100% xã đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có đường ô tô, bê tông nhựa hóa đến trung tâm xã

Bùi Phụ - Ngọc Quý Thứ sáu, ngày 05/04/2024 06:30 AM (GMT+7)
Ngày 4/4, ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm (2013 - 2023) thực hiện công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với các xã xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Phát triển vùng đồng bào dân tộc

Theo báo cáo, tỉnh Bình Thuận hiện có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là DTTS) với 104.066 khẩu/25.665 hộ, chiếm tỷ lệ gần 8% dân số của tỉnh. 

100% xã đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có đường ô tô, bê tông nhựa hóa đến trung tâm xã- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: (binhthuan.gov.vn)

Đồng bào DTTS cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ. Sau 10 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 17 xã; 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với 42 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua công tác kết nghĩa, các ngành, hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS được quan tâm củng cố, đảm bảo số lượng và nâng dần chất lượng. Đến nay đã xây dựng các chính sách, huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ vùng đồng bào DTTS triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… Qua đó, năng suất lao động ngày càng cao, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc.

Có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 95% số hộ đồng bào DTTS có phương tiện nghe nhìn. Có 6/17 xã thuần đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

100% xã đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có đường ô tô, bê tông nhựa hóa đến trung tâm xã- Ảnh 2.

Huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận có đông đồng bào DTTS đang sinh sống. Ảnh: Bùi Phụ

Tính đến cuối năm 2023, số hộ nghèo DTTS hơn 2.000 hộ, chiếm 7,73% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Hệ thống trường, lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học cho học sinh đồng bào DTTS.

Đến nay toàn tỉnh Bình Thuận có 2.245 đảng viên là người DTTS (chiếm khoảng 5,4% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh)…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; chỉ rõ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện tốt trong thời gian tới.

100% xã đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có đường ô tô, bê tông nhựa hóa đến trung tâm xã- Ảnh 3.

Bà con đồng bào DTTS xã vùng cao Phan Dũng, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận thu hoạch đậu xanh. Ảnh: Bùi Phụ

Phát biểu tại Hội nghị, Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Chủ trương kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS là sự quan tâm, tình cảm của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Hoài Anh cũng đề nghị các sở ban ngành và địa phương nghiên cứu nắm chắc đặc điểm tình hình, nhu cầu của các xã, thôn đồng bào DTTS, từ đó xác định nội dung kết nghĩa theo hướng đổi mới, phù hợp, có tính khả thi cao.

100% xã đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có đường ô tô, bê tông nhựa hóa đến trung tâm xã- Ảnh 4.

Một căn biệt thự ở xã thuần Chăm xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

"Xác định mục tiêu công tác kết nghĩa chủ yếu mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để giúp đồng bào có điều kiện cải thiện đời sống...", ông Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.

Huyện Đức Linh sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2024 là năm quyết định thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt là tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, làm cơ sở sang năm 2025 dồn sức thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện Đức Linh sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có thêm 17 xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó có 2 xã nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem