Bón phân Văn Điển cho tre Bát độ

PGS - TS Mai Quang Vinh (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) Chủ nhật, ngày 22/06/2014 10:30 AM (GMT+7)
Trong các năm vừa qua, tại huyện Trấn Yên, cây tre lấy măng Bát độ phát triển nhanh với diện tích gần 1.000ha, sản lượng măng tươi hàng năm từ 9.000 -10.000 tấn.
Bình luận 0

Nhằm tăng năng suất, chất lượng ổn định mang tính bền vững lâu dài cho cây măng tre, trong những năm qua Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã xây dựng các mô hình trình diễn nhằm hướng dẫn và khuyến cáo nông dân áp dụng kỹ thuật đồng bộ để thâm canh tăng năng suất, đặc biệt là sử dụng đúng loại phân, đầu tư phân bón đầy đủ, cân đối và bón đúng kỹ thuật.

Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã phối hợp triển khai mô hình bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển 8.6.4 và phân NPK 5.10.3 bón thử nghiệm cho tre Bát độ.

Quy mô, phương pháp

+ Diện tích thực hiện 2,5ha. Mô hình được thực hiện trên diện tích tre Bát độ 4 năm tuổi (diện tích đã cho kinh doanh, năng suất măng ổn định), với các loại phân bón:

- Phân đa yếu tố NPK 8.6.4 bao gồm: 8% N, 6% P2O5, 4% K2O và các nguyên tố vi lượng Zn, Bo, Cu, Fe, Co, Mn...

- Phân đa yếu tố NPK 5.10.3 bao gồm: 5% N, 10% P2O5, 3% K2O và các nguyên tố vi lượng Zn, Bo, Cu, Fe, Co, Mn...

Các loại phân này rất giàu các yếu tố đa, trung và vi lượng, ngoài ra còn có tác dụng khử chua, cải tạo đất tơi xốp phù hợp cây măng tre.

- Định mức bón 1kg NPK + 10kg phân chuồng cho 1 gốc.

- Tiến hành cắt tỉa những cây tre nhỏ có đường kính < 3cm và toàn bộ cành, lá cách mặt đất 40- 50cm cho thoáng gốc, sau đó dùng cuốc xới moi hết đất xung quanh gốc, cách gốc 40-45cm kết hợp với chặt đứt toàn bộ vùng rễ ở độ sâu 20- 25cm, để khô đất trong khoảng 10 ngày (nếu gặp mưa cần phủ nylon quanh gốc, đường kính cách gốc 2m).

Sau đó, dùng phân đa yếu tố Văn Điển cho mỗi hốc 1kg NPK 8.6.4 (hoặc NPK 5.10.3) + 10kg phân chuồng hoai mục (tuỳ cây nhiều hay ít tuổi, cây tốt hay xấu) rắc xung quanh gốc, cách tâm gốc 25- 30cm, dùng đất lấp đầy và vun cao vào gốc (cao hơn mặt đất xung quanh 20-25cm) để tạo điều kiện cho măng ra được thuận lợi, tưới ẩm cho tre.

Khoảng 2 tháng sau, tre bắt đầu ra măng. Khi thấy măng mọc làm nứt đất, nhìn thấy đỉnh ngọn măng nhô lên khỏi mặt đất 5-10cm là lúc thu hoạch măng tốt nhất.

Công thức đối chứng (không bón phân), tiến hành so sánh hiệu quả của 2 loại phân bón. Theo dõi một tuần một lần vào thời điểm thu hoạch măng quá trình sinh trưởng phá triển của tre bát độ, sản lượng măng tươi thu hoạch trong thời gian từ khi bón phân đa yếu tố NPK 8.6.4 và phân NPK 5.10.3 đến khi kết thúc thời vụ thu hoạch măng.

Kết quả đạt được

- Công thức bón phân NPK 8.6.4: Trong 3 tháng đã cho thu hoạch 7 lứa, mỗi khóm cho thu hoạch 35kg/lứa; tổng số 300 khóm cho thu hoạch 7.000kg măng vỏ tươi (2.100kg măng luộc), trừ chi phí thu lãi 3.450.000 đồng.

- Công thức bón phân NPK 5.10.3: Trong 3 tháng đã cho thu hoạch 7 lứa, mỗi khóm cho thu hoạch 25kg/khóm, tổng 300 khóm cho thu hoạch 5.200kg măng vỏ tươi (1.800kg măng luộc) trừ chi phí thu lãi 2.880.000 đồng.

- Công thức đối chứng (không bón phân): Số lứa thu hoạch 4, mỗi khóm trung bình: 15kg măng vỏ, sản lượng măng của 300 khóm là 1.200kg măng luộc. Trừ chi phí thu nhập đạt 2.200.000 đồng.

Kết luận và đề nghị

Phân NPK 8.6.4 thích hợp để bón cho cây tre Bát độ, làm tăng trưởng chiều cao của măng nhanh hơn 8-10cm, hỗ trợ cho cây khả năng chống chịu sâu, bệnh tốt hơn, cây sinh trưởng phát triển tốt, lá màu xanh đậm, kháng được bệnh khô vằn hại lá, măng mọc tập trung, tỷ lệ măng mọc cao hơn, khắc phục được tình trạng ngọn măng bị thối.

Số lứa thu hoạch tăng lên, số măng/khóm, trọng lượng/ngọn măng tăng hơn 1,5 – 2 lần. Tỷ lệ măng luộc cao hơn từ 10 – 12 %, năng suất sản lương tăng từ 30-35%. Từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trạm Khuyến nông Trấn Yên khuyến cáo các hộ nông dân trên cơ sở kết quả mô hình đã đạt được, đưa phân bón NPK 8.6.4 vào sử dụng cho việc thâm canh tre Bát độ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem