“Bội tín” với nông dân

Thứ sáu, ngày 04/03/2011 16:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 3.3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp “khẩn” với Công ty Đường Quảng Ngãi để giải quyết việc Nhà máy Đường Phổ Phong (trực thuộc Công ty Đường Quảng Ngãi) đã trừ nợ những người đang bán mía cho nhà máy.
Bình luận 0

Theo tinh thần cuộc họp trên, thay vì “dừng ngay việc trừ tiền” như chỉ thị ngày 28.2 của UBND tỉnh, lần này, tỉnh “cho phép công ty trừ nợ những người trồng mía đã tạm ứng theo hợp đồng”. Số tiền trên, đến quý II/2011, tỉnh sẽ trả lại cho nông dân (?).

Trở lại với câu chuyện 13 tỷ đồng mà Công ty Đường Quảng Ngãi đã cho nông dân vay để phát triển vùng nguyên liệu theo Quyết định 38 ngày 31.12.2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đứng trước nguy cơ một trong 2 nhà máy đường sẽ phải chuyển dời lên Tây Nguyên vì không đủ nguyên liệu mía, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra giải pháp “chữa cháy” bằng Quyết định 38/2007.

Theo đó, tỉnh sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ cho người trồng mía nhằm chuyển đổi cây trồng, mua giống mía mới, cấp phân bón, dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới vào sản xuất mía theo hướng công nghiệp. Trước mắt, các nhà máy đường của Công ty Đường cho nông dân tạm ứng, sau đó tỉnh sẽ thanh toán lại.

Nắm được chủ trương này, hai Nhà máy Đường Quảng Phú và Phổ Phong nhanh chóng triển khai đến các hộ trồng mía có nhu cầu. Trong 2 năm 2008-2009, đã có 6.000 hộ nông dân được công ty cho “tạm ứng” để phát triển vùng nguyên liệu và dồn điền đổi thửa được 1.700ha với số tiền lên đến 13,2 tỷ đồng. Vì là tiền “cho không” như tinh thần của Quyết định 38 của UBND tỉnh nên nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại “vay tạm” của công ty để mở rộng diện tích mía.

Thực tế cho thấy, sau khi có bước đột phá trong việc dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cây trồng, diện tích mía ở Quảng Ngãi không những được tăng thêm 1.700ha mà năng suất cũng tăng từ 44 tấn/ha lên 59 tấn/ha.

Lẽ ra sau khi có kết quả trên, ngay trong vụ mía 2009, ngân sách tỉnh sẽ phải “trả lại” cho các nhà máy đường số tiền mà họ đã tạm ứng cho người trồng mía, thế nhưng, đợi mãi không thấy tỉnh có động thái gì trong việc trả lại tiền 13,2 tỷ, các nhà máy đường bắt đầu trừ nợ của những người trồng mía. Nông dân trồng mía khắp nơi trong tỉnh vô cùng ngao ngán trước sự “bội tín” này.

Trước sự kêu ca của nông dân, trong 2 vụ mía vừa qua đã không dưới 3 lần, UBND tỉnh ra chỉ thị yêu cầu nhà máy đường “không được trừ nợ”. Thế nhưng, đến cuộc họp lần này thì tỉnh lại “cho phép trừ nợ”! Hạn cuối cùng để tỉnh giữ đúng cam kết như tinh thần của Quyết định 38 là trong quý II/2011, tỉnh sẽ trả lại tiền cho nông dân.

Nhưng liệu người trồng mía có còn đủ kiên nhẫn để tin vào lời hứa ấy không khi mà đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi đưa ra lời hứa về thời hạn trả nợ cho họ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem