Bộ Tư pháp đứng ra bồi thường oan sai là hợp lý

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 09/06/2015 07:06 AM (GMT+7)
“Chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường cho người bị oan sai. Dù có chấn chỉnh thế này, thế kia nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai vẫn tạo ra cảnh dây dưa, trì hoãn, gây khó khăn cho việc đền bù... Giả dụ giao Bộ Tư pháp, là cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt Nhà nước, như vậy sẽ khách quan và minh bạch hơn".
Bình luận 0

Liên quan đến việc bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), trao đổi với phóng viên NTNN ngày 8.6, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết: Số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là các bên đã thỏa thuận với nhau. Trách nhiệm của TAND Tối cao là thẩm định xem thỏa thuận đó có trái pháp luật không, sau đó sẽ đề nghị Bộ Tài chính cấp tiền bồi thường.

Về vấn đề cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng làm sai dẫn đến án oan của ông Chấn sẽ phải bồi hoàn thế nào, ông Sơn cho hay: Những cán bộ liên quan còn đang trong quá trình bị điều tra. Khi tòa xử phải dựa vào hồ sơ vụ án xem việc làm sai lệch hồ sơ vụ thế nào, ép cung, nhục hình ra sao... mới xác định được lỗi trực tiếp hay không.

“Theo luật, người cán bộ cố ý dẫn đến oan sai thì phải bồi hoàn cho Nhà nước. Còn cách thức hoàn trả thế nào thì khi xét xử sẽ xác định, có thể giải quyết trong vụ án này hoặc tách ra ở một vụ án dân sự khác" - Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết.

Trước câu hỏi liệu có khách quan khi cơ quan tố tụng làm oan, sai rồi lại chính cơ quan đó đứng ra giải quyết bồi thường, ông Nguyễn Sơn cho rằng: Đây cũng là vấn đề đang được xem xét lại trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. TAND Tối cao đang đề nghị nên để một cơ quan đại diện cho Nhà nước đứng ra giải quyết việc oan sai, bên cạnh sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng. "Cá nhân tôi cho rằng để cho Bộ Tư pháp đại diện cho Nhà nước đứng ra giải quyết, bồi thường oan sai là hợp lý".

Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết thêm, cơ quan tố tụng cũng đang muốn đơn giản thủ tục để giải quyết bồi thường oan sai cho người dân để họ khỏi phải chờ đợi lâu. "Nhưng dù đơn giản mấy thì vẫn đảm bảo phải xuất trình được các chứng cứ, nếu không có đủ chứng cứ thì cũng khó giải quyết" - Phó Chánh án bày tỏ.

Về việc giải quyết bồi thường oan sai chậm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền lý giải có nguyên nhân về cơ chế.

img
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền.
“Chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường cho người bị oan sai. Dù có chấn chỉnh thế này, thế kia nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai vẫn tạo ra cảnh dây dưa, trì hoãn, gây khó khăn cho việc đền bù. Bên cạnh đó, có nguyên nhân về mô hình thủ tục. Đã đến lúc phải thay đổi mô hình này, phải giao cho cơ quan khách quan công khai và minh bạch hơn. Giả dụ giao Bộ Tư pháp, là cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt Nhà nước, như vậy sẽ khách quan và minh bạch hơn" - ông Quyền bày tỏ.

Ông cũng cho biết, ở nhiều nước pháp luật quy định nếu chứng minh rằng công chức mẫn cán và vô tình để xảy ra sai thì Nhà nước vẫn bồi thường. Đặc biệt, công chức tư pháp được loại trừ hoàn toàn khỏi trách nhiệm bồi thường về vật chất, để không bị sức ép gì khi thực hiện công vụ. Vấn đề ở đây là tại sao ở những nơi có quy định đó lại rất ít phải bồi thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem