Bi kịch cuộc đời nhiếp ảnh gia "Kền kền chờ đợi"

Thứ sáu, ngày 26/06/2015 14:28 PM (GMT+7)
Trong bức thư tuyệt mệnh của nhiếp ảnh gia Kevin Carter, anh nói: "Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau... về những đứa trẻ chết đói... về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình...".
Bình luận 0

Chỉ vài tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh gây sốc cho cả thế giới mang tên "Kền kền chờ đợi" (Vulture Stalking a Child), Kevin Carter - phóng viên ảnh người Nam Phi đã tự sát. 

img
Nhiếp ảnh gia người Nam Phi Kevin Carter.

Ngày nhận giải thưởng Pulitzer ở Đại học Columbia vào tháng 4.1994 có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời Kevin Carter. Tất thảy những người tới tham dự dành những tràng pháo tay không ngớt cho bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Nam Phi. 

img
Tác phẩm Kền kền chờ đợi (Vulture Stalking a Child) của Kevin Carter.

“Con không thể chờ đợi thêm nữa để cho cha mẹ nhìn thấy chiếc cúp. Đó là điều quý giá nhất và là sự tôn vinh cao nhất cho sự nghiệp mà con đã nhận được”, Kevin Carter viết cho cha mẹ hiện đang sinh sống ở Johannesburg (Nam Phi). 

Tuy nhiên, Kevin Carter luôn thú nhận rằng mình không thích bức ảnh này. “Tôi thực sự xin lỗi vì đã không đỡ cô bé dậy”, Carter tâm sự với một người bạn. 

Chứng kiến cái chết của một người bạn thân, là một nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp trong một vụ nổ súng ở thị trấn Tokoza gần Johannesburg đồng thời bị ám ảnh bởi câu hỏi về số phận của cô bé, Kevin Carter tự sát 3 tháng sau đó khi cố tình để bản thân nhiễm độc khí carbon monoxide.

Ra đi ở tuổi 33 trên một chiếc xe hơi đỏ đậu kề một con sông nhỏ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng để lại lời nhắn trên băng ghế xe: “Tôi thực sự xin lỗi. Những đau đớn của cuộc sống đã đè nén tới mức mà niềm vui không còn có thể tồn tại”.

Bạn bè cho biết Carter là một người có cuộc sống tình cảm phức tạp, anh mang niềm đam mê của mình vào công việc nhưng luôn tự đẩy mình đến những thái cực của sự hưng phấn và trầm cảm. Một năm trước khi chết, anh tuyên bố mình cần thoát ra khỏi sự hỗn loạn ở Nam Phi.

img
Cùng với ba đồng nghiệp khác là Ken Oosterbroek, Greg Marinovich và Joao Silva, Kevin Carter (thứ 3 từ trái sang) thành lập nhóm nhiếp ảnh nổi tiếng Bang Bang Club.

Bức ảnh "Kền kền chờ đợi" được đăng đầu tiên trên tờ The New York Times vào ngày 26.3.1993. Ngay lập tức, hàng trăm người gọi điện tới tòa soạn hỏi thăm về số phận đứa trẻ. Phản ứng của độc giả dữ dội đến mức tờ báo này phải làm một điều ngoại lệ là đăng thông báo về số phận của bé gái đó. Theo chú thích, đứa bé đã đến được trạm cứu dưỡng và Carter đã đuổi con kền kền đi. Tuy nhiên, số phận sau cùng của bé gái thì đến nay vẫn không ai biết rõ.

Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Carter nói rằng anh đã ngồi chờ 20 phút hy vọng rằng con kền kền sẽ bay đi. Nhưng nó vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Carter quyết định chụp lại bức hình đầy ám ảnh đó và rồi đuổi con diều hâu đi. Tuy nhiên, anh vẫn phải chịu chỉ trích nặng nề về việc chỉ chụp hình mà không giúp bé gái.

Carter còn tiết lộ anh đã ngồi dưới một gốc cây nhiều giờ đồng hồ, chỉ hút thuốc và khóc. 

Về sau, cha anh, Jimmy Carter, cũng cho biết: "Kevin luôn mang theo nỗi thống khổ về những tác phẩm mà mình đã tạo ra".

(Theo Tạp chí Ngày nay online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem