“A còng”, một thương hiệu dân dã, nhắc đến ai cũng nhận ra ngay là sản phẩm của Khuyến nông Việt Nam

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 27/10/2023 15:55 PM (GMT+7)
Nói đến Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, từ bà con nông dân, cán bộ khuyến nông đến các nhà quản lý, nhà khoa học nông nghiệp đều nhận ra ngay đó là một thương hiệu trong hoạt động thông tin tuyên truyền của Khuyến nông Việt Nam, rất quen thuộc và hữu ích với nhà nông.
Bình luận 0

Sự ra đời của một thương hiệu gần gũi với nông dân

Xác định khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương đều chú trọng công tác chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất là nhiệm vụ chính. Điều này được thể hiện các mô hình trình diễn, đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền, tư vấn của các chuyên gia đầu ngành...

Nhằm tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn cho công tác tuyên truyền, ngày 18/8/2005 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng Chuyên mục "Khuyến nông & Công nghệ" trên trang Khuyến nông nhằm từng bước trang bị kiến thức cần thiết để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, bền vững. 

Tiếp đó, cũng trong năm 2005, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Ban cố vấn Chuyên mục "Khuyến nông & Công nghệ" có sự tham gia của 15 nhà khoa học, với chủ đề đầu tiên là "Những vấn đề sản xuất nông nghiệp trong mùa lũ".

Phát triển ý tưởng từ chuyên mục Khuyến nông & Công nghệ, với mong muốn tạo một diễn đàn cho bà con nông dân được tiếp cận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành, ngày 02/11/2005 tại tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn đầu tiên với chủ đề "Sản xuất lúa chất lượng cao", với sự tham gia của gần 150 đại biểu, trong đó 40% là nông dân sản xuất lúa. 

Từ diễn đàn này, thương hiệu Khuyến nông @ công nghệ đã ra đời, thương hiệu mà bà con nông dân vẫn gọi dân dã là "A còng". Ký tự "@" đã thay cho dấu "&" (và) với ý nghĩa khuyến nông là cầu nối, chuyển tải kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, đồng thời đây cũng là ký tự mang ý nghĩa của khoa học công nghệ.

“A còng”, một thương hiệu dân dã, nhắc đến ai cũng nhận ra ngay là sản phẩm của Khuyến nông Việt Nam - Ảnh 2.

Tổ khuyến nông cộng đồng Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá mô hình thâm canh dứa an toàn tại xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Lê Hồng

Khẳng định một thương hiệu khuyến nông

Đáp ứng nguyện vọng của bà con nông dân, từ đó đến nay, hằng năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đều duy trì tổ chức hơn 20 Diễn đàn Khuyến nông. Năm 2010, Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ được đổi tên thành Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với ý nghĩa khuyến nông không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ mà còn chú trọng đến quản lý, gắn sản xuất với thị trường, phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Diễn đàn đầu tiên sau khi đổi tên có chủ đề "Trồng xen ca cao trong vườn điều" tổ chức tại tỉnh Bình Phước (ngày 20/3/2010).

Trải qua gần 20 năm, thương hiệu "a còng" khuyến nông đã trở thành thân thuộc với hệ thống khuyến nông và bà con nông dân trên mọi miền tổ quốc. Hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương hằng năm đều tổ chức Diễn đàn ở các quy mô vùng, tỉnh, huyện…

Ở Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức trên 350 diễn đàn với nhiều chuyên đề theo các lĩnh vực và nhu cầu thực tế sản xuất bao gồm chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. 

Đây là một "sân chơi" bổ ích cho người nông dân, cán bộ cơ sở, tại diễn đàn họ được trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp như kỹ thuật, giống, thị trường, chính sách… được chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. 

“A còng”, một thương hiệu dân dã, nhắc đến ai cũng nhận ra ngay là sản phẩm của Khuyến nông Việt Nam - Ảnh 3.

Đông đảo nông dân đến nghe chuyên gia chia sẻ về các bệnh thường gặp trên cây có múi tại một Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp.

Hoạt động này đã thu hút trên 100.000 người tham dự, trung bình khoảng 240 đại biểu/diễn đàn, trong đó trên 70% là nông dân sản xuất. Đặc biệt có những diễn đàn thu hút trên một nghìn đại biểu như: Diễn đàn "Máy thu hoạch lúa đồng bằng sông Cửu Long" tổ chức tại Kiên Giang (năm 2007) có 1.100 đại biểu, trong đó có 950 nông dân, hay Diễn đàn "Cơ giới hoá thu hoạch lúa đồng bằng sông Cửu Long" tại Đồng Tháp (năm 2008) với 1.050 đại biểu tham dự. 

Ước tính tại các diễn đàn đã có trên 10.000 câu hỏi được giải đáp. Diễn đàn khuyến nông - hình thức truyền thông được đánh giá là cách làm khuyến nông sáng tạo, mang lại hiệu quả cao và rất phù hợp với nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật và cách làm ăn mới. Thông qua các diễn đàn, những chủ trương, định hướng đã được người dân đón nhận và tạo thành các phong trào lớn.

“A còng”, một thương hiệu dân dã, nhắc đến ai cũng nhận ra ngay là sản phẩm của Khuyến nông Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ thông tin với bà con nông dân về ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Đơn cử, bên cạnh phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 28 diễn đàn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; hướng dẫn tìm các giải pháp canh tác hiệu quả, bền vững.

Từ các diễn đàn, cùng hàng nghìn bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo thành phong trào sâu rộng thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha/năm phát triển rộng khắp trên toàn quốc, nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 10,5 triệu đồng (1995) lên 42,7 triệu đồng/ha (2010) và 95 triệu đồng năm 2020.

Hay chủ trương đẩy mạnh "Cơ giới hoá trong sản xuất lúa", đã có 15 diễn đàn được tổ chức với trên 6.000 đại biểu của 121 lượt tỉnh/thành tham gia, cùng với 7 hội thi về cơ giới hoá trong sản xuất lúa cho 55 lượt tỉnh/thành đã dấy lên phong trào cơ giới hoá và xây dựng tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hoá - một khâu quan trọng trong nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam. 

Qua đó góp phần vào đưa tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất lúa trên cả nước. Theo con số thống kê, năm 2008 tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt tỷ lệ 75%, gieo cấy: 5%, thu hoạch: 15% thì đến năm 2019 đã tăng lên lần lượt: Máy làm đất: 95%, gieo cấy: 45%, thu hoạch: 40%. 

“A còng”, một thương hiệu dân dã, nhắc đến ai cũng nhận ra ngay là sản phẩm của Khuyến nông Việt Nam - Ảnh 2.

Người dân likestream trực tiếp để chia sẻ thông tin

Thương hiệu "a còng" cùng những hoạt động khác trong công tác thông tin tuyên truyền khuyến nông thời gian qua đã không chỉ vượt qua giới hạn ban đầu là truyền thông khuyến khích phát triển nông nghiệp, mà còn đảm nhận cả việc nâng cao nhận thức và vai trò nông dân, nông nghiệp, nông thôn; tạo sự đồng thuận của cả xã hội ủng hộ lĩnh vực "tam nông"; làm diễn đàn cung cấp sáng kiến cho công cuộc tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, mở rộng giao lưu hợp tác lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam với thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem