BÀNG HOÀNG: Đấu điện nhầm pha, hàng nghìn con gà chết la liệt ở Hải Dương

Việt Tùng Thứ ba, ngày 19/08/2014 13:58 PM (GMT+7)
Nghĩ là cắt điện do mưa, nên tôi đổi pha phát máy nổ để chạy quạt thông gió cho chuồng gà. Khoảng 20 phút sau thì có điện trở lại, nên tôi đổi lại dùng điện lưới. Đến khoảng 4 giờ sáng 2.7, tôi dậy bật điện thắp sáng trong chuồng thì tá hỏa phát hiện đàn gà đã nằm chết la liệt.
Bình luận 0

Công ty Điện lực Hải Dương vừa chấp thuận đền bù hơn 1 tỷ đồng cho hai chủ trang trại tại thôn Cao Đôi (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách) vì đấu điện nhầm pha, khiến hàng nghìn con gà chết...

img Hình chỉ mang tính minh họa

 

Tá hỏa gà chết la liệt

Đây là sự cố hy hữu xảy ra vào đêm 1.7, rạng sáng 2.7, tại trang trại của các anh Mạc Văn Quang và Mạc Văn Duẩn ở thôn Cao Đôi (xã Hợp Tiến).

Anh Quang cho biết, anh và anh Duẩn làm trang trại chăn nuôi gà đẻ từ năm 2010 đến nay, đồng thời ký hợp đồng mua điện 3 pha với Công ty Điện lực Hợp Tiến để phục vụ việc chăn nuôi.

Riêng anh Quang đầu tư 4 dãy chuồng, nuôi 40.000 con gà/lứa, mỗi ngày thu gần 40.000 quả trứng, thu về hàng chục triệu đồng. Gà đang đẻ “trứng vàng” đều thì bỗng nhiên lăn ra chết.

Anh Quang kể lại: “Hôm đó, khoảng 23 giờ 35 phút, trời mưa và mất điện. Nghĩ là cắt điện do mưa, nên tôi đổi pha phát máy nổ để chạy quạt thông gió cho chuồng gà. Khoảng 20 phút sau thì có điện trở lại, nên tôi đổi lại dùng điện lưới. Cứ nghĩ như mọi khi, khi đóng điện, nghe tiếng quạt quay tôi vào nhà ngủ. Đến khoảng 4 giờ sáng 2.7, tôi dậy bật điện thắp sáng trong chuồng thì tá hỏa phát hiện đàn gà đã nằm chết la liệt. Khi kiểm tra thấy hệ thống quạt gió quay ngược, tôi đã ngắt và đổi pha lại”.

Anh Quang cho biết thêm, vì nuôi gà theo hệ thống công nghiệp trong chuồng kín, nên chuồng liên lục phải thông gió bằng quạt hút gió từ đầu này qua đầu kia, vừa làm mát, vừa cung cấp ôxy cho gà.

“Quạt thông gió có 2 cánh cửa chập, khi quay thuận cách quạt sẽ mở ra, quay ngược thì đóng lại. Chính vì vậy quạt vẫn quay, nhưng gió không được hút ra, nên chuồng không được làm mát, thiếu ôxy dẫn đến gà chết ngạt. Lúc đó nhiệt độ trong chuồng khoảng 39 – 40 độ C” – anh Quang cho hay.

Nằm cách trang trại của anh Quang không xa là trang trại của anh Mạc Văn Duẩn - chị Lê Thị Bốn. Chị Bốn cho biết, trang trại của chị đang nuôi 20.000 gà đẻ trứng. Tương tự như ở trang trại của anh Quang, gia đình chỉ phát hiện gà chết hàng loạt khi công nhân dậy bật điện chuồng trại lúc 4 giờ sáng ngày 2.7. “Tờ mờ sáng, điện thoại của tôi đổ chuông... Tôi bàng hoàng khi nghe bác bảo vệ bảo ở cả 3 khu chuồng, gà chết nhiều lắm...” – chị Bốn cho hay.

1 đêm “bốc hơi” hàng tỷ đồng

Ngay hôm đó hai hộ trên đã báo cáo lên xã, huyện và sau đó lãnh đạo xã, huyện, ngành điện lực, công thương, thú y… đã về kiểm tra và lập biên bản.

Kết quả, hộ ông Quang có 4.000 con gà đã chết và 3.000 con gà yếu có nguy cơ chết; hộ ông Duẩn có 1.800 con gà chết và 1.000 con gà yếu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do đấu điện ngược pha, dẫn đến mô tơ điện 3 pha quay ngược, do không thông gió được nên gà bị ngạt dẫn đến chết.



Chị Lê Thị Bốn
 
Khi vợ chồng tôi chạy ra thì phát hiện quạt hút gió quay ngược, nên đã nhanh chóng đổi lại. Còn may là hôm ấy vừa mưa xong, trời mát chứ không gà chết trắng chuồng mất”.
 
Mặc dù nguyên nhân đã rõ, nhưng Công ty Điện lực Chí Linh - đơn vị cung cấp điện cho Công ty Điện lực Nam Sách đã đổ lỗi cho hệ thống tuyến dưới.

 

Ông Vũ Ngọc Ngạc – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hợp Tiến phàn nàn: “Lúc mất điện đã gần 12 giờ đêm, công ty không có xử lý gì đến lưới điện. Khi đóng điện trở lại chúng tôi không thể phát hiện được vì đã đi ngủ”. Còn hai hộ dân thì bị đổ lỗi là không kiểm tra lưới điện trước khi bật hệ thống quạt.

 Phải đến ngày 12.8, trước phản ứng của người chăn nuôi và sức ép của dư luận, Điện lực Hải Dương mới chịu nhận trách nhiệm. Theo đó, công ty chấp nhận đền bù 100% số gà chết, với giá 85.000 đồng/kg và 50% đối với những con gà yếu có nguy cơ chết.

“Gia đình tôi được đền bù 990 triệu đồng. Tính ra vẫn thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, bởi trước đây gà đẻ đạt hơn 90%, sau khi xảy ra sự cố thì đẻ chỉ đạt 30%, sau gần một tháng tỷ lệ cũng chỉ đạt 70%. Trong khi đó, từ đó đến nay có thêm gần 1.000 con chết”.

Chị Bốn cho biết, gia đình chị đã được đền bù gần 300 triệu đồng. “Song do số gà còn lại yếu, chết lẻ tẻ, đẻ thưa, nên tôi đã phải bán một chuồng 3.000 con với giá 50.000 – 70.000 đồng/con, ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Nếu tính tổng thiệt hại gia đình tôi mất khoảng gần 1 tỷ đồng” – chị Bốn xót xa nói.

>> CHUYỆN "LẠ" ở Đăk Lăk: Có cầu, dân vẫn phải lội vì cầu... chìm dưới nước
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem