dd/mm/yyyy

Nhu cầu cao su của Trung Quốc đang chậm lại

Nhu cầu cao su của Trung Quốc đang chậm lại do doanh số bán ô tô có dấu hiệu chững lại. Mới đây, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo, nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc trong năm 2024 ở mức 7,35 triệu tấn, giảm so với mức đưa ra dự báo trước đó là 7,5 triệu tấn.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,87 triệu tấn cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005), với trị giá 2,91 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nga và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc; trừ Thái Lan và Việt Nam, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 405,4 nghìn tấn, trị giá 563,91 triệu USD, giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 21,64% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với mức 19,8% của 3 tháng đầu năm 2023.

Nhu cầu cao su của Trung Quốc đang chậm lại- Ảnh 1.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Về chủng loại nhập khẩu: Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, lượng nhập khẩu các chủng loại này đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cao su tự nhiên chiếm 28,18% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc; Cao su tổng hợp chiếm 68,28%; Phần còn lại là cao su tái sinh và cao su hỗn hợp.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 527,89 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), với trị giá 752,63 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Trừ Việt Nam, nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Trung Quốc với 69,55 nghìn tấn, trị giá 82,64 triệu USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 59,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 13,18% trong tổng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 7,35% của 3 tháng đầu năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào với trên 1 nghìn tấn, trị giá 1,4 triệu USD, tăng tới 1.843% về lượng và tăng 3.739% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ một số thị trường lớn như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Philippines, Xri Lan-ca…

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 868,63 nghìn tấn hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), với trị giá 1,27 tỷ USD, giảm 17,5% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Lào là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. Trừ Việt Nam và Thái Lan, nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ 3 thị trường còn lại đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc với 332,63 nghìn tấn, trị giá 478,04 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 38,29% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, cao hơn so với mức 35,01% của 3 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từcác thị trường như: Malaysia, Myanmar, Lào, Philippines…; trong khi giảm nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia.

Nhu cầu cao su của Trung Quốc đang chậm lại- Ảnh 2.

Được biết, giá cao su trên thị trường hôm nay (17/5) tiếp đà tăng. Theo đó, giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản đã tăng phiên thứ 5 do lo ngại thời tiết xấu tại Thái Lan và được hỗ trợ bởi giá dầu hồi phục.

Được biết, giá cao su trên thị trường hôm nay (17/5) tiếp đà tăng. Theo đó, giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản đã tăng phiên thứ 5 do lo ngại thời tiết xấu tại Thái Lan và được hỗ trợ bởi giá dầu hồi phục.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa hôm nay tăng 5,3 JPY, tương đương 1,64% chốt ở 327,8 JPY (2,1 USD)/kg. Tính chung cả tuần đến thời điểm hiện tại, hợp đồng này đã tăng hơn 7%.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 150 CNY, tương đương 1,03% chốt ở 14.720 CNY (2.037,17 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 169 US cent/kg, giảm 0,2%.

Đồng Yên giảm 0,27% so với đồng USD. Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên phải chăng hơn với các khách hàng nước ngoài.

Giá cao su tấm hun khói RSS3 xuất khẩu tiêu chuẩn của Thái Lan RUB-RSS3C-BKK đạt mức cao gần một tháng ở 86,29 baht (2,38 USD)/kg.

Cơ quan khí tượng của nước sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan cảnh báo điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn cùng lũ quét ở thượng nguồn nước này có khả năng gây thiệt hại mùa màng.

Giá dầu thô tăng sau khi dữ liệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ ổn định, thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa thu, điều này sẽ kích thích nền kinh tế và thúc đẩy nhu cầu dầu. Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Tự nhiên (ANRPC) cho biết, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3 đạt 751 nghìn tấn tăng 3,4% so với tháng 3/2023. Trong khi tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,29 triệu tấn tăng 2,9% so với tháng 3/2023.

Trong quý I, sản lượng cao su từ hai quốc gia sản xuất chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% tổng lượng cao su toàn cầu) giảm do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân.

ANRPC dự báo, năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng của Việt Nam dự kiến tăng 2,9%.

Về tiêu thụ, ANRPC dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,7 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Trong đó, Malaysia trở thành điểm sáng về tiêu thu cao su tự nhiên, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên của Malaysia sẽ tăng trưởng 45,4% so với năm 2023. Tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến chỉ tăng 5,5%; Việt Nam tăng 6%.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong quý I/2024; Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2023.



P.V