Nghèo cả chục năm vì tranh chấp đất đai

Mai Khuê - An Sơn - Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 07/09/2015 12:03 PM (GMT+7)
Những tranh chấp đất đai, nhất là nơi giáp ranh đang gây nên những hậu quả ở nông thôn. Vụ việc nhẹ thì cũng khiến người dân không yên tâm sản xuất, bị đói nghèo giam hãm, nặng thì gia tộc, làng xóm không đoàn kết, thậm chí dẫn đến ẩu đả lẫn nhau.
Bình luận 0

Có những vụ tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm gây bế tắc về hướng xử lý cho chính quyền, khiến người dân lúng túng trong việc tìm kiếm công ăn việc làm, đời sống khó khăn lận đận mãi. Tình trạng này đang diễn ra khá nóng bỏng, đặc biệt tại nhiều địa phương ở miền Trung – Tây Nguyên.

Đòi đất rừng của 20 năm trước

Từ những năm 1996, hàng trăm hộ dân ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) “góp đất” tham gia dự án trồng rừng 327. Từ năm 2004, khi Chương trình 327 chấm dứt, 658ha đất của hàng trăm hộ dân các xã của huyện Khánh Vĩnh đã bị chuyển hẳn cho lâm trường quản lý (nay là Công ty Trầm Hương).

img

Một vụ tranh chấp đất rừng ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: N.V)

Hàng trăm hộ “bỗng dưng” mất đất sản xuất, phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình hoặc phải đi rất xa để khai hoang kiếm sống. Nỗi ấm ức mất đất đã thành mâu thuẫn giữa dân và đơn vị quản lý rừng. Hễ thấy có động thái gì của công ty trên mảnh đất của mình là họ lại khiếu nại.

Sau cả chục năm, qua nhiều nhiệm kỳ đốc thúc việc bóc tách đất lâm nghiệp, trả lại đất cho dân canh tác, ngày 13.12.2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo khẩn về việc tổ chức thực hiện giao 319,5ha đất cho 639 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất (đợt đầu). Nhưng quá trình trả lại đất cho dân lại như hành động “châm ngòi” cho một cuộc tranh chấp mới, phức tạp và khó giải quyết hơn. Ông Nguyễn Trung – Trưởng thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian gần đây tại địa bàn thôn đã xảy ra tình trạng tranh chấp quyết liệt đất rừng 327. Có tổng cộng 8 hộ tại thôn tranh chấp lẫn nhau nhiều mảnh đất rừng 327 đã thu hoạch xong cây rừng.

Mâu thuẫn gay gắt, hai gia đình cùng dòng họ của bà Nguyễn Thị Phương và ông A Đap Y Nam đã xảy ra xung đột. Chồng của bà Phương bị hàng chục người nhà của ông A Đap Y Nam vác rựa rượt chém gây náo loạn cả làng xóm. Hộ bà Phương thì nói khu đất đó năm 2006 gia đình bà đưa vào tham gia dự án 327, nay dự án hoàn tất thì lấy lại. Còn gia đình ông A Đap Y Nam thì cho rằng, khu đất đó do ông cha để lại cho gia đình, trước năm 2006, nhà bà Phương đến chiếm… Xã hòa giải, yêu cầu các bên dừng mọi hoạt động trên đất tranh chấp, chờ giải quyết. Tuy nhiên, từ đó đến nay hai bên vẫn liên tục tranh chấp, hộ này vào trồng keo thì hộ kia vào nhổ cây và ngược lại.

Ngày 24.8, bà Nie H’Ruông – Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, sau khi nhà nước thu hoạch xong cây trên đất rừng 327, tại xã đã xảy ra tranh chấp, xô xát giữa nhiều hộ tranh giành đất rừng 327. Hiện tại, xã nhận phương án thực hiện chia trả lại đất rừng 327 cho 41 hộ. Xã đã hòa giải, phân định xong 16 hộ, vẫn còn 25 hộ tranh chấp với nhau về diện tích nên xã đang xin cấp trên cho thêm thời gian để hòa giải, thuyết phục.

Mấu chốt của vấn đề là hầu hết các hộ đã làm thất lạc hợp đồng tham gia trồng rừng 327. Gần 20 năm, hiện trạng đất rừng đã đổi khác nhiều nên các hộ không nhớ rõ vị trí đất của mình. Điều đó làm cho sự tranh chấp càng lúc càng nhùng nhằng phức tạp, không có hướng giải quyết.          

Tỉnh "trái lệnh" Chính phủ

Sự tranh chấp đất đai dai dẳng nhất ở miền Trung liên quan đến địa giới hành chính là giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Có nhiều thôn về địa giới thì thuộc tỉnh này nhưng về pháp lý lại thuộc tỉnh khác. Nguyên nhân chính là lãnh đạo của 2 tỉnh đã không tìm được tiếng nói chung.

" Là dân tỉnh nào cũng được, miễn là dân được yên ổn làm ăn, chứ bất ổn vì tranh chấp liên miên thế này dân còn nghèo đói nữa. Hy vọng là Quốc hội sớm giải quyết việc tranh chấp này và sẽ không tiếp tục xảy ra tình trạng “trên nói dưới không nghe” như gần 20 năm nay nữa".
Ông Đoàn Trung -  Chủ tịch UBND xã Phong Thu (huyện Phong Điền)  

Cụ thể, vào năm 1989, Quốc hội khóa VIII có nghị quyết chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Từ tháng 9.1993, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội nghị hiệp thương để tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai ở vùng giáp ranh. Tuy nhiên, hội nghị này đã thất bại vì lãnh đạo 2 tỉnh không bên nào chịu nhường bên nào. Nhằm giải quyết bế tắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế lúc đó là ông Phạm Bá Diễn đã làm công văn xin ý kiến của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, ngày 22.11.1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 762/TTg phân định địa giới 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, chuyển 4 thôn Tân Phương Lang, Phú Xuân B, Phú Kinh và một phần thôn Câu Nhi của xã Hải Ba, huyện Hải Lăng về huyện Phong Điền và chuyển xã Hồng Thủy của huyện A Lưới về huyện ĐaKrông. Tuy vậy đến nay, sau gần 20 năm, giữa 2 tỉnh vẫn chưa thống nhất được đường địa giới hành chính. Nguyên nhân là trong khi phía Thừa Thiên- Huế yêu cầu làm theo quyết định của Thủ tướng thì phía Quảng Trị lại yêu cầu phải thực hiện giải quyết tranh chấp theo nguyện vọng của người dân, tức là dân muốn theo tỉnh nào thì theo.

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội giao tỉnh Thừa Thiên- Huế quản lý toàn bộ hiện trạng đất đai và dân cư của xã Hồng Thủy và các thôn Phú Xuân B, Phú Kinh; giao tỉnh Quảng Trị quản lý các thôn Tân Phương Lang và Câu Nhi. Hiện phương án này đang chờ Quốc hội thông qua.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem