40 năm báo NTNN: Số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên có gì?

Minh Yến Thứ sáu, ngày 08/03/2024 09:00 AM (GMT+7)
Ngày 7/5 tới đây, Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN) tròn 40 năm phụng sự bạn đọc (7/5/1984 – 7/5/2024). Ngược dòng hành trình 40 năm, xin giới thiệu với bạn đọc số báo đầu tiên – điểm khởi đầu cho 40 năm đồng hành cùng người nông dân Việt Nam của Báo NTNN: Bản tin "Nông dân mới".
Bình luận 0

Bản tin phát hành trước thềm Đại hội

Theo Công văn số 130 TH/TW ngày 6/3/1984 của Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), với nội dung trả lời Công văn số 36-CV/BTB ngày 26/2/1984 của Ban Trù bị Đại hội Đại biểu Nông dân tập thể Trung ương, nêu rõ: Nhất trí để Ban Trù bị Đại hội Đại biểu Nông dân tập thể Trung ương ra bản tin công tác Hội, xuất bản 3 tháng/kỳ, số lượng 7.000 bản/kỳ, khổ 30cmx21cm, số trang 16.


40 năm báo NTNN: Số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên có gì?- Ảnh 1.

Công văn của Ban Tuyên Huấn Trung ương đồng ý cho xuất bản tờ tin.

Trên cơ sở đó, ngày 7/5/1984, tờ tin "Nông dân mới" số 1 được xuất bản, ngay trước thềm Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất, theo Giấy phép xuất bản 77/XBNT, in tại Nhà in Báo Nhân Dân.

Đó cũng chính là số đầu tiên của Báo NTNN – cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sau này. Ông Phạm Quang Minh – Phó Trưởng ban Tuyên huấn, Ban Trù bị Đại hội Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thời điểm đó, được phân công kiêm nhiệm Phó Tổng Biên tập và là vị lãnh đạo đầu tiên trong Ban Biên tập của Bản tin "Nông dân mới".

40 năm báo NTNN: Số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên có gì?- Ảnh 2.

Tờ tin "Nông dân mới" số 1 ra đời vào ngày 7/5/1984, cách đây đúng 40 năm. Ảnh: M.Y

Trong lời "Cùng bạn đọc" được đăng ngay trang đầu tiên của tờ tin, Ban Biên tập của tờ báo viết: 

Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 32 TB/TW ngày 13/2/1984 về việc mở Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất đã ghi nhiệm vụ của Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam:

"Hội có nhiệm vụ cùng các đoàn thể khác giáo dục, vận động nông dân phát huy quyền làm chủ tập thể XHCN, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong cả nước.

Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, trong khi chưa có cơ quan báo chí riêng, trước mắt Hội ra bản tin Nông dân mới làm phương tiện tuyên truyền, giáo dục cán bộ hội viên nông dân".

Tin Nông dân mới có chức năng thông tin, hướng dẫn công tác, trao đổi kinh nghiệm công tác Hội.

Chúng tôi rất mong có sự cộng tác của cán bộ Hội các cấp, có sự giúp đỡ về mọi mặt của các đoàn thể, các ngành, các báo và của đông đảo bạn đọc cho bản tin Nông dân mới ngày một tốt hơn để phục vụ bạn đọc".

Như vậy, tờ tin Nông dân mới được ra đời xuất phát từ mục đích tuyên truyền, giáo dục cán bộ hội viên nông dân của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam (khi đó có trụ sở tại số 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội).

40 năm báo NTNN: Số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên có gì?- Ảnh 3.

Trang đầu tiên của tờ tin "Nông dân mới" số 1. Ảnh: M.Y

Bản tin có 4 trang được in khổ A3 với 15 tin, bài, tập trung thông tin về Đại hội và hoạt động của một số tỉnh, thành hướng về Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất. 

Trong đó, trọng tâm là các tin, bài: "Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo mở Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất"; 

Trích phát biểu của đồng chí Ngô Duy Đông - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Trù bị Đại hội Nông dân tập thể toàn quốc tại Đại hội Liên hiệp Nông dân Tập thể tỉnh Quảng Nam với tựa đề "Hội Nông dân Tập thể cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, chức năng của mình trong việc phát huy tinh thần làm chủ của hội viên và nông dân"; 

"Một số ý kiến về trách nhiệm của giai cấp nông dân trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội" của tác giả Trần Quốc Hoàn; "Vai trò của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" của tác giả Vũ Oanh; 

"Hướng dẫn tuyên truyền về Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất"; Hướng dẫn việc mở Đại hội Liên hiệp Nông dân tập thể các cấp; Thông tin Ban Trù bị Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể Trung ương họp báo…

Phần trang trọng nhất tại trang 1 ngay dưới măng sét của tờ tin là bức ảnh Bác Hồ thăm bà con nông dân xã Ái Quốc – Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) tháng 5/1957 với lời phát biểu của Bác khẳng định vai trò của liên minh công nông trong bảo vệ thành quả cách mạng, được in chữ hoa trang trọng: "Thực hiện cho được liên minh công nông, vì đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội".

40 năm báo NTNN: Số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên có gì?- Ảnh 4.

Tờ tin “Nông dân mới” số 1 đang được lưu giữ trang trọng tại trụ sở Báo NTNN như một tài liệu quý giá đối với tập thể người làm báo nơi đây. Ảnh: P.V

Các tin bài khác được chia thành các cụm/mục lớn như: Hướng dẫn Tuyên truyền; Một số Ý kiến; Cập nhật thông tin các tỉnh đã bầu đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất; Khắp nơi sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội.

Đặc biệt, còn có 1 mục riêng về các khẩu hiệu về Đại hội với 6 khẩu hiệu được giới thiệu là: "Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam lần thứ nhất". "Hội viên và nông dân hăng hái thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu của Hội". "Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên, nông dân tập thể Việt Nam hãy phát huy tinh thần làm chủ tập thể, quyết tâm xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN". "Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam muôn năm". "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". "Tất cả vì Tổ quốc XHCN, vì hạnh phúc của nhân dân". 

Văn phong giản dị, đậm chất nông dân

Đơn giản, dễ hiểu, chân chất như câu chuyện giữa những người nông dân, đó là những ấn tượng rõ nét về văn phong được thể hiện trong các tin bài của số báo đặc biệt này. Không chỉ phán ánh trung thực các thông tin thời sự, hoạt động của các cấp Hội Nông dân mà những tác phẩm báo chí đầu tiên của Nông dân mới - NTNN đã thể hiện được hơi hướng của thời đại và mang đậm phong cách báo chí dành cho nông dân.

"Cùng với ngành quốc doanh chiếu bóng địa phương tổ chức chiếu những bộ phim nói về nông dân và đề tài nông thôn như các phim: Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Người về đồng cói, Ngày ấy bên sông Lam, Tập đề án bị bỏ quên… Cần chú ý trước mỗi buổi chiếu phim nên kết hợp tuyên truyền về Đại hội và kỷ niệm 3 ngày lễ lớn, đồng thời, cần giới thiệu rõ chủ đề tư tưởng của bộ phim sẽ chiếu. Có thể tổ chức cho hội viên, nông dân trao đổi ý kiến của mình về các bộ phim đã xem để góp phần cùng làm rõ chủ đề tư tưởng và hướng thu hoạch nhận thức đúng đắn. Tận dụng mọi phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền thanh, truyền tin, bảng tin, máy vi-đi-ô-cát-sét… để tuyên truyền cổ động mạnh mẽ cho Đại hội" - Đó là trích dẫn trong bài viết Hướng dẫn Tuyên truyền về Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân toàn quốc ở cơ sở hội với nội dung rất cụ thể và dễ hiểu, dễ thực hiện.

40 năm báo NTNN: Số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên có gì?- Ảnh 5.

Tờ tin “Nông dân mới” số 1 có 4 trang được in khổ A3 với 15 tin, bài, tập trung thông tin về Đại hội và hoạt động của một số tỉnh, thành hướng về Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất. Ảnh: P.V

Hay trong tin "Hà Tuyên xây dựng và củng cố phòng tuyến biên giới" tác giả viết về các biện pháp UBND tỉnh Hà Tuyên đưa ra để phát động toàn dân tăng cường xây dựng và củng cố phòng tuyến biên giới, gồm: "Có đường ô tô đi lên các điểm tựa đảm bảo vận chuyển chi viện cho chiến đấu; Có nhà ở cơ động, giường nằm, nước uống cho chiến sĩ; Có công sự vững chắc; Có phương tiện liên lạc thông tin kịp thời; Có rừng lấy củi đảm bảo chất đốt cho bộ đội…".

Tất cả từ ngữ, cách hành văn đều đơn giản, trong sáng, khiến người đọc tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng, hoàn toàn phù hợp với đối tượng bạn đọc của tờ tin.

Sau tờ tin số 1, "Nông dân mới" số 2 được phát hành vào ngày 5/8/1984 với giá bán được ghi là 1đ00 (1 đồng- PV).

Từ tháng 1/1985, được sự cho phép của Ban Tuyên huấn Trung ương và Bộ Văn hóa, tờ tin "Nông dân mới" được chuyển thành báo "Nông dân mới", xuất bản mỗi tháng 1 kỳ. Và số báo đầu tiên của "Nông dân mới" được xuất bản ngày 2/1/1985 với 8 trang báo cùng nhiều chuyên mục thú vị và hấp dẫn như: Kinh nghiệm nước bạn, Nông nghiệp đó đây; Bài trừ hủ tục; Thơ ca và nhạc…

Đặc biệt, trong số báo này có 1 ô nhỏ xinh xắn nhưng đậm nghĩa tình khi đăng thông báo: "Ủng hộ báo: Báo "Nông dân mới" vừa nhận được số tiền ba nghìn đồng (3.000 đồng) của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Thái Bình ủng hộ để góp phần xây dựng báo Hội. Tòa soạn "Nông dân mới" nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Thái Bình".

Tên gọi của Báo NTNN qua các thời kỳ

  • Ngày 07/5/1984: Tờ tin "Nông dân mới" ra số đầu tiên.
  • Ngày 04/12/1984: Tờ tin "Nông dân mới" đổi thành báo "Nông dân mới" và ra số đầu tiên vào ngày 02/01/1985.
  • Ngày 05/5/1986: Đổi tên thành báo "Nông thôn mới"
  • Ngày 05/7/1987: Đổi tên thành báo "Nông dân Việt Nam"
  • Tháng 9/1995: Đổi tên thành báo "Nông thôn Ngày nay"

Những tỉnh thành nào được nhắc đến trong bản tin đầu tiên?

Ngoài các thông tin về hoạt động, hướng dẫn của Trung ương về các hoạt động tiến tới Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam lần thứ nhất, tại bản tin "Nông dân mới" số 1 còn thông tin và cập nhật hoạt động hướng tới Đại hội của các tỉnh thành trong cả nước.

Có 18 tỉnh được thông tin hoạt động trong bản tin số 1 này, trong đó có nhiều tính đã được tách lập và đổi tên là: Tây Ninh, Hậu Giang, Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu), Kiên Giang, An Giang, Cửu Long (nay là Trà Vinh và Vĩnh Long), Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa), Lâm Đồng, Hà Sơn Bình (sau là Hà Tây và Hòa Bình), Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh), Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), Sơn La, Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi), TP.Hồ Chí Minh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Thái Bình và Quảng Nam.

Có thể thấy, trong số xuất bản đầu tiên với số trang ít (4 trang), thông tin của Tờ tin Nông dân mới số 1 đã có thông tin đa dạng từ cơ sở tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem