Bệnh viện giảm tải tuyến trên, nâng cấp tuyến dưới

Thứ năm, ngày 31/05/2012 10:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Hiện nay, các bệnh viện (BV) tuyến trên quá tải là do năng lực BV tuyến dưới. Vì vậy, nếu nâng cao được năng lực BV tuyến dưới thì người dân sẽ yên tâm khám đúng tuyến”.
Bình luận 0

Đây là ý kiến được PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo Tăng cường đề án BV vệ tinh, Đề án 1816 nhằm góp phần giảm BV quá tải, tổ chức ngày 30.5.

Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới” (gọi tắt là Đề án 1816) và xây dựng BV vệ tinh là hai đề án của Bộ Y tế nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cho khám chữa bệnh cho BV tuyến dưới, đồng thời “giải vây” cho BV tuyến trên khỏi tình trạng quá tải.

img
Hoạt động “cầm tay chỉ việc” giúp y, bác sĩ tuyến dưới nâng cao tay nghề (ảnh minh họa).

Sau 7 năm (2005 - 2012) thực hiện, BV Việt Đức và BV Bạch Mai (Hà Nội) đã xây dựng được 14 BV vệ tinh, chuyển giao được 46 kỹ thuật, tổ chức 143 khóa tập huấn cho hơn 6.000 lượt học viên. Với Đề án 1816, đã có 72 BV cử cán bộ đi luân phiên gồm 35 BV Trung ương và 35 BV thuộc Sở Y tế Hà Nội và TP. HCM, hơn 11.000 bác sĩ đã được cử đi luân phiên với 26 chuyên ngành được chuyển giao, gần 7.000 kỹ thuật đã được “sang tay”. Đồng thời, 47/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cử cán bộ hỗ trợ huyện và 36/63 tỉnh cử cán bộ về xã khám chữa bệnh định kỳ.

Giám đốc BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau nhiều năm thực hiện Đề án 1816, số lượng bệnh nhân chuyển tuyến giảm từ 20% xuống còn 12%, nhiều chuyên khoa đã được BV Bạch Mai “cầm tay chỉ việc” hiệu quả như nội soi chẩn đoán, nội soi tiêu hóa…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho biết, vẫn có tình trạng BV cử bác sĩ đi nằm vùng để đối phó, lấy thành tích chứ chưa có thực lực, thực việc. “BV Trung ương nào cũng quá tải, nên chắc chắn không thể cử người chủ chốt, giỏi nghề đi luân phiên được, nên có thể sẽ cử bác sĩ trẻ, mới ra trường, khó mà có nghề, có kỹ năng hướng dẫn tuyến dưới; hoặc dạy người ta kỹ thuật mổ nội soi trong khi BV không có thiết bị, cung - cầu chẳng gặp nhau”- bà Tiến nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, hiệu quả chuyển giao kỹ thuật tuyến huyện chưa cao do số bệnh nhân ở đây ít, không có nhiều cơ hội thực hành nên các bác sĩ dễ học xong rồi quên, trang thiết bị cũng hạn hẹp.

Theo TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ghép hai đề án này làm một: Thay vì cử cán bộ đi luân phiên 3 tháng, các BV sẽ cử bác sĩ thực hiện các “gói kỹ thuật” đi theo êkíp đồng bộ, về tỉnh, huyện chuyển giao kỹ thuật. Khi BV tuyến dưới làm được, đồng thời bảo hiểm y tế thanh toán cho kỹ thuật đấy thì BV mới xong nhiệm vụ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem