Cà Mau: Khó tiêu thụ, nông dân quay lưng với cây mía

Hoàng Hạnh Thứ bảy, ngày 25/10/2014 16:52 PM (GMT+7)
Trước sức ép của việc tiêu thụ khó khăn, lợi nhuận thấp, vùng mía nguyên liệu của huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đang ngày càng bị thu hẹp, hàng trăm ha đất trồng mía ở đây đã được người dân đưa nước mặn vào nuôi tôm. 
Bình luận 0

Những ngày này, hàng ngàn nông dân trồng mía ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đang sốt ruột như ngồi trên lửa vì vụ thu hoạch mía chính đã bắt đầu nhưng tìm mỏi mắt mà vẫn không có nơi nào để tiêu thụ mía. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trung Hiếu ở ấp 1, xã Trí Phải (huyện Thới Bình) cho biết:

“Xí nghiệp Đường Cà Mau (thuộc Công ty CP Mía đường Tây Nam, ấp 1, xã Trí Phải) đã chính thức có thông báo ngừng thu mua mía nguyên liệu trong vụ thu hoạch này. Nhiều ngày qua, hàng trăm nông dân trồng mía kéo đến xin bán mía mà không được”.

Ông Hiếu cho biết thêm, nắm được thông tin trên, một số thương lái ở vùng khác cũng đến đây thu mua mía từ đầu tháng 10, nhưng họ ép giá lắm.

“Giá mía từ 700 đồng/kg, giờ bị thương lái giảm còn 550 đồng/kg, nhưng có ngày thương lái còn chả buồn mua” – ông Hiếu lo lắng nói. Ông Đỗ Văn Thắng, ngụ xã Trí Lực chua chát nói: “Bây giờ chưa thu hoạch rộ mà còn bị ép giá như thế thì thời gian tới, các tay thương lái này sẽ còn ép nông dân chúng tôi nhiều hơn. Nhưng không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai”.

img  Người dân rầu rĩ vì thu hoạch mía xong không có nơi tiêu thụ.

 

Ông Hiếu, ông Thắng và nhiều lão nông có hơn nửa đời gắn với nghề trồng mía ở đây đều cho biết, nếu Nhà nước không có giải pháp cứu cây mía thì họ chẳng còn cách nào khác mà phải chuyển đổi sang nuôi tôm. “Mấy năm trước có người bà con rủ đưa nước mặn vào nuôi tôm, tôi còn luyến tiếc cây mía nên không làm. Nhưng bây giờ trồng mía bán không ai mua, trong khi giá tôm nguyên liệu đang tăng cao nên phải chuyển sang nuôi tôm mới sống được” – ông Nguyễn Minh Tâm, ngụ ấp Phủ Thờ buồn bã cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Quốc Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết: “Trước đây huyện có 1.800ha mía, nhưng nay đã giảm chỉ còn khoảng 1.700ha. Biết người dân đang gặp khó khi thu hoạch mía bán không được, nhưng huyện cũng đã hết cách. Chúng tôi chỉ còn biết khuyến cáo bà con không nên thu hoạch ồ ạt, chờ cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ”.

Ông Lê Hoàng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bằng cho biết thêm: “Mặc dù xã Tân Bằng có diện tích trồng mía ít hơn so với các địa phương khác, nhưng từ đầu năm tới nay người dân vẫn tiếp tục bị phá bỏ mía để nuôi tôm”..

   Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết sẽ báo cáo Bộ NNPTNT để giải quyết khó khăn cho người trồng mía ở Cà Mau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem