Toàn gia Nguyễn Trãi bị đem ra hành quyết bởi án tru di tam tộc rúng động nhân tâm, hậu duệ của ông còn ai?

Thứ bảy, ngày 09/12/2023 21:06 PM (GMT+7)
Ngày 16/8/1442, toàn gia Nguyễn Trãi bị đem ra hành quyết, làm rúng động nhân tâm từ hơn năm thế kỷ qua. Ngoài họ Nguyễn (họ cha) còn có những họ liên quan nữa là họ Trần (chánh thất Trần Thị Thái của Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh), con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán - hậu duệ của hoàng tử Thượng tướng Trần Quang Khải, là ông ngoại...
Bình luận 0

Án tru di tam tộc thời xưa là phải giết hết con trai, dù là sơ sinh của ba họ liên quan đến phạm nhân tử tội là họ cha, họ mẹ và họ vợ. 

Án này khủng khiếp đến mức mẹ thứ, vợ thứ, thiếp, nàng hầu của tử tội cũng bị vạ lây, phải chết thảm.

Ngày 16/8/1442, toàn gia Nguyễn Trãi bị đem ra hành quyết, làm rúng động nhân tâm từ hơn năm thế kỷ qua. 

Ngoài họ Nguyễn (họ cha) còn có những họ liên quan nữa là họ Trần (chánh thất Trần Thị Thái của Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh), con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán - hậu duệ của hoàng tử Thượng tướng Trần Quang Khải, ông ngoại của Nguyễn Trãi), họ Nhữ (họ bà kế thất của Nguyễn Ứng Long), họ Trần (chánh thất Trần Thị Thành của Nguyễn Trãi), họ Phùng (bà thứ thất người Hà Đông, của Nguyễn Trãi), và họ Phạm (bà thứ thất thứ hai, cũng người Hà Đông, của Nguyễn Trãi).

Riêng người hầu thiếp rất trẻ đẹp, tài năng của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ có sách chép bà sợ hãi tự vẫn, có chỗ nói bà bị xử trảm cùng chồng.

Không thấy sách vở về sau ghi lại con cháu, anh em nào của Nguyễn Trãi còn sống sót.

Nhưng hơn 500 năm sau, có 2 người phát hiện và công bố về hậu duệ của Nguyễn Trãi. Đó là nữ sĩ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền và nhà nghiên cứu Phạm Côn Sơn.

Toàn gia Nguyễn Trãi bị đem ra hành quyết bởi án tru di tam tộc rúng động nhân tâm, hậu duệ của ông còn ai? - Ảnh 1.

Đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Nhị Khê là quê của cha Nguyễn Trãi là ông Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh). Ảnh: Di tích lịch sử-Văn hóa Hà Nội.

Bà Nguyễn Ngọc Hiền bút hiệu Như Hiên, sinh năm 1930, đang sinh sống ở TP.HCM (bà là di duệ của Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào - anh ruột của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh). 

Trong một thời gian dài đi tìm tư liệu, các gia phả cũ của vài dòng tộc Nguyễn, bà đã lập bảng Lược phả kê cứuvề tộc Nguyễn và đã phát hiện nhiều chứng cứ quan trọng liên quan đến Nguyễn Trãi. Nhà nghiên cứu Phạm Côn Sơn tiếp xúc, trao đổi với bà và công bố trên cuốn Tông phả kỷ yếu tân biên(NXB Văn hóa dân tộc ấn hành quý III/2006).

Theo hai nhà nghiên cứu này, trong vụ án đẫm máu tru di tam tộc, có hai bà thứ thất của công thần bị hàm oan Nguyễn Trãi đã trốn thoát. Bà họ Phùng người Hà Đông cùng hai con trai chạy biệt tích. Còn bà họ Phạm cũng người Hà Đông, lúc ấy đang mang thai, đã dẫn theo người con gái 6 tuổi tên Nguyễn Thị Đào. 

Bào thai ấy sau này là Nguyễn Anh Võ, con út của Nguyễn Trãi còn sống sót. Nguyễn Anh Võ lập ra dòng Nhị Khê ở Hà Đông và truyền đến ngày nay, có miêu duệ đã vào Sài Gòn từ lâu, lập từ đường thờ Ức Trai Nguyễn Trãi ở quận Thủ Đức (nay thuộc địa phận quận 9). Nguyễn Anh Võ có 7 con trai, con đầu là Nguyễn Tác.

Phả đồ Nguyễn Đại Tông ghi rõ Nguyễn Trãi có 6 người con trai, 2 người sống sót: người thứ ba là Nguyễn Công Duẫn và người thứ sáu là Nguyễn Anh Võ.

Toàn gia Nguyễn Trãi bị đem ra hành quyết bởi án tru di tam tộc rúng động nhân tâm, hậu duệ của ông còn ai? - Ảnh 2.

Tượng đài Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ảnh: Di tích lịch sử-Văn hóa Hà Nội.

Nhưng phần quan trọng nhất trong cuốn Tông phả kỷ yếu tân biênlà ông Phạm Côn Sơn, có kết hợp cứ liệu của nữ sĩ Như Hiên, Vương phả, Phả đồ Nguyễn Đại Tông, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, ông công bố Phả hệ Ức Trai Nguyễn Trãi.

Theo phả hệ này, Nguyễn Trãi là Tổ thứ 11 của Nguyễn Đại Tông và mấu chốt bắt đầu là Nguyễn Công Duẫn (con thứ ba của Nguyễn Trãi và bà chánh thất Trần Thị Thành). Nguyễn Công Duẫn là Tổ thứ 12 kể từ Khởi tổ Nguyễn Bặc.

Từ Nguyễn Công Duẫn sinh ra Phả ngành Vương và Phả ngành Tướng là hai ngành tạo dựng cơ đồ lẫy lừng ở phương Nam - Đàng Trong.

Phả ngành Vương: Nguyễn Trãi -> Nguyễn Công Duẫn -> Nguyễn Như Trác -> Nguyễn Văn Lưu -> Nguyễn Kim -> Nguyễn Hoàng (chú Tiên, khởi dòng Nguyễn Phúc về sau)...

Phả ngành Tướng: Nguyễn Trãi -> Nguyễn Công Duẫn -> nhánh 1: Nguyễn Đức Trung -> Nguyễn Hữu Vinh -> Nguyễn Hữu Đạc -> Nguyễn Hữu Dẫn -> Nguyễn Triều Văn -> Nguyễn Hữu Dật -> Nguyễn Hữu Cảnh (danh tướng có công đầu trong việc mở rộng lãnh thổ phía Nam nước ta)...

Nhánh 2: Nguyễn Đức Trung -> Nguyễn Văn Lang -> Nguyễn Hoằng Du -> Nguyễn Hoằng Thái.

Việc công bố Phả hệ Nguyễn Trãi rất quan trọng, cho thấy ai là người sống sót sau vụ án Tru di tam tộc và cũng cho thấy Nguyễn Trãi là Tổ của triều đại nhà Nguyễn (9 chúa 13 vua sau này, mà chúa khởi nghiệp là chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Hoàng đế cuối cùng là Bảo Đại).

Bà Như Hiên còn chứng minh được 2 sai biệt so với sử cũ: Đó là Nguyễn Trãi -> Nguyễn Công Duẫn và Nguyễn Hoằng Dụ -> Nguyễn Kim.

Không hiểu vì cớ gì, các sử cũ không hề nhắc đến hậu duệ Nguyễn Trãi và cũng không nhắc đến mối liên hệ Nguyễn Trãi -> Nguyễn Công Duẫn mà chỉ ghi đại ý: Tiên tổ họ Nguyễn là Nguyễn Công Duẫn - hoằng quốc công đời Lê Thái Tổ, là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa). Ông Duẫn sinh ra ông Nguyễn Đức Trung -> Nguyễn Văn Lang -> Nguyễn Hoằng Dũ -> Nguyễn Kim -> Nguyễn Hoàng...

Còn 2 nhà nghiên cứu nêu trên chứng minh Nguyễn Trãi là Tổ thứ 11 Nguyễn Đại Tông và Nguyễn Công Duẫn, qua các phả và một số truyện đều ghi đúng ông là con trai thứ ba của Nguyễn Trãi với chánh thất Trần Thị Thành.

Công trình nghiên cứu của nữ sĩ Như Hiên, căn cứ vào Thượng phả và Trung phả với một số Thế phả chi nhánh đã phát hiện sự sai lệch: Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Kim là anh em chú bác chứ chẳng phải cha con. Vì rằng Nguyễn Công Duẫn có 7 người con, trong đó con trưởng là Nguyễn Đức Trung (Trình quốc công thời Lê Thánh Tông) và con thứ tư là Nguyễn Như Trác (tiến sĩ khoa Quý Mùi, 1463). 

Nguyễn Kim là con của Nguyễn Văn Lưu, cháu nội của Nguyễn Như Trác, trong khi theo các sử cũ thì Nguyễn Kim là con của Nguyễn Hoàng Dụ, cháu nội của Nguyễn Văn Lang, hậu duệ của Nguyễn Trãi.

KHPT (Cổng TTĐT Hội LHKH&KT Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem