạng sư", cuối cùng chỉ phạt Nêr con heo nhỏ để làm bữa rượu hòa giải… Lệ làng chưa thể bỏ nhưng phải không phạm luật Nhà nước, giữ được mối đoàn kết xóm làng

. Bao nhiêu vụ việc phức tạp, nhưng khó đến đâu thì cái lý bất biến của Đinh Kang vẫn là "Thời cách mạng rồi, phạt là để người ta nhớ cái xấu mà tránh; không phải vì sự yêu ghét có sẵn trong bụng mình". Tất nhiên, cũng chẳng dễ nói suông. Đi bộ đội 15 năm, lại mấy chục năm tham gia việc làng việc xã, 8 người con, ai cũng làm ăn giỏi; đặc biệt với vai trò của mình ở Hội Người cao tuổi, Đinh Kang đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần của bà con trong xã, mới có được cái "uy" ấy...

“Đã 73 mùa rẫy, lại thêm thương tật hồi đánh giặc, sức yếu lắm mà vẫn phải cố vì cái lý của bà con, rằng "cây càng già càng cứng, bóng che càng dày". Mà không phải chỉ cố bằng cái miệng đâu, chân tay cũng phải cố đấy” - Đinh Kang cười vang. Tôi nhìn ra ao cá của Đinh Kang, cái ao cá duy nhất của làng Bông rẫy lăn tăn gợn sóng bên chân rẫy cà phê xanh mướt. Thực tình là giá trị kinh tế của nó chưa bao nhiêu, Đinh Kang chỉ muốn "tuyên truyền" cho dân làng thêm một nghề mới.

Bông Rẫy có nhiều chỗ làm ao cá được nhưng chưa ai nghĩ đến. Chẳng phải với cây cà phê năm nào, hễ cứ là cái mới là phải có người đi lên trước. Bây giờ vẫn hãy còn khó vậy… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem