Bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa: Tất cả vì lợi ích quốc gia

Thứ hai, ngày 02/01/2012 17:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia (2011-2020) được Quốc hội phê duyệt là phải bảo vệ được 3.812.000ha đất lúa.
Bình luận 0

Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả chủ trương này? PV NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT).

Ông Ngọc cho biết: Giữ cho được 3,812 triệu ha đất lúa nước là một chủ trương rất đúng đắn, sáng suốt của Quốc hội. Vấn đề đặt ra bây giờ là, phải làm sao giữ được diện tích đó trước tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa như hiện nay ở các địa phương. Chúng ta phải xác định đây là lợi ích của quốc gia, trong đó có lợi ích của địa phương, và ngược lại. Vì thế, cần hài hòa hai lợi ích đó với nhau.

img
Thu hoạch lúa ở huyện Hải Hậu, Nam Định.

Phải vì lợi ích quốc gia

Rất nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực ĐBSCL đã đề nghị giảm diện tích đất lúa xuống chỉ còn 3,6 triệu ha, vì theo họ nếu chỉ “độc canh” cây lúa sẽ không thu được nhiều ngân sách. Theo ông, cần có chính sách gì để giải quyết hài hòa vấn đề?

- Đúng là ở các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, nguồn thu ngân sách sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của địa phương. Như vậy, phải có chính sách nào đó để tăng nguồn lực cho các địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn để họ yên tâm giữ diện tích đó, vì lợi ích của mình và của quốc gia. Nếu không, họ sẽ phải chạy đua làm công nghiệp hoặc chuyển quyền sử dụng đất lúa nước để tăng ngân sách.

Tôi nghĩ khi phân bổ ngân sách cho địa phương, cần ưu tiên cho các địa phương trồng nhiều lúa, với nguyên tắc địa phương nào giữ được càng nhiều diện tích đất lúa càng được ưu tiên phân bổ ngân sách…

Có ý kiến rằng những người trồng lúa là những người nghèo nhất, vì thế muốn bảo vệ đất lúa thì phải có chính sách hỗ trợ cho nông dân, ông nghĩ sao?

- Đối với những người sản xuất lúa, bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, họ phải sống được bằng nghề và thu nhập từ lúa phải tương ứng như các ngành nghề khác. Vì vậy, cần có chính sách đặc thù và trực tiếp hỗ trợ cho người trồng lúa.

Chúng tôi đã xem xét và chia ra 3 loại chính sách. Thứ nhất là hỗ trợ đầu vào trong sản xuất như cấp không 100% giống lúa cho các hộ dân trong 1 năm đầu tiên ở những nơi các hộ liên kết sản xuất hàng hóa lớn. Thứ hai, khi gặp thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% giống, 75% vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) để người dân khắc phục hậu quả. Thứ ba, cần hỗ trợ 100% tiền công cho những hộ khai hoang, phục hóa các diện tích trồng lúa mới.

Nếu thực hiện chính sách hỗ trợ như trên, sẽ cần rất nhiều nguồn kinh phí, nhưng ngân sách Nhà nước không thể lo hết được. Vậy theo ông, chúng ta cần huy động kinh phí từ nguồn nào?

- Một chính sách rất quan trọng là hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm với lợi nhuận đạt tối thiểu 30%. Muốn làm được như thế, phải hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng lãi suất tín dụng để họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân, cũng như có quyết định thu mua tạm trữ khi cần thiết. Nhưng để có kinh phí hỗ trợ, chúng ta cần có quỹ bình ổn. Chúng tôi đang dự kiến nguồn hình thành quỹ bình ổn là thu phí xuất khẩu gạo với mức 0,2% giá trị xuất khẩu/tấn gạo. Với giá gạo xuất khẩu trung bình 500 USD/tấn như hiện nay, mỗi tấn chúng ta thu được 1USD.

Xác định chỉ giới đỏ trong quy hoạch đất lúa

Trong vấn đề bảo vệ đất lúa, điều cốt lõi là phải có quy hoạch, mà trong Nghị quyết của Quốc hội giao là phải cắm mốc ranh giới đến tận xã. Có ý kiến đề xuất cần lập bản đồ diện tích đất lúa để quản lý, liệu có khả thi?

- Chúng ta đang có 2 phương án cho vấn đề này. Phương án thứ nhất là cắm mốc chỉ giới đến xã, xác định rõ 3,222 triệu ha đất lúa nước chuyên 2 vụ, nhưng phương án này không khả thi vì đất lúa của chúng ta rất manh mún, hơn nữa khi cắm mốc có thể bị dân nhổ đi. Vì thế, phương án khả thi là xác định chỉ giới đỏ trên bản đồ đất đến cấp xã, tỷ lệ 1/1.000 đối với xã nhỏ và 1/200 đối với xã lớn. Việc xác định chỉ giới này sẽ gắn với quy hoạch chi tiết sử dụng đất lúa đến từng địa phương và theo tôi, phấn đấu đến năm 2013 cần hoàn thành.

"Cây lúa là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp và của nước ta, chúng ta nên tiếp tục phát huy và gìn giữ mảnh đất màu mỡ ấy cho con cháu muôn đời sau."

Chúng ta đã xác định được tổng diện tích đất lúa trên phạm vi cả nước, nhưng vấn đề bảo vệ ở từng địa phương, từng khu vực cụ thể sẽ rất khó khăn do nhu cầu chuyển đổi đất của họ. Vấn đề này cần được quy định cụ thể ra sao?

- Theo tôi, cần quy định lại thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo hướng không giao cho cấp tỉnh, mà chỉ T.Ư mới có quyền quyết định. Cụ thể, đối với đất lúa 2 vụ, muốn chuyển đổi với diện tích từ 30ha trở xuống do Thủ tướng quyết định, còn trên 30ha do Quốc hội quyết định. Còn đối với diện tích đất lúa khác, dưới 50ha do Thủ tướng, trên 50ha do Quốc hội quyết định. Chỉ có làm như thế, các địa phương mới không thể lách luật như trước đây bằng cách chia nhỏ dự án theo kiểu chỉ vẽ đến 49ha. Bỏ hẳn quyền của cấp tỉnh đi thì họ không thể lách được.

Trước khi quy định thẩm quyền như vậy, chúng ta phải xác định 3 nguyên tắc. Khi chuyển đổi phải theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi có quyết định chuyển đổi, phải có phương án sử dụng đất, thậm chí phải có phương án bố trí diện tích khác bù vào diện tích đã chuyển đổi. Trong kỳ quy hoạch không xem xét đến việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Tất cả các nguyên tắc, cơ chế trên cần được Chính phủ quy định trong một nghị định.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem