Cắt điện sợ hơn tăng giá

Thứ hai, ngày 28/02/2011 16:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 26.2 tại cuộc họp báo về cung ứng điện mùa khô năm 2011, việc cắt điện sẽ nhiều hơn so với năm 2010 do lượng điện thiếu hụt khoảng 2,08 tỷ kWh.
Bình luận 0

Ngành điện "doạ" sắp tới sẽ cắt điện làm cho người dân và doanh nghiệp hoảng vía. Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ dự báo trong 3 tháng tới, miền Nam sẽ nắng nóng lên tới 39 độ C, nóng cả ngày lẫn đêm. Nếu bị cắt điện, các hộ gia đình, các công sở sẽ phải đối mặt với những cơn nóng thiêu người.

Lúc đó, ai cũng sẽ mong có điện, dù có tính đắt cũng phải mua, nhưng đáng tiếc là không có. Người già, trẻ em vì nóng nực mà sinh bệnh tật, tiền thuốc còn tệ hại hơn tiền tăng giá điện. Các cửa hàng, quán ăn, cơ sở dịch vụ tư nhân vì cắt điện phải ngưng hoạt động hoặc mất khách, thiệt hại đó tiền phải trả tăng giá điện thấm vào đâu.

Tuy nhiên, thiếu điện sản xuất mới gây thiệt hại nặng nề. Doanh nghiệp thiếu điện sản xuất, phải chạy máy dầu, chi phí gấp ba lần điện lưới, nhưng vẫn không đủ để hoạt động hết công suất. Hiện nay, giá xăng dầu tăng, chi phí nhiên liệu tăng lên nhiều lần, khó khăn thêm chồng chất.

Vấn đề không phải chỉ tăng chi phí đầu vào sản xuất, mà đặc biệt là ảnh hưởng đến năng suất, số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã ký kết. Các cam kết kinh tế, thương mại không có chỗ cho việc giải thích lẩn thẩn rằng nhà sản xuất bị cắt điện cục bộ hay toàn diện như chúng ta vẫn nói và chia sẻ với nhau. Sai hợp đồng là bồi thường, là đền tiền và kèm theo đó là mất các hợp đồng sau vì không có uy tín.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê mướn nhân công theo thời vụ. Cắt điện là nghỉ việc, và đương nhiên những người lao động làm việc dịch vụ không được tính công. Những ngày cắt điện là những ngày thất nghiệp. Như vậy, người nghèo cũng là nạn nhân của cắt diện, đừng tưởng người giàu mới cần điện.

Nông dân ngày nay không chỉ có cái cày con trâu, mà họ sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Cắt điện ảnh hưởng tới tưới tiêu, nuôi tôm, ấp trứng gia cầm. Đã từng xảy ra những trường hợp hộ nông dân sản xuất phá sản vì thiếu điện. Nhiều vuông tôm, nhiều vườn cà phê bị hư hại vì không có điện để tưới tiêu và xử lý kỹ thụật nuôi trồng kịp thời. Bài học đó còn mới toanh, chưa ai dễ quên.

Bàn chuyện tương lai gần vậy thôi chứ ngành điện cũng không thể cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất. Ngành điện đưa ra nhiều lý do để biện minh cho sự thiếu hụt triền miên, than lỗ và cho rằng việc tăng giá điện là hợp lý. Người dân cũng sẵn sàng đóng tiền tăng giá điện như hiện nay hoặc cao hơn nữa, đúng theo giá thị trường, nhưng liệu ngành điện có dám cam kết cung cấp đủ điện, không cắt loạn xạ như hiện nay?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem