Bắc Kạn: “Vua bò” ở Pác Nặm

Thứ hai, ngày 26/08/2013 11:34 AM (GMT+7)
Có những thời điểm, ông Hoàng Văn Thân ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) nuôi tới gần 100 con bò sinh sản. Khâm phục tài nuôi bò của ông, bà con trong vùng gọi ông là "vua bò".
Bình luận 0
Ông Thân sinh ra ở Cao Bằng, những năm 70 của thế kỷ trước, vì không có đất canh tác nên gia đình ông di cư đến đỉnh núi cao Nặm Nhả, thuộc thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Ba Bể (nay là Pác Nặm) để sinh sống. Vì đến khai hoang sau, không còn đất màu mỡ để canh tác, nên gia đình ông trồng cây gì năng suất cũng thấp, cảnh nhà quanh năm túng thiếu.

Đàn bò trị giá tiền tỷ

Năm 1975, hưởng ứng vận động của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Thân hạ sơn để định canh định cư. Ruộng đất ít nên đói nghèo vẫn đeo bám gia đình ông. Năm 1996, khi Nhà nước có chính sách cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất thông qua Ngân hàn Phục vụ người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội), vợ chồng ông vay vốn để mua bò sinh sản.

Được chăm sóc tốt, đàn bò của gia đình ông ngày một nhiều. Đến kỳ trả lãi và gốc ngân hàng, ông bán hơn chục con bò mà vẫn dư tiền để mua thêm đất ruộng cấy lúa, trồng ngô. Ông Thân khoe: “Có những thời điểm đàn bò của nhà tôi có gần trăm con, trị giá vài tỷ bạc. Tiền bán bò, vợ chồng tôi cất được nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và sản xuất. Có vốn, tôi đầu tư kinh doanh vật tư nông nghiệp; nuôi thêm lợn ta, lợn rừng và nhím... Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình tôi mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Giúp bà con làm giàu

Khâm phục tài phát triển kinh tế của ông Thân, bà con trong thôn Thôm Mèo đã bầu ông làm trưởng thôn. 7 năm đảm nhiệm cương vị này, ông Thân luôn trăn trở cách giúp bà con trong thôn thoát nghèo. Bằng kinh nghiệm làm ăn của mình cũng như sẵn có đồng vốn, ông Thân đã giúp đỡ những hộ gia đình nghèo muốn vươn lên làm giàu. Như gia đình ông Lý Văn Sinh được ông Thân cho vay vốn mua đất, mua giống trồng ngô. Riêng năm 2012, gia đình ông Sinh trồng ngô đồi đã thu về trên 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, giờ đây ông Sinh đã vươn lên trở thành hộ khá trong thôn. Gia đình ông Hoàng Văn Vàng, nhà đông con lại không có ruộng sản xuất, cũng được ông Thân cho vay tiền mua đất để trồng ngô. Nhờ vậy, gia đình ông Vàng đã thoát nghèo cách đây mấy năm.

Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hiện đang nghiên cứu giống bò mà gia đình ông Thân đang chăn nuôi để nghiên cứu, nhân rộng phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc cho đồng bào vùng cao.


Ngoài được giúp đỡ về giống, vốn sản xuất, những hộ nghèo còn được trưởng thôn nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm làm ăn. Nhận thấy đất nông nghiệp của thôn phù hợp trồng cây ngô đồi, ông Thân đã đứng ra nhận làm đại lý giống và phân bón cho đồng bào ở địa phương. Những hộ nghèo không có vốn thường được ông giúp cho vay giống, phân bón để sản xuất, cuối vụ mới phải hoàn trả. Đến nay đã có hơn 300 người ở 6 xã trong huyện được ông giúp đỡ, với tổng số tiền vay lên tới trên 1 tỷ đồng. Ông Thân cho biết, mấy năm nay, thôn Thôm Mèo đã khấm khá hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, thôn có đến phân nửa là hộ nghèo thì nay cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, số hộ khá giả ngày càng tăng.

Trong làm ăn, tiếp cận được với đồng vốn vay ưu đãi là một cơ hội để phát triển kinh tế. Hiện ông Thân đang làm trong tổ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ tín dụng của ông đã giúp cho 110 hộ trong thôn vay với số vốn trên 3 tỷ đồng.

Phương Thơm (Phương Thơm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem