Cẩm Điền 8 năm "gạo chợ, nước sông" và những ngày không yên ả

Phóng sự của Thắng Quang Thứ sáu, ngày 17/07/2015 12:02 PM (GMT+7)
Sau khi trên mạng xuất hiện clip một người dân bị xe xúc đất chèn xích lên người, cái tên Cẩm Điển (Cẩm Giàng, Hải Dương) bỗng khiến dư luận chú ý bởi mọi việc bắt nguồn từ bất đồng trong đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền – Lương Điền. PV Báo Dân Việt - NTNN đã tìm hiểu nguồn cơn của những bức xúc, dồn nén kia.
Bình luận 0

“Gạo chợ, nước sông” chờ đền bù

Sau sự việc xảy ra tại KCN Cẩm Điền – Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) vào sáng 10.7, khi bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) được cho rằng đã bị lái xe ủi bánh xích chèn qua người, phải đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc để giải quyết vụ việc, ổn định tình hình.

img

Hiện trường vụ máy xúc chèn lên nạn nhân Lê Thị Châm tại xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) ngày 10.7. 2015. (Ảnh: Bảo Lâm)

Theo ghi nhận của PV Báo Dân Việt - NTNN, một tuần sau sự việc trên, nhiều hộ dân vẫn “lập chốt” ngay tại cửa KCN Cẩm Điền – Lương Điền. Họ thay nhau trông giữ ngày đêm vì sợ đơn vị thi công lại đưa máy móc vào nơi có ruộng đất của họ. Người dân nấu một nồi cháo lớn để phục vụ những người “canh chốt”, tiếp tục xếp đá hộc, đặt chắn đường bằng cây tre, cắm cờ và nhiều biểu ngữ phản đối việc thu hồi đất của dân.

Vì sao người dân lại phản đối việc thi công trong KCN khi đã có quyết định thu hồi đất của họ gần 8 năm trước? Chính những người dân vẫn cho rằng diện tích đất bỏ hoang lãng phí cỏ mọc um tùm, đáng lẽ ra khi dự án được triển khai tiếp phải rất đỗi vui mừng mới đúng?

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên mới thấy, người dân đã trải qua giấc mơ công nghiệp,... Rồi tỉnh giấc bàng hoàng khi thấy hàng trăm ha ruộng đất của họ bị biến thành đồng cỏ, trong khi cơ chế hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng quá rẻ mạt. Họ lo lắng nếu cầm những đồng tiền ấy rồi trở nên thất nghiệp khi đời sống bao năm qua của họ vốn chỉ bám vào “bờ xôi ruộng mật” để trồng lúa trồng khoai. Mất đất ra thất nghiệp, con cháu họ không biết sẽ sinh sống ra sao khi sự đền bù không đủ nuôi sống.

Đại diện cho các hộ dân, ông Vũ Xuân Phương (70 tuổi, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) phản ảnh, từ năm 2008-2015, trong số 91 hộ bị thu hồi đất thì có tới 36 hộ chính sách. “Theo quyết định, chúng tôi bị thu hồi mất 98.012m2, tức là bằng 97% diện tích đất canh tác, trong đó có tới 1.080m2 đất hương hỏa, đất thờ cúng tổ tiên”. Ông Phương nói và ngồi nhẩm tính, trong thời gian gần 8 năm qua, kể từ thời điểm đất bị thu hồi, cũng tức là 14 vụ (không tính vụ đông), chỉ  tính riêng 91 nông hộ ở đây, ước tính thiệt hại kinh tế quy ra thóc đã là cỡ 500 tấn, tính theo giá thị trường khoảng 4 tỷ đồng.

“Chính sách hỗ trợ, tiền đền bù cho những hộ dân bị thu hồi đất đã có, nhưng đến nay người dân chưa được hưởng một đồng tiền nào. 8 năm qua, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn khi có đất mà không được canh tác, không có lương thực khi cả 91 hộ dân đều sống cảnh “gạo chợ, nước sông”. Con em chúng tôi đến tuổi lao động không có việc làm, một số đã mắc các tệ nạn xã hội, một số không có việc làm ổn định vẫn lang thang nay đây mai đó”- ông Vũ Xuân Phương ngậm ngùi cho biết.

Gặp nạn vì bảo vệ ruộng

Điều người dân chua xót nhất là trong gần 8 năm qua, khi họ chưa nhận tiền giải phóng mặt bằng nhưng ruộng đất của họ đã bị biến thành những đồng cỏ hoang. Trong khi đó cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Sen (73 tuổi, trú tại thôn Hoàng Xá) đứng trên bãi đất cỏ mọc um tùm trong KCN Cẩm Điền cho biết: “Nhà tôi có 6 người, tất cả đều làm  nông nghiệp, thằng con tôi lại bị thần kinh, chẳng làm ăn gì được. Giờ cả 6 miệng ăn đều trông vào đứa con dâu mới được nhận vào làm trong KCN Phúc Điền, mà cũng phải xin xỏ mãi họ mới chịu nhận cho. Nhà họ con cái khôn ngoan đi lao động nước ngoài thì không sao chứ như nhà tôi khổ lắm”.

Một trường hợp đáng chú ý khác là bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú tại thôn Hoàng Xá) - người phụ nữ được cho là nạn nhân của vụ máy xúc chèn qua người. Dù năm nay đã ngoại ngũ tuần nhưng bà Châm vẫn sống một mình. Cuộc sống của bà chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng. Thế nhưng khi dự án KCN Cẩm Điền được triển khai, mức giá bồi thường thấp nên bà không chấp nhận. Gần 8 năm qua, một thân một mình phải lam lũ tìm đủ kế mưu sinh, trong khi ruộng đất của bà trở thành nơi cỏ dại mọc.

Khi bà cùng người dân đòi hỏi quyền lợi thì không may gặp phải tai nạn thương tâm. May mắn thay, sức khỏe của bà đã khá hơn sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

 Ngày 10.7, trên mạng lan truyền clip, trong đó bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú tại thôn Hoàng Xá, Cẩm Điền) phản đối việc thi công dự án trên đất ruộng của mình, đã bị bánh xích của xe xúc chèn lên người. Bức xúc, người dân đã đuổi đánh gây thương tích cho lái xe là Nguyễn Văn Sinh (42 tuổi, quê Thanh Hà, Hải Dương).
 Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Hải Dương họp báo, đại diện cơ quan chức năng khẳng định không có chuyện xe xúc bánh xích đè lên người bà Châm mà xe chỉ va chạm vào bà Châm. Tuy nhiên, bà Châm, đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), khẳng định: “Tôi may mắn thoát chết là do bánh xích xe đè lên 2 mô đất nổi khiến tôi nằm lọt thỏm ở giữa mới thoát chết”.

Cơ quan điều tra gặp bà Châm

Trao đổi với Phóng viên Báo Dân Việt - NTNN, đại tá Bùi Như Luyến - Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng cho biết: Chiều 12.7, cơ quan điều tra đã đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thăm hỏi và lấy được khai của bà Lê Thị Châm. Công an cũng đang xác minh ông Sinh có phải là người của đơn vị phụ trách thi công dự án, có bằng lái máy xúc và có được giao nhiệm vụ lái máy xúc không. “Chúng tôi sẽ làm việc với công ty phụ trách việc thi công dự án, đồng thời xem xét dấu hiệu tội phạm của người này xem có phải đã cố ý lái máy xúc đâm vào bà Châm không” – đại tá Luyến khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem