3 cách tránh “sốc” cho nông hộ

Thứ năm, ngày 27/06/2013 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (27.6), Báo NTNN phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) tổ chức Hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS)”.
Bình luận 0
img
 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Ipsard) cho biết: Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, khi xảy ra suy thoái kinh tế, mặc dù nông nghiệp luôn là “bệ đỡ” cho nền kinh tế, nhưng do tình trạng suy thoái khá nặng, nên giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh đã tạo ra những “cú sốc” khiến nhiều hộ gia đình nông thôn khó vượt qua. Vì thế, nếu chúng ta không đảm bảo được đời sống cho người nông dân, sẽ rất khó đảm bảo được ổn định xã hội, giúp tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.

Được biết, năm 2012, Ipsard cũng đã từng công bố một bản báo cáo khá chi tiết về bức tranh hộ gia đình nông thôn. Vậy ông có thể cho biết tóm tắt về kết quả từ cuộc điều tra năm nay?

- Điều tra được chúng tôi thực hiện 2 năm một lần từ 2006 đến nay trên 12 tỉnh của cả 3 miền về đời sống của 3.000 hộ nông dân. Có thể nói, đây là điều tra sâu nhất của Việt Nam về tất cả các vấn đề ở nông thôn. Qua điều tra cho thấy, mức độ thu nhập, chi tiêu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp đều khá lên, nhưng không đều nhau. Các tỉnh như Hà Tây (cũ), Long An, Lâm Đồng khá lên, nhưng Lào Cai lại có xu hướng giảm; đặc biệt vấn đề thúc đẩy sản xuất còn chậm, tích tụ ruộng đất rất yếu, trung bình nhiều hộ chỉ có 0,7ha. Trong khi đó, rủi ro tăng cao, nên các hộ dân nông thôn rất khó để đầu tư mở rộng sản xuất...

Theo số liệu mà Ipsard đưa ra, hiện có tới 50% số hộ gia đình nông thôn chịu “cú sốc” về thu nhập. Những “cú sốc” mà các hộ gặp phải ở đây là gì?

- Cú sốc ở đây có 2 loại: Thứ nhất là, sốc tập thể, tức là khi xảy ra, cả làng, cả huyện, cả tỉnh cùng bị. Ví như thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn… Thứ 2 là, sốc cá nhân, tức chỉ từng gia đình bị, xảy ra khi có người chết, người ốm, kinh doanh thua lỗ hay bị thu hồi đất… Báo cáo cũng cho thấy, các loại sốc có xu hướng tăng, nhất là sốc tập thể như thiên tai nhiều hơn, bão thường xuyên xảy ra, mức độ tàn phá cũng mạnh hơn; giá cả đầu vào tăng, nông sản, chăn nuôi, thủy sản làm ra không bán được hoặc bán dưới giá thành sản xuất…

img
Các gia đình ở nông thôn đang ngày càng đối mặt với nhiều “cú sốc” (ảnh minh hoạ).

Thực tế, số vốn tích lũy của các hộ gia đình nông thôn hiện nay rất thấp, tiền tích cóp cả năm có khi không đủ một lần đi viện. Vậy theo ông, chúng ta cần có những chính sách gì để hỗ trợ họ vượt qua những “cú sốc” như vậy?

- Đúng là tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện nay rất thấp, chỉ vào khoảng 5-8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10-15% thu nhập của hộ. Lý do đơn giản là, hộ nông thôn còn nghèo. Phần lớn tiết kiệm (80%) được giữ dưới dạng vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro xảy ra về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư (chỉ chiếm 15% tổng số hộ điều tra).

Theo tôi, để hỗ trợ các hộ vượt qua các cú sốc, cần lưu ý tới 3 cách, hay là 3 nhóm biện pháp: Một là, tăng mức hỗ trợ thiên tai/dịch bệnh cho các hộ nghèo, triển khai bảo hiểm nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và ngân hàng, ưu tiên đặc biệt cho nhóm dân tộc thiểu số (DTTS); triển khai bảo hiểm y tế; tăng hỗ trợ và cụ thể hóa cơ chế cho vay đối với hộ nông thôn. Hai là, xem xét cấp tín dụng theo chuỗi để thu hút các doanh nghiệp cho vay mở rộng sản xuất và thu mua đầu ra cho hộ nông thôn; thay đổi cách tiếp cận trong các chương trình khuyến nông, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nông thôn. Ba là, đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp cho các cộng đồng DTTS, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa…

Một điểm đáng chú ý từ cuộc điều tra năm nay là Ipsard nghiên cứu đến cả chỉ số hạnh phúc của các hộ gia đình nông thôn. Xin hỏi ông, với thu nhập quá thấp như thế, các hộ có hạnh phúc không?

- Vấn đề hạnh phúc rõ ràng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi thu nhập, nhưng kết quả cũng chỉ ra là mức bình đẳng có ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc. Thêm vào đó, nghề nông có khả năng đem lại mức hạnh phúc cao hơn. Nhiều hộ làm nông nghiệp ở nông thôn cũng cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người phải di cư hay làm nghề phi nông nghiệp. Có thể nhiều hộ chạy ra thành phố, kiếm được nhiều tiền hơn nhưng họ lại không hạnh phúc…

“Những cú sốc về thiên tai, rủi ro, chính sách của chúng ta chỉ tập trung hỗ trợ khi có thiên tai, khi có đói. Nhưng theo nghiên cứu, cú sốc về thiên tai ngày càng nhiều, khả năng phục hồi rất yếu. Phần hộ nông dân nhận hỗ trợ được từ Nhà nước chỉ chiếm 10% để phục hồi các cú sốc, 30% từ cộng đồng và 60% từ nội lực của gia đình. Theo điều tra, từ 2006 – 2012 có trên 20% số hộ giảm chi tiêu về lương thực, thực phẩm”.

Ông có thể cho biết kết quả điều tra này có ý nghĩa như thế nào đối với thực tiễn, nhất là trong vấn đề hoạch định chính sách cho “tam nông” hiện nay?

- Khi đối chiếu kết quả điều tra cho thấy, một số chính sách có vấn đề. Mặc dù thu nhập chi tiêu tăng, có nhóm chững lại, thậm chí còn nghèo đi, nhất là nhóm DTTS. Từ đó cho thấy, tác dụng của chính sách rất thấp. Có thể chúng ta tiếp cận chưa đúng mục tiêu, ví dụ chương trình xóa đói giảm nghèo tập trung theo địa bàn xã 135 và 69 huyện nghèo, chứ chưa tập trung trực tiếp vào đối tượng nghèo (nhóm người, hộ).

Từ kết quả điều tra lần này, chúng tôi muốn góp phần vào việc xây dựng chính sách đầu tư cho hộ nào phát triển nông nghiệp, hộ nào chuyển đổi ngành nghề… hay chương trình nông thôn mới, giám sát bộ tiêu chí để có thể điều chỉnh các tiêu chí…

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem