Một xã ở tỉnh Lâm Đồng, nông dân trồng 10 cây sầu riêng cho thu tiền bằng 1ha điều, ai cũng mê

Chủ nhật, ngày 01/10/2023 05:30 AM (GMT+7)
Xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) hôm nay hiện lên là một bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng, đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được người dân đẩy mạnh thực hiện, nhất là sự hiện diện của hàng trăm ha sầu riêng trên địa bàn.
Bình luận 0

Trồng 10 cây sầu riêng thu nhập bằng 1ha điều

Ghé thăm xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) những ngày này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê vốn gặp nhiều gian khó. Đồng Nai Thượng hôm nay hiện lên là một bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng, đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được người dân đẩy mạnh thực hiện, nhất là sự hiện diện của hàng trăm ha sầu riêng trên địa bàn. 

Phát triển sầu riêng nơi xã vùng sâu Đồng Nai Thượng - Ảnh 1.

Nhờ trồng sầu riêng, anh K’ Thành ở thôn Bù Sa đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Theo chân Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, chúng tôi rảo bước quanh các thôn Bù Gia Rá, Bù Sa, nơi đây đã và đang hình thành nên những vùng sản xuất, chuyên canh sầu riêng lớn trên địa bàn. 

Chị Điểu Thị Trang, thôn Bù Gia Rá hiện có hơn 3 ha đất sản xuất, trước đây đa phần được chị trồng điều vì là loại cây trồng truyền thống đã gắn bó lâu nay với người dân xã Đồng Nai Thượng. 

Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác hạn chế, cộng thêm thời tiết những năm qua không thuận lợi khiến vườn điều cho năng suất rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. 

Nhận thấy sầu riêng đang có giá, năm 2020, gia đình chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thực hiện chuyển đổi vườn điều, đào thêm hồ để chứa nước tưới, đưa vào trồng thử nghiệm cây sầu riêng với số lượng ban đầu 100 gốc. Kể từ đó, hàng năm, gia đình chị từng bước mở rộng, liên tục trồng thêm. Đến nay, gia đình chị Trang đã có hơn 300 gốc sầu riêng trên diện tích rộng gần 2 ha.

Chị Trang cho hay, chỉ với 10 cây sầu riêng được Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình 135 khoảng 8 năm trước, năm nay, gia đình chị đã có thu nhập hơn 30 triệu đồng. Tính ra, 10 cây sầu riêng đã cho thu nhập bằng 1 ha điều. Đây là nguồn thu nhập giúp gia đình chị tiếp tục đầu tư vào cây sầu riêng; đồng thời, cũng là nguồn khích lệ để gia đình thêm vững tin trong việc thực hiện chuyển đổi sang loại cây trồng mới này.

Trong khi đó, nhờ thực hiện chuyển đổi sang trồng sầu riêng, gia đình anh K’Thành ở thôn Bù Sa cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều làm anh K’ Thành nuối tiếc là vào năm 2016, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 30 cây giống sầu riêng. 

Tại thời điểm này, anh cũng như nhiều hộ dân khác trong xã chưa nhận ra được giá trị của loại cây này nên việc trồng và chăm sóc rất sơ sài. Chính vì vậy, anh chỉ giữ lại 15 cây giống để trồng, số còn lại anh đem cho; đồng thời, trong số 15 cây anh trồng thì đã có 7 cây bị chết. 

Kể từ năm 2021 đến nay, 8 cây sầu riêng đó cho thu nhập rất cao từ 20 - 40 triệu đồng/năm. Đây chính là động lực để anh cùng những hộ khác quyết tâm đưa cây sầu riêng vào canh tác, với mong muốn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Hiện tại, gia đình anh K’Thành đang canh tác hơn 160 cây sầu riêng; trong đó, có 70 cây đang bước vào giai đoạn cho kinh doanh với doanh thu đạt gần 200 triệu đồng. Trung bình, mỗi cây sầu riêng cho thu nhập gần 3 triệu đồng. Còn sang năm 2024, anh K’ Thành kỳ vọng doanh thu sẽ đạt trên 400 triệu đồng.

Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết, trước đây chưa có cây sầu riêng, đời sống bà con xã Đồng Nai Thượng rất khó khăn, người dân ở đây chủ yếu trồng cây điều, cà phê và tiêu nhưng thu nhập không cao. 

Cây sầu riêng có mặt ở xã Đồng Nai Thượng từ hàng chục năm trước, do một dự án của huyện hỗ trợ. Nhưng giai đoạn này, người dân còn hời hợt với cây sầu riêng. Ban đầu, đa số giống sầu riêng được ưu tiên hỗ trợ trồng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng bà con trồng không hiệu quả do chưa nắm bắt được kỹ thuật.

Đến những năm 2015, một số hộ dân từ các xã Tiên Hoàng, Gia Viễn trong huyện Cát Tiên bắt đầu lên đây để trồng sầu riêng và thu về lợi nhuận cao, lúc này bà con trong xã mới nhận thấy được hiệu quả của cây trồng này và bắt đầu trồng đại trà. 

So với các loại cây khác, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nên bà con chuyển đổi dần từ cây điều, cà phê sang sầu riêng theo hình thức xen canh, khi cây sầu riêng lớn mới tiến hành chặt, tỉa cây cà phê. Nhờ đó, bà con vẫn có thu nhập để lấy ngắn nuôi dài, đầu tư cho cây sầu riêng.

Đến nay, trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng, hầu như hộ gia đình nào cũng có trồng sầu riêng, ít nhất từ vài chục cây. 

Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã đã có gần 440 ha sầu riêng; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch lên đến gần 100 ha. 

Nhờ cây sầu riêng, nhiều bà con trong xã đã vươn lên khá giả, những hộ thu nhập tiền tỷ từ cây sầu riêng trên địa bàn xã đang tăng nhanh.

Theo ông Lê Quang Chường, sự hiện diện của hàng trăm ha sầu riêng trên địa bàn không chỉ giúp những hộ dân có đất trồng sầu riêng vươn lên thành tỷ phú; đồng thời, cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. 

Để nâng cao chất lượng sầu riêng, hướng tới xuất khẩu, xã Đồng Nai Thượng cũng đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả. 

Mặt khác, địa phương cũng đã quy hoạch, làm các hồ sơ để được chứng nhận cấp mã số vùng trồng; chú trọng công tác khuyến nông cho người dân.

Hoàng Sa (baolamdong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem