Bộ Công Thương đề xuất gây sốc: Doanh nghiệp đầu mối được tự quyết giá bán lẻ xăng dầu

An Linh Thứ sáu, ngày 29/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Bộ Công Thương đề xuất cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu dựa trên căn cứ tính toán chi phí đầu vào. Nhà nước chỉ công bố giá bình quân và hậu kiểm giá bán ra.
Bình luận 0

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu như Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021, Nghị định 80/2023.

Điểm đặc biệt trong dự thảo Thông tư lấy ý kiến lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương) đề xuất cho phép doanh nghiệp là thương nhân đầu mối được quyền tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu dựa trên chi phí và tính toán các yếu tố giá đầu vào.

Bộ Công Thương đề xuất gây sốc: Doanh nghiệp đầu mối được tự quyết giá bán lẻ xăng dầu- Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề xuất cho phép doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu (Ảnh: Viết Niệm).

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường.

Tuy nhiên, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dự thảo quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.

Cụ thể, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu sẽ được các thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức.

Theo Bộ Công thương, công thức tính giá xăng dầu tối đa (là giá bán cao nhất do thương nhân đầu mối công bố), sẽ gồm: giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế.

Trong trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tỉ lệ này cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương tiếp tục bảo lưu Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong điều hành thị trường xăng dầu cho dù Bộ này đánh giá việc vận hành Quỹ BOG đang có nhiều bất cập.

Ngoài đề xuất cho phép doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm giữ nguyên hệ thống phân phối xăng dầu, trong đó bao gồm: Hệ thống thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, bỏ tổng đại lý.

Bộ này khẳng định một số ý kiến cho rằng thương nhân phân phối xăng dầu tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho thương nhân bán lẻ đa dạng hóa hệ thống. Tuy nhiên, việc mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối là từ các nguồn cung của thương nhân đầu mối, nên không phát sinh thêm nguồn cung. Việc cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau cũng gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ quy định chặt chẽ hơn là chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem