36 đơn vị không còn hưởng chính sách lương đặc thù khi cải cách tiền lương thuộc ngành nào?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 27/10/2023 13:00 PM (GMT+7)
Khi cải cách tiền lương, công chức, viên chức ở một số đơn vị sẽ không còn được hưởng chính sách lương đặc thù, khả năng tiền lương sẽ không tăng.
Bình luận 0

Một số lượng công chức, viên chức sẽ không còn được hưởng tiền lương đặc thù nếu cải cách tiền lương

Mới đây, trong buổi thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng chia sẻ thông tin liên quan tới việc thực hiện cải cách tiền lương năm 2024, trong đó có việc bỏ thực hiện chế độ tiền lương đặc thù ở 36 đơn vị thuộc một số ngành.

Bà Trà cho biết, sẽ có 36 đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. 

Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, những cơ quan có bảng lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm), như vậy để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương.

Bộ trưởng cho hay, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và tăng GDP và đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026, nếu không nỗ lực, khó thực hiện tiếp.

cải cách tiền lương năm 2024

36 đơn vị thuộc một số ngành nghề sẽ không còn được hưởng tiền lương đặc thù. Ảnh: Nguyễn Nhung

Với 36 cơ quan hưởng chính sách lương đặc thù tới đây chỉ hưởng lương bảo lưu như hiện hưởng, không tăng thêm. 

Quá trình tăng lương sẽ có giai đoạn chuyển lương cũ sang lương mới theo vị trí việc làm, không thể đồng bộ ngay, sẽ có những vấn đề phát sinh.

Những công việc được hưởng tiền lương đặc thù thuộc ngành nào?

Sáng nay (27/10), chia sẻ với PV Báo Dân Việt về tiền lương đặc thù, ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, người có nhiều năm nghiên cứu, thành viên trong Hội đồng cải cách tiền lương trước đó cho biết: 36 ngành nghề đang hưởng tiền lương đặc thù này không thuộc danh mục nghề nghiệp đặc thù được quy định trong Luật Lao động năm 2019. Đây là ngành nghề được hưởng tiền lương đặc thù theo quy định của Bộ Nội vụ.

Có thể kể tới một số ngành nghề đặc thù như: Y tế; giáo dục; viện kiểm sát; tòa án, hàng không; lực lượng vũ trang... 

Ông Huân cho biết thêm, từ năm 2003, khi thiết kế tiền lương, hệ số lương công chức, viên chức cũng đã khác nhau. Ví dụ tiền lương của một kỹ sư bình thường được tính nhân thêm hệ số lương là 1,8 nhưng tiền lương của một kỹ sư trình độ cao được nhân thêm hệ số là 1,92. 

cải cách tiền lương

Ông Phạm Minh Huân cho biết cần lưu ý về tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương được duy trì lâu dài. Ảnh: N.T

"Năm 1993, khi thực hiện cải cách tiền lương, tiền lương từ 1 bậc được kéo ra nhiều bậc, dẫn tới có những vị trí bị trống bảng lương. Sau đó điều chỉnh lại rất mất thời gian, vất vả. Nay đã nhiều bậc thì dồn lại một bậc, 1 bảng (theo vị trí việc làm) khả năng cao cũng sẽ tạo ra nhiều thay đổi... Bộ Nội vụ cần có tính toán cụ thể các phương án và trù bị các phương án thay thế bổ sung", ông Huân phân tích.

Ông Huân cho rằng lâu nay thiết kế lương dựa trên lương cơ sở, nhân hệ số, nhưng giờ về 1 bảng lương việc thực hiện sẽ khó, nhiều khả năng vẫn phải để phụ cấp. Nếu không làm chuẩn, tạo ra sự khác biệt lớn về tiền lương, nhiều công chức, viên chức sẽ phản ứng. 

"Cải cách tiền lương là việc quá khó, nhưng chính phủ đã quyết tâm thì sẽ làm. Cải cách lương quan trọng nhất là mở quan hệ, mở hệ số trung bình lương?", ông Huân nói.

Ông Huân lấy ví dụ, hiện một công chức, viên chức vừa tốt nghiệp đại học ra trường đi làm đang nhận mức lương khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, nhưng tiền lương của một lao động cùng bằng cấp ngoài thị trường đang được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Cao gần gấp đôi.

"Làm thế nào để mở được tiền lương trung bình cho nhóm có tiền lương thấp này. Liệu Chính phủ có dám mở hệ số lên gấp đôi, tăng tiền lương cho nhóm này bằng tiền lương của nhóm lao động ngoài thị trường không?", ông Huân đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Huân, tiền lương đi theo hình chóp. Phần đông công chức, viên chức có nền tiền lương thấp, chỉ số ít cán bộ, công chức, có chức vụ lãnh đạo mới có mức lương cao ở chóp. Cải thiện chính sách tiền lương cho số đông thành công thì cải cách tiền lương mới thành công.

Chia sẻ thêm về vấn đề cải cách tiền lương, ông Huân cho rằng đây là vấn đề rất khó, hao tổn tinh thần sức lực. Cơ quan thực hiện cần phải có chuẩn bị kỹ lưỡng.

"Cải cách tiền lương, tăng lương không phải là làm 1 lần là xong như trợ cấp. Cải cách tiền lương phải làm theo lộ trình. Chúng ta có 500 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương, nhưng đó là con số để tăng lương trong 1 năm, vậy năm sau nguồn đâu để cải cách. Khi cải cách tiền lương năm sau sẽ phải được dựa vào nền tiền lương của năm trước, vì thế vấn đề tạo nguồn sẽ rất áp lực", ông Huân nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nôi vụ Phạm Thị Thanh Trà, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính.

Nhiệm vụ hàng đầu là tạo nguồn lực tài chính bền vững. Thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương, chứ không phải chỉ lo cho giai đoạn này. Bởi, nguồn lực trả lương cho giai đoạn này là đã có quá trình tích lũy từ 2018 đến nay.

Từ năm 2026 trở đi, nếu không tính đến tăng thu, tiết kiệm chi, rất khó khăn để tiếp tục trả lương theo chính sách tiền lương mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem