BTV Mai Anh: “Nghề nghiệp nào cũng có những thử thách riêng”

Thủy Tiên Thứ bảy, ngày 22/06/2019 08:07 AM (GMT+7)
Nhân ngày Nhà báo Việt Nam, BTV Thể thao của đài Truyền hình Việt Nam Mai Anh chia sẻ về công việc của một nữ nhà báo truyền hình.
Bình luận 0

img

Tốt nghiệp khoa Phát thanh truyền hình, Học viện Báo chí Truyền thông Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, Mai Anh hiện là BTV Thể thao của đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: Quang Phát

Được biết công việc của một BTV truyền hình không chỉ là mặc đẹp, make up và… lên hình mà còn đủ thứ việc “hầm bà lằng” nữa. Bạn hãy kể chi tiết hơn về chuyện “hậu trường” không có trên hình này được không?

Đúng vậy, đó chỉ là bề nổi của công việc MC truyền hình của chúng tôi. Thực chất để hoàn thiện một buổi lên sóng cần phải trải qua rất nhiều khâu. Sau khi nhận được kịch bản, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm được những vấn đề nổi bật trong buổi dẫn. Tiếp đến là làm kịch bản, việc này không chỉ đơn thuần là copy lời dẫn vào kịch bản mà chúng tôi phải biên soạn sao cho phù hợp với giọng văn của mình, đưa thêm vào những chi tiết gợi mở hoặc những phần trao đổi để thông tin đến được với khán giả một cách hấp dẫn nhất.

Tất nhiên, sau đó sẽ là chuẩn bị chỉnh chu về ngoại hình trang phục, make up. Do đặc thù của những bản tin làm trực tiếp và lượng thông tin phải cập nhật khá lớn nên quãng thời gian để chúng tôi dành cho khâu chuẩn bị này không quá nhiều, đôi khi các bạn sẽ thấy chúng tôi tay làm kịch bản còn mặt vẫn đang được trang điểm, kiểu như vậy (cười).

img

Làm báo hình là phải có ngoại hình bên cạnh kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và sự duyên dáng trong lối dẫn. Bạn có bí quyết gì để giữ ngoại hình bắt mắt cũng như hội tụ cả 2 tiêu chí còn lại?

Dẫn chương trình truyền hình được chúng tôi gọi vui là nghề làm dâu trăm họ, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì sự duyên dáng, ngoại hình cũng là một yếu tố quan trọng. Bởi nói gì thì nói, khi xem một bản tin hay một chương trình, ngoại hình chính là yếu tố đầu tiên mà khán giả được tiếp xúc ở người dẫn, và làm đẹp cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của MC với người xem.

Với tôi, một người dẫn chương trình cần tạo cho mình một sự chỉn chu, tự tin khi lên sóng, lựa chọn cách trang điểm và trang phục phù hợp với chương trình mà mình thực hiện, có sự sáng tạo để tạo nên phong cách riêng, nhưng do đặc thù của sóng truyền hình quốc gia vẫn phải trong khuôn khổ cho phép. Ngoài ra khi thời gian cho phép, tôi cũng đến spa để chăm sóc da, hoặc tập thể dục để có thân hình thon gọn hơn. Con gái mà, ai cũng muốn mình đẹp.

Nữ BTV Thể thao như bạn có được ưu ái hơn so với các đồng nghiệp nam cùng làm việc không? Bạn đón nhận sự ưu ái đó như thế nào, vì có thể nhận ưu ái cũng là một cách bạn bỏ lỡ cơ hội thử thách bản thân mình?

Môi trường làm việc của tôi có đặc thù là nam nhiều hơn nữ, nên đương nhiên nữ giới cũng nhận được những ưu tiên nhất định. Ví dụ như không phải đi quay tin bài quá xa, hoặc được đồng nghiệp nam hỗ trợ trong công tác trực tin bài. Làm việc trong môi trường nhiều nam giới, tôi cũng được học thêm ở họ về chuyên môn thể thao cũng như sự bình tĩnh, dứt khoát lý trí trong cách làm việc, điều mà phái nữ vốn thiên về cảm xúc thường khó có được. Còn nếu nói vì sự ưu ái đó mà bỏ lỡ những cơ hội để thử thách bản thân thì tôi nghĩ không có, mà ngược lại đúng hơn. Sự hỗ trợ giúp đỡ của các anh chị lớn, của những đồng nghiệp nam làm tôi tự tin hơn trong công việc, và thực hiện được những công việc mà trước kia tôi không nghĩ mình có thể làm được.

Bạn coi công việc (của một BTV Truyền hình) là một công việc đơn thuần để kiếm sống hay là cách để thấy mình đang sống như thế nào?

Công việc BTV truyền hình là ước mơ của tôi từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy cho dù lúc đầu gia đình có phản đối vì nghề này vất vả, tôi vẫn kiên trì thực hiện ước mơ của mình. Tôi học đại học đúng ngành phát thanh truyền hình và sau khi ra trường thì may mắn được anh Phan Ngọc Tiến – Trưởng Ban sản xuất các chương trình thể thao, Đài THVN nhận về làm việc. Đến nay tôi đã gắn bó với công việc này được 5 năm rồi. Với tôi, công việc này vừa là sự say mê và niềm vui, vừa giúp tôi có được một nguồn thu nhập ổn định để tự lo cho bản thân.

Một kỷ niệm mà bạn không quên trong nghề báo?

Kỷ niệm với nghề báo thì có khá nhiều, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là buổi lên hình đầu tiên. Hôm đó do quá hồi hộp nên tôi đã không nghe rõ khẩu lệnh trong trường quay, dẫn tới việc không đọc được phần tin chính đầu tiên. Lúc này do căng thẳng và lo lắng nên tôi đã bật khóc. Thế là MC nam dẫn cùng và mọi người trong êkip vừa làm bản tin lại vừa phải dỗ tôi vì sợ khóc quá lem hết phấn son không lên hình tiếp được. Cũng may là sau đó được mọi người trấn an, tôi đã bình tâm trở lại để hoàn thành buổi dẫn. Kinh nghiệm từ buổi dẫn đầu tiên đã theo tôi tới tận bây giờ để luôn tự nhắc mình phải bình tĩnh và cẩn trọng trong từng buổi dẫn rồi tự khắc sẽ giải quyết được vấn đề phát sinh.

img

Sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền thông mới đã làm thay đổi diện mạo bức tranh truyền thông trong thời đại mới. Truyền hình hiện nay cũng đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội và báo điện tử. Các bạn, là những nhà báo trẻ, phải chuẩn bị cho mình hành trang như thế nào để trụ vững trong cuộc chiến này?

Là một nhà báo trẻ, bản thân tôi cũng cảm thấy sự cạnh tranh đang diễn ra rất căng thẳng. Dẫn chứng đơn giản là trước kia chỉ có báo giấy và truyền hình, khán giả đương nhiên sẽ lựa chọn xem tivi như hình thức giải trí hấp dẫn. Tuy nhiên giờ đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần một chiếc smartphone bạn có thể kết nối với cả thế giới thông qua mạng xã hội và các trang mạng một cách nhanh gọn, tiện lợi. Chính vì thế, theo tôi, truyền hình tự thân phải đổi mới nếu không muốn thụt lùi lại phía sau, và bản thân mỗi MC, BTV cũng phải nâng cao kiến thức, trau dồi bản thân cả về ngoại hình, chuyên môn lẫn lối dẫn dắt để làm sao thu hút được khán giả, để khán giả thấy thú vị, từ đó họ sẽ lựa chọn xem truyền hình giữa muôn vàn những kênh giải trí khác.

Công việc của một BTV truyền hình đương nhiên sẽ vất vả, hơn thế còn là một BTV truyền hình mảng thể thao, bạn có bị áp lực gì khi làm việc không?

Là một BTV truyền hình, nhất là một BTV thể thao, với tôi có lẽ điều khó nhất là thời gian. Công việc của tôi thường không có lịch cố định. Có những dịp lễ tết hay cuối tuần, nếu như mọi người được quây quần bên gia đình, đi chơi cùng bạn hay đi du lịch, thì tôi vẫn sẽ đi làm như bình thường nếu như có lịch trực dẫn. Đồng thời do khung giờ lên sóng của chúng tôi trải dài từ 6h sáng cho tới tận 23h đêm nên giờ giấc sinh hoạt và ăn uống nghỉ ngơi cũng tùy hứng. Tuy nhiên với tôi, nghề nghiệp nào cũng có những thử thách riêng, bạn phải yêu để gắn bó với nghề, và tìm ra biện pháp khắc phục tốt nhất cho bản thân mình.

Bên cạnh những thử thách, điều gì làm cho bạn thích thú nhất khi làm BTV truyền hình?

Bên cạnh những thử thách, điều khiến tôi thích thú nhất với công việc BTV truyền hình là được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, và những điều đó khiến cho tôi có nhiều trải nghiệm sâu sắc với cuộc sống, trưởng thành và dạn dĩ hơn. Đặc biệt nghề này còn giúp tôi có thể tiếp xúc với các thần tượng của mình.

Từ kinh nghiệm làm việc với tư cách là nữ BTV thể thao truyền hình, bạn có điều gì muốn chia sẻ cho các bạn trẻ đang nuôi ước mơ theo đuổi công việc BTV truyền hình?

Tôi chỉ biết nói là ngắn gọn thế này: Các bạn trẻ hãy cứ ước mơ và thực hiện nó. Đồng thời, các bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho tâm thế truyền hình không phải là một thế giới toàn màu hồng, mà đi kèm với nó là những áp lực, căng thẳng từ phía khán giả, phía nhà đài dành cho bạn và từ những mong muốn rèn luyện của chính bản thân bạn nữa. Bạn phải chuẩn bị cho mình những kỹ năng về chuyên môn, vốn sống, sự chỉn chu về ngoại hình và sức khỏe nữa nhé. Tôi tin rằng tình yêu nghề, sự đam mê và kiên trì sẽ dẫn lối chúng ta đến với thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem