Bị quy kết tham ô 16 triệu USD, Giang Kim Đạt đối diện mức án nào?

Lương Kết Thứ bảy, ngày 25/06/2016 14:48 PM (GMT+7)
Cơ quan điều tra đã xác định, bị can Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng Công ty Vinashin Lines - tham ô gần 16 triệu USD. Với khoản tiền chiếm đoạt rất lớn như vậy, án sẽ rất nặng khi ra tòa.
Bình luận 0

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Cty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Công ty Vinashin Lines). Các bị can Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc, Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh và Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Công ty Vinashin Lines bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản. Riêng bị can Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt) bị đề nghị truy tố về tội Rửa tiền.

img

Bị can Giang Kim Đạt.

Cơ quan công an xác định, sau khi đối trừ số tiền mà CQĐT đang tạm giữ, Giang Kim Đạt còn phải bồi thường cho Công ty Vinashin Lines số tiền gần 249 tỷ đồng. Bị can Trần Văn Liêm được xác định đã chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng. Bị can Trần Văn Khương chiếm đoạt số tiền 120.000USD - tương đương hơn 2,6 tỷ đồng tỷ giá hiện nay.

Điểm đáng chú ý trong vụ án này là các bị can khởi tố điều tra về tội danh theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi và bổ sung năm 2009, chỉ ít ngày nữa (ngày 1.7.2016) Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) có hiệu lực pháp luật, vậy các bị can sẽ bị áp dụng theo quy định của BLHS nào trong quá trình truy tố và xét xử tiếp theo? Theo ông Nguyễn Thân - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, ở thời điểm chuyển giao giữa hai BLHS, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

Cụ thể, nếu như quy định về tội Tham ô tài sản trong BLHS năm 2015 mà Giang Kim Đạt và các bị can đang bị đề nghị truy tố có lợi hơn cho các bị can thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng; trường hợp quy định của BLHS năm 2015 nặng hơn, gây bất lợi cho các bị can thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng BLHS năm 2009.

Cũng theo ông Nguyễn Thân, tội Tham ô tài sản trong BLHS năm 2009 có quy định: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Còn trong BLHS năm 2015 có quy định: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Như vậy quy định trong BLHS năm 2015 có lợi cho Giang Kim Đạt và đồng phạm.

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nếu như kết quả điều tra của cơ quan công an không có gì thay đổi, với số tài sản chiếm đoạt trị giá lên đến vài trăm tỷ đồng, Giang Kim Đạt sẽ bị truy tố với khung hình phạt có mức án cao nhất (tử hình) của tội Tham ô tài sản. Nếu như Giang Kim Đạt và các bị can trong vụ án bồi thường, khắc phục hậu quả tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi ra tòa. Trong vụ án này, bị can Giang Kim Đạt được xác định phải bồi thường gần 249 tỷ đồng (sau khi khấu trừ phần tài sản đang bị tạm giữ).

"Trong BLHS năm 2015 có quy định mang tính nhân văn, đó là người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ thoát hình phạt tử hình và chuyển sang án tù chung thân" - luật sư Tiến cho biết.

Tháng 4.2016, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính T.Ư đã thống nhất bổ sung vụ án Giang Kim Đạt vào diện án trọng điểm để chỉ đạo, theo dõi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem