Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên và câu chuyện đánh thức "người đẹp Mù Cang Chải"

Hoàng Hữu Thứ hai, ngày 18/09/2023 19:00 PM (GMT+7)
Không còn những nương đồi trồng lúa, trồng ngô bỏ hoang, giờ đây, ở Mù Cang Chải là những ruộng lúa nước vàng ươm, đồi lê sai trĩu quả, đồi hoa rực núi... Đó chỉ là một trong những đổi thay tại mảnh đất này kể từ khi Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên đến với vùng đất này.
Bình luận 0
Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên và câu chuyện đánh thức "người đẹp Mù Cang Chải" - Ảnh 1.

Chúng tôi có hẹn với Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên về việc đưa những giống lúa mới vào sản xuất nhằm "đánh thức" đất khó từ sớm. Vừa gặp, anh nói luôn: "Cậu đi cùng mình về cơ sở".

Biết anh Yên từ khi anh còn làm Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, một thủ lĩnh thanh niên năng nổ, thường xuyên "ăn nằm" với cơ sở, chúng tôi hào hứng nhận lời vì tin chắc chuyến đi này sẽ có câu trả lời hấp dẫn.

Đằng sau những "cây mới, con mới"

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên đã sang nhiệm kỳ thứ hai gắn bó với vùng cao Mù Cang Chải. Suốt thời gian dài ấy, anh gắn liền với những "Ngày cuối tuần cùng dân". Có lúc thấy anh và cán bộ huyện lên núi khai hoang ruộng nước với đoàn viên thanh niên, khi thấy anh đi trồng những đường hoa Tớ Dày; khi anh lại lên bản, đổ những con đường bê tông "không cần quá to, chỉ cần xe máy đi lại thuận lợi để chở hàng hóa đem về chợ bán"…

Anh bảo, mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" được huyện triển khai rộng khắp với 2 mục tiêu. Đó là kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân để có biện pháp giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở. Đồng thời, động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua như "Làm hết việc, chứ không chờ hết giờ", "Mỗi ngày làm thêm một giờ, mỗi tuần làm thêm một ngày"...

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 1.

Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên (đội mũ) và cán bộ huyện lên núi khai hoang ruộng nước với bà con nông dân trong "Ngày cuối tuần cùng dân". Ảnh: Hoàng Hữu

Đi dọc theo các xã vùng cao Mù Cang Chải, đâu cũng thấy những "cây mới, con mới" đã và đang được bà con nuôi trồng, canh tác, từ những giống dễ nhớ như: Lợn rừng, gà đen H'Mông, vịt bầu Lục Yên… đến những giống phải tận mắt thấy tai nghe như: Rau mầm đá, nấm dược liệu,…

Đồi lê Tai Nung rộng hơn 5ha của gia đình anh Mùa A Tòng (xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) lúc lỉu quả. Hái lê mời khách ăn luôn mà không cần gọt rửa, anh Mùa A Tòng cho biết, đây là giống lê Đài Loan mới được đưa về Mù Cang Chải trồng. Do hợp chất đất và khí hậu nên cây sinh trưởng nhanh, sai quả, đặc biệt là chất lượng quả rất cao. Với giá bán khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi vụ, anh Tòng thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng.

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 2.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên (bìa phải) thăm vườn lê Tai Nung - một giống cây trồng mới được bà con đưa về trồng mà anh rất tâm đắc. Ảnh: Hoàng Hữu

Cách nhà anh Tòng không xa, nhiều bà con vùng cao Mù Cang Chải tự hào giới thiệu về cánh đồng hoa hồng rộng khoảng 40ha, trải rộng ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải. Đây có lẽ là cánh đồng hoa lớn nhất tỉnh Yên Bái. Việc canh tác tập trung, khoa học cây hoa hồng giống Pháp không chỉ nâng cao thu nhập cho các hộ dân, mà còn là cơ sở để phát triển du lịch của địa phương.

Chị Giàng Thị Dở (dân tộc Mông, ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) hồ hởi cho hay: "Ngoài tiền cho thuê ruộng, chúng tôi còn được hợp tác xã trồng hoa nhận vào chăm sóc hoa, vì thế thu nhập cao hơn trước. Chúng tôi cũng rất vui khi có cánh đồng hoa thì quê hương cũng đẹp hơn, được nhiều người biết đến hơn".

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 3.

Trồng hoa hồng giống Pháp vừa giúp bà con phát triển kinh tế vừa thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương. Ảnh: Hoàng Hữu

Huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích khoảng 1.200km2, với ba tiểu vùng khí hậu khác nhau. Căn cứ vào từng tiểu vùng khí hậu, huyện này đã tính toán thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.

"Việc đưa giống cây mới, có hiệu quả kinh cao vào trồng trên đất lúa, đất ngô kém hiệu quả là một trong những hướng chính trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, hướng tới cuộc sống khá giả cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cây trồng mới sẽ phủ xanh đất khó, thay đổi tư duy làm ăn của thế hệ trẻ. Bình quân mỗi năm huyện Mù Cang Chải giảm được trên 8% hộ nghèo; các hộ dân có thu nhập tiền trăm triệu mỗi năm không còn là hiếm" - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết.

Lúa chịu hạn "giải khát" miền đất khô

Huyện vùng cao Mù Cang Chải hiện có 1.830ha ruộng nước. Do điều kiện địa hình cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hằng năm có đến 500ha ruộng bị thiếu nước, không thể cày cấy... Bởi thế, miền đất thuộc diện 30a này mãi chưa khấm khá lên được. Ước mơ có thể canh tác 2, 3 vụ lúa tưởng như mãi chỉ là khát khao của đồng bào Mông, cho đến khi giống lúa chịu hạn ADI 73 xuất hiện.

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 3.

Bà con người Mông phấn khởi khi cán bộ đã "tìm" ra giống lúa phù hợp với vùng đất khô hạn của quê hương. Ảnh: Hoàng Hữu

Ông Mùa A Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) cho biết thêm, toàn xã hiện có trên 196ha lúa nước, trong đó có trên 10ha thiếu nước cục bộ, người dân phải chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu khác kém hiệu quả hơn, do vậy ảnh hưởng đến sản lượng lương thực của các hộ.

Từ khi huyện giới thiệu giống lúa chịu hạn ADI 73, xã đã vận động bà con gieo cấy giống lúa này tại những diện tích thiếu nước và đến nay đã được khoảng 3ha. Sau khi đưa vào canh tác, giống lúa mới đã sinh trưởng, phát triển tốt. Kể cả khi gieo cấy ở những diện tích ruộng mới khai hoang, thiếu nước trong thời gian tới tận 2 tháng, cơ quan chức năng vẫn đánh giá giống lúa cho năng suất khá tốt, ước tính đạt 6 tấn/ha, chất lượng gạo ngon.

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 4.

Giống lúa chịu hạn ADI 73 có sức chống chịu hạn rất tốt, thiếu nước vẫn phát triển bình thường. Ảnh: Hoàng Hữu

Từ năm 2021, huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn đưa giống lúa chịu hạn ADI 73 vào trồng thử nghiệm. Qua 2 vụ cho thấy, giống lúa này dễ thâm canh, có sức chống chịu hạn rất tốt, thiếu nước vẫn phát triển bình thường. Ngoài ra, giống lúa này còn có ưu điểm nổi trội là chống chịu được các loại bệnh như đạo ôn, rầy nâu... thường xuất hiện ở vùng cao. Thời gian tới, giống lúa này tiếp tục được nhân rộng ở khắp các địa phương của Mù Cang Chải, phủ xanh những triền ruộng khô, góp phần đảm bảo an ninh lương thực nơi non cao này.

"Của để dành" cho thế hệ tương lai

Trên chuyến xe xuyên qua những đồi thông xanh mướt, ngút ngàn tầm mắt, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải tâm sự, những việc bây giờ anh em ở huyện làm là để cho tương lai. Bên cạnh nông nghiệp, huyện đang nỗ lực xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.

"Sắp tới, chỗ này chính là lối rẽ vào đường nối lên cao tốc về Hà Nội" - một cán bộ huyện cắt ngang câu chuyện khi xe chạy qua địa phận xã Chế Cu Nha, nơi mới đây vừa khởi công công trình đường nối với nút giao IC15, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên tiếp lời: "Mấy năm trước, nói Mù Cang Chải có đường nối với cao tốc, chả mấy ai tin. Nhưng quyết tâm của tỉnh, của huyện là làm bằng được, có như thế thì vùng cao mới có cơ hội thay đổi".

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 6.

"Nói Mù Cang Chải có đường nối với cao tốc, chả mấy ai tin. Nhưng quyết tâm của tỉnh, của huyện là làm bằng được, có như thế thì vùng cao mới có cơ hội thay đổi", Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ. Ảnh: Hoàng Hữu

Mù Cang Chải giờ đã có resort chất lượng 5 sao, trên đỉnh đèo mây trắng Cao Phạ mỗi năm có tới hai mùa Festival dù lượn độc đáo. Huyện còn hợp tác với Công ty Trực thăng Miền Bắc đưa vào khai thác dịch trải nghiệm ruộng bậc thang từ trực thăng. Tại Mù Cang Chải cũng đã có nhiều dự án phục vụ cho du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng của doanh nghiệp lớn sắp được triển khai.

Mở tập tài liệu, anh Nông Việt Yên bảo, để phát triển cân bằng và bền vững, huyện đã mời các chuyên gia, đơn vị trong nước và nước ngoài cho ý kiến về đồ án quy hoạch giai đoạn 2025 - 2030. Đồ án xác định 5 tiểu vùng phát triển, bao gồm: Trung tâm dịch vụ đô thị tại thị trấn Mù Cang Chải; vùng kinh tế năng lượng; vùng bảo tồn đa dạng sinh học và dự trữ sinh quyển tại xã Chế Tạo; vùng trọng điểm phát triển du lịch - nghỉ dưỡng tự nhiên; vùng kinh tế nông - lâm nghiệp đặc sản. Mỗi tiểu vùng đều được xác định cụ thể về quy mô, tính chất, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và danh mục dự án chiến lược đi kèm.

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 7.

Khu resort chất lượng 5 sao đang dần được hoàn thiện ở Mù Cang Chải. Ảnh: Hoàng Hữu

"Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải được phê duyệt là cơ sở để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải. Từ đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện, nhằm sớm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện tiêu biểu về phát triển du lịch bền vững theo hướng xanh - an toàn - bản sắc - thân thiện. Tất cả là dành cho thế hệ tương lai" - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên khẳng định.

Bí thư huyện và câu chuyện đánh thức vùng đất khó - Ảnh 8.

Em Lý Thị Ninh là nữ sinh người Mông đầu tiên được ngắm mùa vàng từ trên trực thăng. Đây là phần thưởng đặc biệt do Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải dành tặng vì em đã đạt giải Nhất môn Toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện. Ảnh: Hoàng Hữu

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên và câu chuyện đánh thức "người đẹp Mù Cang Chải" - Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem