Ám ảnh bạo lực ở người chuyển giới

Thùy Anh Thứ hai, ngày 23/12/2019 06:30 AM (GMT+7)
Không chỉ gặp phải rào cản trong tiếp cận các quyền dịch vụ cơ bản, tìm kiếm việc làm, khá nhiều người chuyển giới còn gặp phải các vấn đề bạo lực tình dục, bạo lực gia đình.
Bình luận 0

Bị đánh đập, ép kết hôn

Nguyễn Văn N (25 tuổi, Hà Nội) tâm sự từ lúc học cấp 2 N đã thấy bản thân có nhiều khác biệt so với các bạn nam. Lúc đó, N thích mặc váy, chơi búp bê và có thói quen như các bạn nữ. Lớn lên một chút, em đã nhận ra mình là một người con gái trong cơ thể của một người đàn ông. Kể từ đó N sống e rè, ít tiếp xúc với mọi người, N còn che giấu cả sự việc với bố mẹ. Lên cấp 3, mọi việc bại lộ khi N bày tỏ tình yêu với một người con trai. Biết sự việc, bố mẹ N đã rất sốc. Họ không chấp nhận đứa con trai duy nhất của mình lại là một người con gái.

img

   Chị Trúc Linh - người chuyển giới cho rằng, chỉ người phẫu thuật chuyển giới hoặc uống hoócmôn mới được thừa nhận chuyển giới là chưa đủ. Ảnh: Diệu Linh

"Thống kê của Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có khoảng 270.000 - 300.000 người có mong muốn chuyển đổi giới tính. Con số này được tính theo tỷ lệ chung của nhiều nước trên thế giới là 0,3 - 0,5% dân số. Tuy nhiên, số người thực sự đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính một cách hoàn toàn ở nước ta đến thời điểm này rất ít". 

TS Nguyễn Huy Quang -
Vụ Trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Kể từ thời điểm ấy, bố mẹ đã mắng chửi, đánh, thậm chí là nhốt N trong nhà, yêu cầu cậu phải chấp nhận với việc mình là một người con trai. N kể lại: "Lúc đó mình cảm thấy rất tuyệt vọng, mình đã nghĩ, sao đến cả bố mẹ cũng có thể đối xử như vậy với mình. Mình đâu có làm gì sai, đâu phải lỗi của mình".

Sau chuỗi dài những ngày tháng phải chịu những bất công từ xã hội, bạn bè, lại hứng chịu sự ghẻ lạnh của người thân, năm 21 tuổi, cậu đã cắt tay tự kết liễu đời mình. Cũng may, N được người thân phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu. Sau sự việc đó, gia đình đã phải thay đổi cách nhìn nhận về việc chuyển đổi giới tính của N.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng may mắn được gia đình thừa nhận thân phận như N. Nhiều người chuyển giới khác còn chịu nhiều hơn những sự bạo lực từ phía gia đình. Lê Hoàng Thắng (Hà Nội) chia sẻ tấn bi kịch của cuộc đời khi mà Thắng bị bố mẹ ép phải kết hôn. Cũng bởi gia đình có mỗi mình Thắng là con trai nên khi phát hiện ra cậu có vấn đề giới tính, ngay lập tức bố mẹ cậu đã bắt Thắng phải kết hôn để sinh cho ông bà một đứa cháu đích tôn.

"Bố mẹ mình thậm chí còn mặc cả: “Nếu mày kết hôn, đẻ được một thằng cháu thì mày muốn làm gì thì làm". Để giải thoát bản thân và thực hiện tâm nguyện của bố mẹ mình đã kết hôn, nhưng cuộc sống hôn nhân như địa ngục phải chạy trốn" - Thắng kể.

Người chuyển giới cần được thừa nhận

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý chương trình hỗ trợ người chuyển giới của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, đa phần người chuyển giới mắc phải sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Điều này khiến họ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự lo sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử cũng khiến người chuyển giới có tâm lý e dè mặc cảm khi tìm kiếm các dịch vụ y tế. Điều này có thể dẫn đến việc trì hoãn thăm khám và điều trị các vấn đề sức khỏe và tâm lý.

Do chịu sức ép gia đình và cộng đồng nhiều người chuyển giới đã gặp phải các vấn đề sức khỏe  như căng thẳng, mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu.

Phát hiện trong nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những người chuyển giới trẻ tuổi thường có suy nghĩ về việc tự tử khá sớm và cố gắng tự tử lúc mới 15 tuổi, tức là khoảng 3 năm sau khi ngày họ nhận ra sự khác biệt về bản dạng giới của mình. 39,4% cho biết họ đã từng có ý nghĩ về việc tự kết liễu cuộc sống của mình. Trong số những người từng có suy nghĩ này thì có tới hơn 40% cho biết đã từng cố gắng tự tử.

"Mặc dù phải trải qua những quãng thời gian cực kỳ khó khăn nhưng không phải ai cũng nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình. Nhiều người chuyển giới đối mặt với sang chấn tâm lý lâu dài, bị trầm cảm và tìm tới tự tử như một cách để giải thoát" - bà Dung nói.

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ Trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được bàn thảo nhằm thực thi một trong những điều quan trọng về luật dân sự liên quan đến quyền nhân thân con người, đó là quyền được chuyển đổi giới tính. Đây cũng là cách để bảo vệ quyền cơ bản của người chuyển giới, giúp hạn chế bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và sự kỳ thị của cộng đồng với người chuyển giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem