Cảnh báo việc người tâm thần gây án

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 25/03/2015 08:13 AM (GMT+7)
Vụ án “con trai giết cha” xảy ra ngày 13.3 tại xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa tiềm ẩn mà người bị bệnh tâm thần gây ra cho gia đình, xã hội.
Bình luận 0

Những vụ án kinh hoàng

Khoảng 11h trưa 11.3, ông Lê Văn Diên (SN 1962, ngụ đội 8, thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đi làm về thì có người báo tin con trai ông là Lê Văn Hòa (29 tuổi) lên cơn thần kinh, quậy phá ở nhà hàng xóm, nên ông sang gọi con về. Không ngờ, Hòa nổi cơn điên, dùng rựa chém chết ông Diên rồi... chặt thi thể thành nhiều khúc.

img
Nhiều người bị bệnh tâm thần vẫn sống lang thang, tiềm ẩn gây nguy hiểm cho cộng đồng. Ảnh chụp tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Ảnh: N.V
Trước đó, sáng sớm cùng ngày, Hòa chạy chiếc xe máy Dream của cha mình lên xã Hải Phú (Hải Lăng) xin tiền mọi người nhưng không ai cho. Sau đó, Hòa bỏ lại xe máy của mình đi, lấy xe máy của một người dân ở xã Hải Phú chạy đi.

Người dân nơi đây phát hiện và tưởng Hòa là kẻ trộm nên cùng nhau hô hoán rượt đuổi. Hòa thấy vậy liền rú hết ga chạy về làng mình, sau đó vào nhà ông Lê Văn Huỳnh tắm rửa, quậy phá. Thấy thế, ông Diên dỗ ngọt để đưa Hòa về nhà thì bị chính con đẻ dùng 2 cây rựa chém liên tiếp người cha dẫn đến tử vong.

Trước đó, Hòa lên cơn điên chặt chết 7 con vịt của một người trong làng.

Bà Phan Thị Ủy - vợ ông Diên đau đớn nói: “Tui biết con có vấn đề về thần kinh nhưng thường ngày nó (Hòa) vẫn hiền lành tử tế, chỉ có đôi lúc không bình thường, nói năng lảm nhảm một mình nhưng không hề quậy phá ai bao giờ. Thấy vậy, gia đình gom góp bạc tiền đưa con đến thầy cúng giải hạn chứ chưa hề đưa đi bệnh viện. Ai ngờ sự việc lại thế này”.

Khoảng 8h sáng ngày 5.3.2011, tại thôn Amoorr, đối tượng Hồ Văn Ng (SN 1989, trú xã A Xing, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị bệnh tâm thần cũng đã sát hại dã man chị Hoàng Thị L (16 tuổi) hành nghề bán hàng rong mà không hề biết lý do là gì.

Sau khi gây án, Ng lấy xe máy của nạn nhân chạy trốn. Đến khuya cùng ngày, Ng chạy xe máy trở lại nơi gây án bỏ lại, sau đó thắt cổ tử tự trên cây cao. Người nhà Ng cho hay, Ng bị tâm thần năm 2003, nhưng vì thấy anh này không quậy phá nên chỉ cho uống thuốc một lần cho đến khi xảy ra việc gây án.

Khoảng 4h30 sáng 16.12.2010, bà Tr.Th.L (trú thôn Liên Công Tây, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) xuống bếp nấu cơm thì con ruột bà là Lê Văn Kh bất ngờ lên cơn điên, phá tan tành bếp núc xoong chảo sau đó dùng cuốc bổ liên tiếp vào đầu mẹ làm bà L chết ngay tại chỗ.

Cần mái nhà chung

Những vụ án đã xảy ra khiến nhiều người dân ở Quảng Trị thấy hoang mang khi thấy hàng ngày có rất nhiều người bị bệnh về thần kinh đi lang thang ngoài đường, la hét, dọa nạt người khác… Tại TP.Đông Hà, không ít lần người dân chứng kiến một thanh niên trần như nhộng lang thang khắp nơi, đến những nơi đông người, lễ hội…

Quan điểm

Ông  Nguyễn Trí Thanh
  Vì tâm lý người nhà bệnh nhân thường chủ quan khi thấy người thân không có biểu hiện phá phách, và do thương yêu, không muốn để người thân mình vào trung tâm bảo trợ nên gia đình bệnh nhân tâm thần thường che giấu về tình trạng bệnh”.
Thống kê từ Sở LĐTBXH Quảng Trị, hiện trên địa bàn tỉnh có 899 người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Nhưng đây chỉ là thống kê số người bị bệnh nặng, còn thực tế số bệnh nhân còn cao hơn rất nhiều.

Trong 899 người bị tâm thần chỉ có 30 người thuộc diện đặc biệt nguy hiểm cho xã hội được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị hàng năm tiếp nhận từ 272-293 bệnh nhân vào chữa bệnh tâm thần.

Ông Nguyễn Trí Thanh – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐTBXH Quảng Trị thừa nhận, việc người bị bệnh tâm thần sống tại gia đình cùng với cộng đồng là một hiểm họa cho xã hội vì chưa biết người tâm thần sẽ lên cơn điên loạn nặng mà gây án mạng hay đánh đập người khác khi nào.

“Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Chúng tôi cần có một trung tâm bảo trợ người bị tâm thần để cho họ có một mái nhà chung, có người chăm sóc” - ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, để ngăn ngừa người bị bệnh tâm thần gây các vụ việc nguy hiểm, gia đình có người bị bệnh phải báo cáo với chính quyền để có hướng giải quyết chứ không được lơ là mất cảnh giác hay tự ý chữa bệnh, cúng bái vừa tốn tiền vừa không mang lại hiệu quả. Chính quyền xã, phường phải thường xuyên điều tra, thống kê rà soát và kiểm soát đối tượng này...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem