Cách tính lương giáo viên tiểu học mới từ 1/7/2024: Giáo viên háo hức được tăng đáng kể

Tào Nga Thứ bảy, ngày 06/01/2024 13:22 PM (GMT+7)
Nghe tin sắp tới sẽ tăng lương, nhiều giáo viên mong ngóng, hồi hộp xem bảng lương của giáo viên sẽ được sắp xếp theo vị trí thế nào, cách tính lương giáo viên tiểu học mới từ 1/7/2024 ra sao...
Bình luận 0

Cách tính lương giáo viên tiểu học mới từ 1/7/2024

Hiện nay, đối với giáo viên tiểu học mới vào ngành được xếp hạng III có hệ số lương 2,34, phụ cấp ưu đãi 35%, lương khởi điểm khoảng 5,5 triệu đồng mỗi tháng; giáo viên tiểu học hạng I cao nhất có hệ số lương 6,78 thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung có thể thực nhận lương trên 18 triệu/tháng.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra, bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. So với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Lương giáo viên sẽ được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).

Cách tính lương giáo viên tiểu học mới từ 1/7/2024: Giáo viên háo hức được tăng đáng kể- Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Như vậy, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.

Trước đó, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng nên lương giáo viên cũng đã được điều chỉnh từ thời điểm này.

Lương hiện nay của giáo viên tiểu học thấp nhất là 4,212 triệu đồng và cao nhất là 12,204 triệu đồng. Cụ thể như sau:

Cách tính lương giáo viên tiểu học mới từ 1/7/2024: Giáo viên háo hức được tăng đáng kể- Ảnh 2.

Giáo viên háo hức mong đợi bảng lương giáo viên tiểu học mới từ 1/7/2024

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi rất mong cải cách tiền lương để có chế độ đãi ngộ cho đời sống của đội ngũ giáo viên ngày càng được cải thiện hơn.

Hiện nay lương của giáo viên tương đối thấp, tăng ít, rồi lại vướng mắc những bất cập trong thăng hạng vừa rồi… Chúng tôi thấy Bộ GDĐT và Quốc hội trao đổi và trả lời sẽ quan tâm tới đời sống của giáo viên nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy được sự quan tâm đó. Không những vậy lại còn các chế độ, quỹ phúc lợi… đều eo hẹp do các trường đều nêu lý do cạn kiệt ngân sách.

Nghe tin tháng 7 sắp tới sẽ tăng lương, ai cũng mong ngóng, hồi hộp chờ xem bảng lương của giáo viên sẽ được sắp xếp theo vị trí thế nào, có đảm bảo được sự quan tâm của các cấp tới đời sống giáo viên hay không, để giáo viên không còn phải vất vả mưu sinh, giáo viên bám nghề, dồn tâm huyết vào công việc giáo dục của mình mà không phải làm nghề thêm nữa".

Cô Nguyễn Thị Nhâm, giáo viên Trường Tiểu học tại Đông Triều, Quảng Ninh cho hay: "Theo tôi được biết, ngày 1/7/2024 sẽ là dự kiến thực hiện chế độ tiền lương, bảng lương mới theo vị trí việc làm cho giáo viên theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Nếu điều này là sự thật, mức lương của nhóm giáo viên tiểu học sẽ tăng lên đáng kể. Chúng tôi ai cũng mong ngóng được tăng lương để có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà".

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng: "Thiết kế thang bảng lương theo vị trí việc làm cho công chức, viên chức ngành giáo dục là xứng đáng, tránh tình trạng như lâu nay 'tuổi cao lương càng cao', không hợp lý. Thế nhưng thiết kế tiền lương theo vị trí việc làm cũng phải linh hoạt, tùy từng ngạch, tùy từng bậc. Trong cùng 1 vị trí việc làm cũng cần có sự phân cấp. Muốn tạo ra được sự công bằng trong cách tính tiền lương thì đương nhiên phải đánh giá chất lượng của công chức đó. Muốn đánh giá chất lượng thì đương nhiên phải có thi hoặc xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp".

Tương tự, công chức làm ngành giáo dục cũng vậy, có những người cùng dạy một môn, công tác ở 1 vị trí nhưng năng lực chuyên môn khác, thâm niên giảng dạy khác, thì phải thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem