Nhà đầu tư Nhật Bản không ngừng "rót" tiền vào Việt Nam, loạt thương vụ "khủng"

Tường Thụy Thứ bảy, ngày 21/10/2023 16:08 PM (GMT+7)
Các ngân hàng và tổ chức tài chính Nhật Bản không ngừng rót vốn vào Việt Nam trong chiến lược mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á, thông qua mua vốn cổ phần doanh nghiệp (M&A) và cung cấp các khoản vay.
Bình luận 0

MUFG Bank, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, đang trong quá trình trở thành chủ sở hữu mới của Công ty tài chính SHB Finance. Thương vụ mua lại SHB Finance được thực hiện thông qua Ngân hàng Krungsri của Thái Lan, thành viên của MUFG Bank.

Hiện SHB đang chuyển nhượng 50% vốn cổ phần còn lại của SHB Finance cho bên mua. Phần 50% đầu tiên đã được ký kết từ 2021 và thanh toán xong cuối tháng 5/2023.

Theo thỏa thuận M&A này, bên mua và bên bán không công bố giá trị của thương vụ. Tờ Nikkei Asia trích lời đại diện của Krungsri Thái Lan, cho biết giá mua trọn SHB Finance là 5,1 tỷ baht (tương đương 155,77 triệu USD - khoảng 3.600 tỷ đồng).

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) từ 20/10/2023 cũng đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bằng việc hoàn tất mua lại 15% vốn cổ phần của VPBank với giá 1,5 tỷ USD (tương đương 35.900 tỷ đồng).

Vốn tài chính Nhật Bản không ngừng tuôn chảy vào Việt Nam - Ảnh 1.

VPBank tổ chức việc hoàn tất chuyển nhượng 15% vốn cổ phần cho SMBC ngày 20/10/2023. Ảnh: VPBank.

Số tiền 1,5 tỷ USD trên xác lập thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng Việt Nam với bên mua là tổ chức nước ngoài. Trước đó, SMBC hoàn tất việc mua lại 49% công ty tài chính FE Credit của VPBank, với giá được tờ Nikkei Asia tiết lộ là gần 1,4 tỷ USD.

Tính cả 2 thương vụ trên, ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản đã rót gần 3 tỷ USD vào VPBank.

Cùng ngày 20/10, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) thông báo đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài Chính TNHH Bưu Điện PTF (tức 100% vốn điều lệ PTF) cho công ty tài chính Aeon Financial Service của Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá 4.300 tỷ đồng.

Tháng 7/2023, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) của Chính phủ Nhật và Ngân hàng Mizuho cũng của Nhật, công bố khoản vay tổng cộng 41 triệu USD cho Aeon Việt Nam, để hỗ trợ phát triển mạng lưới phân phối nguyên liệu thực phẩm và thực phẩm chế biến của Nhật Bản tại Việt Nam, thông qua các siêu thị của Aeon.

Trong đó, phần của JBIC là 24 triệu USD và 17 triệu USD đến từ Mizuho. JBIC và Mizuho không công bố lãi vay, nhưng lãi tại JBIC luôn thấp hơn các ngân hàng thương mại của Nhật, vì chức năng của JBIC là hỗ trợ phát triển hợp tác quốc tế của chính phủ.

Vốn tài chính Nhật Bản không ngừng tuôn chảy vào Việt Nam - Ảnh 2.

Vốn Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ lĩnh vực năng lượng tái tạo bao gồm điện gió ở Việt Nam.

Cuối tháng 3/2023, JBIC ký hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD với Vietcombank để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, theo chính sách trung hòa carbon (Net-zero) trước năm 2050.

Mizuho cũng đóng góp vào gói tài chính này bên cạnh 2 ngân hàng Nhật khác, là Joyo Bank và Shiga Bank. Trong tổng số vốn 300 triệu USD nói trên, chỉ JBIC công bố con số của mình là 165 triệu USD; ba ngân hàng kia không cho biết chi tiết.

Mizuho cũng có mặt trong một số thương vụ đầu tư khác tại Việt Nam. Đơn cử, ví điện tử Momo nhận gói đầu tư khoảng 200 triệu USD vào cuối năm 2021 từ nhóm những nhà đầu tư như Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Trong vòng gọi vốn Series E này, Mizuho đóng vai trò dẫn dắt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem