Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 1.

Bây giờ, trên mạng xã hội, nhiều "chủ thớt" (tài khoản mạng xã hội) dạy nhau cách nuôi chó thương phẩm kiểu công nghiệp bán cho người ta giết thịt khá nhiều. Nuôi kiểu gì, bán đi đâu, cho chó ăn gì và tiêm thuốc gì khi chúng bị bệnh. Đó là lĩnh vực khác với chuyện ở trang trại gà, lợn, bò, dê. Hầu hết người "nhảy" vào nuôi chó thương phẩm, đều xuất thân làm trang trại, từng nuôi gà, vịt, bò…;  nay thấy món mới "dễ ăn" nên "oánh tay ngang".

Tại xóm Nam Hương, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi lái xe tải la liệt chuồng sắt như một chủ buôn chó đến một trang trại để "diễn" vai người đang tìm mối làm ăn, "bắt vài tấn chó thịt (chó sống) mỗi tuần". 

"Em bán khắp vùng Sơn Tây, Ba Vì, bán nhà hàng tại gia và đổ buôn cho các "phố chó" - nghe vậy, ông Dương Văn Việt – một chủ trang trại nuôi chó ra tiếp.

Nhập gia tuỳ tục, quy định của ông Việt và nhiều chủ nuôi chó thịt khác đều giống nhau: không cho vào thăm trại. "Lúc này, tôi "chỉ" có 1.500 con chó trong trại, vì vừa xuất bán nhiều quá xong; có xe tải đến mua tới 6-7 tạ một chuyến", ông Việt, tuổi chừng 50, bắt đầu câu chuyện.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 2.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 3.

Ông Việt e dè với chúng tôi cũng phải.  Anh ta nói thẳng, hạn chế cho xem trang trại, vì nhiều lý do. Chúng tôi lấy lý do xem hàng rồi mới đặt tiền, Việt khiên cưỡng dẫn hai khách đi, khách thứ nhất đi xe máy với Việt, khách thứ hai, tự lái cái xe điện của con ông Việt.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 4.

Cảm nhận đầu tiên, camera an ninh giám sát khắp nơi. Chuồng trại cơ bản đều làm bằng tôn và sắt kiên cố. Chủ nhà tiết lộ, đầu tư hơn 2 tỷ đồng mới có được khu nuôi chó bài bản với quy mô "xuất bán tới 4 tấn chó thịt một tháng". Hệ thống chuồng trại bằng khung sắt, lối đi và sàn chuồng đan bằng lưới sắt, để khi cọ rửa, xịt nước thì xú uế trôi cả xuống ao lớn. Các chuồng cũng được ngăn cách với nhau bằng một lớp lưới sắt mắt cáo sơ sài, cốt để chó không nhảy qua được.

Hệ thống quạt thông gió chạy ầm ầm, hút mùi và giảm nhiệt trong cái nóng kinh người của xứ nhiệt đới ẩm gió mùa. Tường giữa các chuồng cao tới 2m - 3m, chắc sợ lũ "khuyển" khoẻ mạnh nhanh nhẹn có thể vọt qua và cắn xé nhau hoặc cắn xé người chăm sóc khi đói, khi cáu giận. Lý do để người ta không nhốt cả nghìn con chó chung một chuồng lớn, có thể là vì lũ chó có tuổi đời khác nhau, cánh "bằng vai phải lứa" sẽ có khẩu phần ăn và cách phòng bệnh giống nhau, "chơi" với nhau, xuất bán cùng giai đoạn với nhau.

Cảm giác đi xuyên qua, dạo quanh các chuồng chó trong trang trại chó khổng lồ này thật kinh khủng. Lũ chó thấy người lạ, tất cả đều như nổi đóa, cơ hồ, có bao nhiêu sức mạnh, chúng dồn cả vào… miệng. Tiếng sủa chát chúa, đinh tai nhức óc. Nhe răng, lè lưỡi, nước bọt tung toé, cộng thêm các khay cung cấp nước uống cho chó bị rung bần bật - do tường và sàn bằng ô mắt cáo bùng nhùng - hắt lên. Tựu chung, tôi ra khỏi đó với chân tay lấm tấm nước, không biết là nước bọt, nước tiểu của chó hay nước không lấy gì làm sạch sẽ của các khay thức ăn nước uống lưu cữu. Hàng trăm, cả nghìn con chó chồm lên cao nhất có thể, cảm giác sắp vọt qua bờ rào dây thép gai mà xâu xé "kẻ lạ mặt".

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 5.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 6.

Những hình ảnh từ camera giấu kín về thế giới của "chủ nuôi chó" quy mô lớn kể trên, cho thấy: chuồng trại được ông Việt làm khá bài bản. Có mái tôn lạnh trên mái, có bạt sẫm màu che nắng chung quanh. 

Bờ tường cao, cổng khoá kín, dây thép gai, lại thêm việc xử lý môi trường. Trại làm trên một cái ao lớn, phân, nước tiểu của chó có thể được thu gom; hoặc việc cọ chuồng trại xả xuống ao nuôi cá rồi ít nhiều  lắng lại để bớt mùi…

Mở "trang trại chó" trên ao nước lớn là phương pháp tự phát nhưng ít nhiều hiệu quả mà ông Việt cùng hầu hết các chủ trại chó trong khu vực chúng tôi ghé thăm này đều áp dụng. 

Bởi, nói thật, một lần chó phóng uế ra đường, cả khu vực đã kinh khủng nồng nặc rồi, huống hồ cả trăm, cả nghìn con chó đang được ăn nhồi bón thúc để nhanh lớn và đem đi "hành quyết"! Bà con tận dụng các cái ao, xú uế xuống nước là bị "giấu" mùi đi khá nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, đây vẫn là cách không thể chấp nhận được.

Làm việc với chúng tôi, ông Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh thừa nhận: Trang trại chó nhà ông Việt, dù có cam kết bảo vệ môi trường, nhưng vẫn gây ô nhiễm đến mức khiến cán bộ khá "đau đầu".

Ngay như ông Việt cũng nói, cả nghìn con chó phóng uế năm này qua năm khác, thì nếu không xử lý môi trường thì chủ trang trại và nhân công làm thuê sẽ "chết trước vì hôi thôi, chứ chưa nói gì đến người xung quanh"!

Nhiều chủ nuôi chó thương phẩm đi tiên phong ở khu vực, nhưng rồi vẫn thua ông Việt về "quân số chó", vì họ không có trang trại đầu tư vài tỷ đồng như ông Việt. 

Và vì ông Việt có trại giữa đồng, xa khu dân cư, sẵn cơ sở vật chất nuôi vịt lâu nay, giờ cải tạo nuôi chó hàng nghìn con. Bà con ở trong xóm, nuôi nhiều, thối tha, đinh tai nhức óc chó sủa thì người xung quanh và chính quyền xã sẽ không đời nào chấp nhận được. Thường chỉ nuôi nhiều lắm là hai ba trăm con chó, để tránh bị "toang" - mất kiểm soát.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 7.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 8.

Cùng xã, nhà ông Nguyễn Văn Thắng cũng nuôi hơn 200 con chó trong chuồng. Khi chúng tôi đến, ông hồ hởi khoe, "mới xuất bán 5 tạ chó hơi, với giá 88.000 đồng/kg xong!".

Từ lúc nhập chó cún về, ngay từ tuần đầu, phải tiêm đủ 4 mũi cho mỗi con, chống nhiễm khuẩn, tiêm chống nhiễm ký sinh trùng, bệnh phổi, bệnh kiết lị... 

Các chủ trại cho biết, họ tự lo tiêm phòng bệnh và chống nhiễm khuẩn cho chó, sau các vụ chủ quan làm ẩu, chó bị chết vài trăm con một lúc. Đi toi hàng trăm triệu đồng. "Ít dịch bệnh hơn gà, lợn, nhưng không phòng kĩ, thì vẫn đi toi cả vài trăm con chó như thường" – một chủ trại chó cho biết.

Tuy nhiên, "cái gì không hiểu, lên hội nhóm trên mạng xã hội hỏi ý kiến nhau người đi trước, ok luôn", một chủ trang trại tự tin. Tiêm nhiều và tiêm "không theo quy tắc" đến mức, ông Thắng bảo, chó bị chết, phải đem chôn, chứ không dám ăn. Vì thuốc, kháng sinh trong chó nhiều.

Vì sao người dân ở khu vực này đi tiên phong chuyển trang trại của mình sang nuôi chó? Họ bảo, thịt chó giờ được giá hơn, nhất là khi một số quốc gia lân cận cấm buôn bán giết mổ chó; lại thêm cơ quan chức năng xiết chặt quản lý và xử lý các cẩu tặc hơn xưa. Vì thế họ chuyển từ nuôi gà, vịt, lợn sang nuôi chó.

Một "ưu điểm" nữa, ngoài bệnh dại nguy hiểm ra, thì cơ bản, chó ít bệnh hơn các loài họ vẫn nuôi lâu nay, thị trường lại không bị phụ thuộc vào thương lái nước ngoài quá nhiều. Một người nuôi thấy dễ kiếm, nhiều hộ đã nhoi theo.

Tất cả các chủ hộ nuôi chó thương phẩm mà chúng tôi gặp ở Thái Nguyên, họ đều cho rằng: với hai ba trăm nghìn đồng một con chó cún, nuôi 4-5 tháng sau đã có chó thương phẩm nặng 13-15kg, bán cho xe tải đến mua vài tấn mỗi tuần, với giá: 90.000 đồng/kg. Chó nhà nuôi thì phải tiêm phòng dại, báo cáo với thú y xã và họ đến tiêm. Chủ hộ đếm đầu chó mà trả tiền.

Còn hàng trăm, hàng nghìn con chó trang trại thì chỉ tiêm phòng bệnh cho đỡ thiệt hại khi chó lăn đùng ra chết, khỏi phòng dại. Có thể, họ nghĩ đơn giản: chó cứ ăn ngon ngủ yên, chóng lớn chóng thu tiền là được rồi. Kể cả có dại, thì chó cũng ở trong chuồng "giam giữ" từ lúc mua về đến lúc xuất bán (4-5 tháng). Lúc chăm sóc, lúc bắt bán, đều có dụng cụ và không để chó cắn hay tiếp xúc gần, thì kể cả có dại, chẳng làm sao.

"Cán bộ đến tiêm phòng dại cho chó nhà thả lã, sống gần gũi với chúng tôi, thì đếm đầu chó mà tiêm đủ. Nhưng vô số chó ở trong trại thì họ không nói gì, chúng tôi cũng không kê khai. Coi như không biết", một chủ trại chó lớn tuổi tiết lộ.

Thế mới có chuyện, một số tổ chức tiến hành lấy mẫu các con chó bị bán buôn và sắp giết mổ để tìm ra "xác xuất" chó có bệnh dại trong thế giới "đặc sản cầy tơ". Con số có thể gây tranh cãi, song, việc không tiêm phòng dại cho chó trên quy mô trang trại nghìn con như thế là quá nguy hiểm. Trên thực tế, đã có chủ quán thịt chó ở Hà Nội bị chết vì giết mổ chó có bệnh dại.

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), nơi có các trang trại chó được phản ánh ở trên cũng bày tỏ những vấn đề làm "đau đầu" cơ quan quản lý địa phương.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 9.

Ông Nguyên cho hay: "Với các hộ nuôi chó trang trại trên địa bàn, xã không cấp phép cho bất cứ mô hình nào cả. Cán bộ rất đau đầu về tình trạng chất thải từ các khu nuôi chó thương phẩm tập trung như vậy. Họ không đủ công nghệ và cơ sở vật chất để xử lý vấn đề môi trường được – dù cũng có ao làm bể chứa và cam kết bảo vệ môi trường".

Vị Phó Chủ tịch xã cũng xác nhận, xã có 3 nhân viên thú y nhưng họ chỉ tiêm phòng dại cho chó nuôi trong các hộ dân theo kiểu truyền thống. Còn chó nuôi trong các trang trại làm thương phẩm, không được hỗ trợ từ thú y cơ sở theo quy định chung. Chủ trang trại phải tự tiêm phòng bệnh cho chó của họ.

Ông Nguyễn Vũ Quang, giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, đồng thời là cán bộ quản lý chương trình Động vật Đồng hành của tổ chức quốc tế hoạt động liên qua đến phúc lợi động vật HSI (Humane Society International) cũng  đang rất trăn trở về câu chuyện trang trại chó.

"Để vào trại chó tìm hiểu, bây giờ rất khó, giới chủ không hợp tác với mình. Những trại chó như thế rất khó quản lý về dịch bệnh, họ hầu như không tiêm phòng bệnh dại cho chó. Cán bộ cơ sở cũng rất khó quản lý số lượng chó trong các trang trại trên, đơn giản là: các chủ nuôi không khai báo thì… chịu", ông Quang nói.

Thêm nữa, chó không nằm trong danh sách động vật quản lý của Luật chăn nuôi thú y, ở Việt Nam, chó cũng không được đối xử nhân đạo như là "động vật đồng hành". Phúc lợi động vật của chó như ở nước ngoài hầu như không có.

Theo ông Quang, ngay cả với con lợn, quy định còn chặt chẽ hơn: nếu giết mổ lợn tại nhà có thể bị phạt tới 7 triệu đồng. Lợn giờ bắt buộc phải giết mổ ở khu tập trung để đảm bảo về quản lý dịch bệnh. Trong khi việc giết mổ chó không được cấp phép, nhưng nhà hàng lại được kinh doanh thịt chó một cách phổ biến khắp nơi. Do đó, việc thúc đẩy quản lý, phúc lợi với động vật đồng hành là hết sức cần thiết.

"Đối với nhiều quốc gia, họ có quy định con vật sống không được tiếp xúc (nghe thấy, nhìn thấy) cảnh động vật đangbị giết. Hiện nay, ở Việt Nam cũng thế, họ kích ngất lợn, gà trong thời gian dưới 0,3 giây. Nếu giết mổ không đúng, con vật bị đau đớn stress trước khi chết, ngoài vấn đề nhân đạo với loài vật, nó còn ảnh hưởng đến cả chất lượng thịt. Khoa học đã chứng minh, khi con vật bị đau đớn lâu, bị stress chúng sẽ "căm thù" và dễ gây nguy hiểm cho người giết mổ", ông Quang cho hay.

Bài 3: Bất ngờ ở những trại chó hàng nghìn con - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem