Bệnh tay chân miệng bắt đầu lây sang người lớn

Thứ bảy, ngày 23/07/2011 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dịch tay chân miệng đang bùng phát trong cả nước, nguy cơ gây tử vong cao, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, bệnh không chỉ lây lan ở trẻ em mà đã bắt đầu lây sang người lớn.
Bình luận 0

Tại các tỉnh thành: Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã xuất hiện 4 trường hợp người lớn có triệu chứng bệnh tay chân miệng. Cả 4 trường hợp này đều từng tiếp xúc và chăm sóc con ốm.

img
Người nhà cần cẩn trọng khi chăm nuôi trẻ mắc bệnh tay chân miệng để tránh bị lây nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu điều trị tích cực BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết: "Từ trước đến nay bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều ca bệnh ở cả lứa tuổi trưởng thành như bố mẹ, ông bà - người đã từng tiếp xúc với trẻ”.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh tay chân miệng do virus gây nên, có thể lây lan qua tiếp xúc. Như vậy, khi người lớn tiếp xúc với virus gây bệnh thì cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, virus này ít gây nên triệu chứng sốt, nổi bóng nước ở người lớn và mức độ nguy hiểm cũng không cao như ở trẻ.

Vừa qua, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ban hành phác đồ mới hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng. Một trong những nội dung quan trọng phác đồ đưa ra là người nhà và các cơ sở y tế cần phải theo dõi liên tục, nắm rõ cấp độ bệnh để ứng phó và cấp cứu bệnh nhân kịp thời.

Theo phác đồ chẩn đoán thì bệnh diễn biến ở 4 cấp độ. Cấp độ 1, bệnh biểu hiện ở loét miệng và hoặc tổn thương da. Với các trường hợp này, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.

Trong trường hợp bệnh nặng từ cấp độ 2 trở đi, bệnh nhân sẽ bị co giật, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, quấy khóc vô cớ...Một số trẻ còn bị run các chi hoặc run toàn thân, liệt thần kinh sọ. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại các cơ sở điều trị tích cực.

Sau khoảng 10 ngày điều trị mà trẻ vẫn có các triệu chứng như: Mạch nhanh, chậm thất thường, sốt, thở bất thường, xuất hiện các cơn ngừng thở kèm theo rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ thì chứng tỏ bệnh đang nặng lên và diễn biến xấu dần. Đây chính là biểu hiện của bệnh ở cấp độ 3 - cấp độ cực kỳ nguy hiểm.

Sau từ 3-5 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời, cơ thể bệnh nhân có thể chuyển qua cấp độ 4 (cực kỳ nguy hiểm) có khả năng tử vong cao. Trẻ có thể sốc nặng, phù phổi cấp, cơ thể tím tái, ngừng thở hoặc nấc kéo dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem