Tham vọng “đánh thức” Tây Nguyên với tổ hợp dự án 3,6 tỷ USD của Anh hùng Lao động Thái Hương

Ngọc Lê Thứ tư, ngày 27/03/2024 11:40 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông ngày 23/3 mới đây, bà Thái Hương- Anh hùng Lao động, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn TH đã có bài phát biểu tâm huyết về tham vọng "đánh thức" vùng Tây Nguyên với tổ hợp đầu tư dự án lên tới 3,6 tỷ USD.
Bình luận 0

Clip: Khát vọng đưa nông nghiệp Tây Nguyên phát triển của Tập đoàn TH.

Thời cơ và động lực từ Nghị quyết của Bộ Chính trị về Tây Nguyên

Không phải ngẫu nhiên, bà Thái Hương- Anh hùng Lao động chọn mảnh đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mang tính đột phá, táo bạo có thể tạo đà để đánh thức, thay đổi cả Vùng. Sau thành công từ dự án chăn nuôi bò sữa ở vùng đất Phủ Quỳ Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, có lẽ không vùng đất nào ở Việt Nam thích hợp hơn Vùng Tây Nguyên để giúp bà và Tập đoàn tiếp tục triển khai những đại dự án quy mô, tầm cơ hơn.

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một trong những mục tiêu chính, đó là: Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên được nêu tại Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, TH là một trong những doanh nghiệp đầu tiên và tiên phong trong việc nêu ra những đề xuất về định hướng đầu tư và triển khai các dự án trên địa bàn.

Trong đó, ngay tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị tổ chức ngày 20/11/2022, Tập đoàn TH đã tiến hành ký kết hai biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các dự án trong vùng; đồng thời bà Thái Hương cũng nêu lên 4 đề xuất để phát triển vùng.

Hai biên bản ghi nhớ, đó là: Biên bản ghi nhớ thứ nhất về triển khai nghiên cứu, khảo sát dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững thuộc các lĩnh vực Nông, lâm nghiệp, thảo dược – Thương mại, dịch vụ, du lịch – Công nghiệp khai khoáng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Biên bản ghi nhớ thứ hai về phát triển các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực tương tự trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tham vọng “đánh thức” Tây Nguyên với tổ hợp dự án 3,6 tỷ USD của Anh hùng Lao động Thái Hương- Ảnh 1.

Anh hùng Lao động Thái Hương- Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH phát biểu đầy tâm huyết về tham vọng "đánh thức" vùng Tây Nguyên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông ngày 23/3 vừa qua.

Mối lương duyên kéo người Anh hùng Lao động trở lại Đắk Nông

Chỉ sau hơn 1 năm, kể từ ngày phác thảo những kế hoạch đầu tiên tại vùng Tây Nguyên, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông ngày 23/3 vừa qua, bà Thái Hương đã có dịp chia sẻ đầy tâm huyết về những dự định, kế hoạch của bà và tập đoàn.

Nữ Anh hùng Lao động kể lại câu chuyện, từ năm 2011, bà đã về Đắk Nông và đi đến những vùng đất đầy tiềm năng, nhưng có lẽ lúc đó chưa có duyên, nên mọi việc mới chỉ dừng lại ở đó.

Bà Thái Hương chia sẻ tiếp: Sau khi triển khai thành công dự án 1,2 tỷ USD, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn – Nghệ An; với vai trò là Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á- BAC A BANK, nhà Sáng lập của Tập đoàn TH, bà đóng vai trò là nhà tư vấn cho các thế hệ doanh nghiệp phát triển theo chiều hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức trên nền tảng phát triển bền vững, lấy "Mẹ Thiên nhiên" làm nền tảng, con người làm trọng tâm và chiến lược phát triển bền vững.

"Trong bối cảnh những năm trở lại đây, khi ta không còn phải lo bữa ăn, thì phải tính tới phát triển bền vững. Tôi thấy thế này: Để có một dự án thành công, mang tầm ảnh hưởng đối với đất nước nói chung, với tỉnh Đắk Nông nói riêng; cần phải có 3 nhóm yếu tố: Thứ nhất, năng lực tài chính, năng lực quản trị của nhà đầu tư; Thứ hai, thực chất nguồn lực ngành nghề đó ở địa phương ở cấp độ nào, phát triển phải đi trên lợi thế của vùng đó, đất đai thổ nhưỡng tại địa phương đó; Thứ ba, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Nếu đủ 3 yếu tố đó, chắc chắn dự án sẽ thành công. Trong quá trình tìm hiểu, làm việc tại vùng Tây Nguyên, đặc biệt tại Đắk Nông, tôi nhận thấy, nơi đây đã hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố đó"- Anh hùng Lao động Thái Hương chia sẻ.

Clip: Bài phát biểu đầy tâm huyết về Tây Nguyên của Anh hùng Lao động Thái Hương được đông đảo đại biểu lắng nghe, hoan nghênh.

Đầu tư 3,6 tỷ USD vào 3 lĩnh vực trọng điểm

Bên cạnh việc phân tích 3 yếu tố chính, bà Thái Hương cũng cho rằng, Đăk Nông đã thực sự đủ nguồn lực để phát triển với 3 mũi nhọn đã được đề ra tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XII tỉnh Đắk Nông (nhiệm kỳ 2020- 2025), đó là:

Thứ nhất, về công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến khoáng sản và chế biến nông lâm sản, nông nghiệp đi theo hướng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Năm 2010, chúng tôi đã về Gia Lai, thăm dò xong chúng tôi chưa triển khai, vì khi đó công nghệ xử lý bùn đỏ chưa có nên tôi sợ ảnh hưởng tới môi trường. Sau đó năm 2011, tới Đắk Nông cũng vậy, nên tôi nghĩ tới làm nông nghiệp công nghệ cao với các trang trại chăn nuôi. Đến bây giờ, tôi nghĩ vẫn nền tảng là trang trại thôi, nhưng bởi vì Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng bauxite để sản xuất alumin và nhôm, trải dài khắp Việt Nam, trong đó riêng Đắk Nông đã chiếm 30% trữ lượng của Việt Nam với vỉa dày, chất lượng mỏ tốt, mà giờ công nghệ thế giới đã có rồi, ta thừa hưởng công nghệ tiên tiến nhất và đưa ngành khai khoáng này đi theo kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững. Muốn vậy quy hoạch ngay từ khi lập đề án khai khoáng: vùng này sau khi đào lên, khai thác khoáng sản rồi thì sẽ làm gì: để phát triển trồng trọt, hay du lịch, phát triển đô thị, … để đảm bảo phù hợp, không phá vỡ quy hoạch phát triển của tỉnh.

Thứ hai, về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dưỡng lão. Đắk Nông có cảnh quan rất đẹp. Trên nền tảng trang trại thì chúng tôi sẽ du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch trang trại.

Thứ ba, về ngành nông nghiệp. Tôi xin nói trong phạm vi rất ngắn gọn như thế thôi. Đất ở đây rất tốt, tốt vô cùng, nước lại nhiều nữa, nên đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, làm kinh tế dưới tán rừng. Phát triển thứ nhất là cây ăn quả giá trị cao như bơ, sầu riêng; và cây lấy tinh dầu có giá trị cao; sau đó trồng đa tầng, lấy các cây ngắn ngày để nuôi dài ngày, và phải có vùng logistic để chế biến sâu và phát triển.

"Như vậy Đăk Nông đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế tôi tư vấn cho một số doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn TH, tổng vốn đầu tư lên đến 3,6 tỷ USD, gồm: Nông, lâm nghiệp và thảo dược; Thương mại, dịch vụ, du lịch; Công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông để triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực tỉnh có lợi thế"- nữ Anh hùng Lao động cam kết.

Tham vọng “đánh thức” Tây Nguyên với tổ hợp dự án 3,6 tỷ USD của Anh hùng Lao động Thái Hương- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024. Tại đây, Tập đoàn TH đã cam kết đầu tư nhiều dự án vào địa bàn tỉnh với tổng vốn lên tới 3,6 tỷ USD.

Lấy doanh nghiệp làm nền tảng, để nông dân đi cùng doanh nghiệp

Từ những trình bày trên, bà Thái Hương đã đưa ra những đề xuất cụ thể để thúc đẩy, triển khai các dự án. Theo đó, thứ nhất, nông nghiệp của Đắk Nông rất có tiềm năng nhưng chưa sử dụng hiệu quả. "Tôi đề xuất lấy đất nông lâm trường, soát xét lại, để nếu đất không hiệu quả thì chuyển về cho các doanh nghiệp có dự án lớn, có hiệu quả để doanh nghiệp làm. Đặc điểm chung của Tây Nguyên là đất rất nhiều, rất tốt, nhưng đã bị lấn chiếm nhiều rồi, hãy tiến hành thực địa lại, rà soát lại nguồn đất này để từ đó có hướng giải quyết"- bà Thái Hương nêu đề xuất.

Thứ hai, theo bà Thái Hương, phải có chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên, về nông nghiệp, và chủ yếu là giống và phân. Nghĩ về nông dân nhưng phải nghĩ cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm nền tảng, đầu mối để đưa nông dân đi cùng, như tập đoàn TH đã đưa nông dân Nghĩa Đàn, Nghệ An đi cùng trong suốt quá trình phát triển.

Họ sẽ là một mắt xích trong chuỗi sản xuất. Chính phủ cần hỗ trợ, có bù về giá cho người nông dân về phân, giống, còn KHKT, đã có doanh nghiệp "đi chợ" cho họ. Vậy doanh nghiệp cần được hỗ trợ gì? Doanh nghiệp cần được hỗ trợ gói lãi suất do ngân sách nhà nước hỗ trợ (thông qua Bộ Tài chính), từ đó để ngân hàng giải ngân. Thực tế, doanh nghiệp rất cần gói hỗ trợ lãi suất như vậy đào tạo nguồn nhân lực.

"Tôi đã lập đề án gửi lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các anh hãy xem đề án đó về vùng Tây Nguyên, chỉ cần vài Tập đoàn đầu tư vào đây là vùng Tây Nguyên, phên dậu của Tổ quốc sẽ phát huy được thế mạnh. Những doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững này, nên có sự khích lệ họ"- bà Thái Hương chia sẻ.

Tham vọng “đánh thức” Tây Nguyên với tổ hợp dự án 3,6 tỷ USD của Anh hùng Lao động Thái Hương- Ảnh 3.

UBND tỉnh Đắk Nông đã trao chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn TH và các doanh nghiệp khác vào địa bàn tỉnh.

Cũng theo bà Thái Hương: "Hôm nay nhìn nhận từ thực tiễn, đất của Tây Nguyên đang bị chiếm dụng nhiều, và rất khó để lấy vào cho các doanh nghiệp. Bởi thế, mình phải có cách để hứa với người đang sử dụng đất ấy, một là họ vào cuộc, đi cùng với doanh nghiệp; hai là họ chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp – có cách để thu hồi, ba là doanh nghiệp phải đi cùng họ, đưa họ trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất. Đó là những điều hôm nay tôi rất muốn nói rất sâu về Tây Nguyên".

"Với những dự án tôi đang tư vấn, tôi cam kết sẽ hoàn thành nếu như được sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, mà ở đây chính quyền đã đủ điều kiện và cũng đã thực sự vào cuộc rồi, thể hiện là hôm nay công bố quy hoạch – thể hiện tính nghiêm túc, mạnh mẽ, khoa học, nhất quán của chính quyền địa phương, cũng như đó là sự nhìn nhận của chính phủ về Tây Nguyên và đặc biệt cho Đắk Nông".

(Anh hùng Lao động Thái Hương- Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem