Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách được xếp ưu tiên cao nhất: Giáo viên lo lắng “tăng hay giảm?”

Anh Tuấn Thứ sáu, ngày 03/05/2024 18:31 PM (GMT+7)
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách vẫn là vấn đề được giáo viên quan tâm. Những ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi, liệu sau khi cải cách tiền lương và lương nhà giáo được xếp ưu tiên cao nhất thì lương giáo viên sẽ tăng hay giảm?
Bình luận 0

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: "Mong không chỉ dừng lại là tuyên ngôn"

Nghị quyết 27/NQ-TW khẳng định mức lương mới của cán bộ, công chức sẽ không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Cụ thể, lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 bao gồm 70% là lương cơ bản và 30% là phụ cấp. Ngoài ra còn có thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.

Nói về lương giáo viên từ ngày 1/7/2024, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, đặc biệt quán triệt Nghị quyết 29 của T.Ư. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, giáo viên vẫn băn khoăn với mức lương sau cải cách, liệu tăng hay giảm.

Chia sẻ với Dân Việt, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Ngữ văn tại trường THCS ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cho biết, cô có hơn 20 năm gắn bó với nghề và hiện tại, mức lương của cô là gần 11 triệu đồng/tháng. Là giáo viên lâu năm, cô Thu băn khoăn lương của mình sau cải cách từ ngày 1/7/2024 sẽ tăng hay giảm khi khoản phụ cấp thâm niên bị cắt bỏ.

"Hàng tháng tôi nhận được khoảng 1,6 tiền phụ cấp thâm niên, nếu như cắt bỏ khoản này, tôi không biết thu nhập của mình theo cách tính mới như thế nào", cô Thu chia sẻ.

Cô Thu cho rằng, phụ cấp thâm niên ngoài là sự ghi nhận cống hiến với nghề, còn là một khoản nhỏ giúp giáo viên chi trả những khoản cần thiết trong thời buổi giá cả leo thang.

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách được xếp ưu tiên cao nhất: Giáo viên lo lắng “tăng hay giảm?”- Ảnh 1.

Giáo viên vẫn băn khoăn với mức lương sau cải cách. Ảnh minh họa cô trò Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội): http://tieuhocanhoa.edu.vn

Hy vọng và hào hứng chờ đợi, nhưng cô M.P, giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Đức Thuận (Nam Định) có hơn 10 năm công tác trong nghề vẫn mong "lương nhà giáo được xếp ưu tiên cao nhất" không còn là tuyên ngôn.

"Nhà giáo chúng tôi đều mong muốn lương sẽ tăng, có thể không cao như kỳ vọng nhưng có sự thay đổi đáng kể, đồng thời hưởng thêm nhiều chế độ đãi ngộ tương xứng", cô P nói.

Nữ giáo viên cho biết, nhiều năm qua, vấn đề về lương giáo viên luôn được ngành GDĐT nhắc đến trong các cuộc họp quan trọng của Quốc hội và Nhà nước. Thậm chí việc lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, tuy nhiên, không biết vì lý do gì vẫn không thực hiện được.

"Chúng tôi vẫn hy vọng, mong là Nhà nước sẽ quan tâm tới những người làm nghề đặc biệt như nhà giáo để chúng tôi không phải bận tâm về thu nhập, sống được bằng lương và chuyên tâm cho chuyên môn hơn", cô P nói thêm.

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Vẫn cần chờ văn bản chính thức

Tại buổi đối thoại "Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội” mới đây, trả lời câu hỏi của giáo viên mầm non về bảng lương mới từ tháng 7/2024 sau cải cách, bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP.Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết 27, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Việc người lao động đang hưởng bằng hệ số tiền lương nhân với mức lương cơ bản thì sắp tới sẽ không quy đổi theo hệ số mà quy định bằng một mức tiền nhất định.

Bà Huyền nhấn mạnh, Nghị quyết 27 cũng nêu rõ, đối với giáo viên có khung lương được ưu đãi hơn, có mức phụ cấp nhất định, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì phải chờ văn bản chính thức quy định.

Bà Huyền cho biết thêm, trước kia chúng ta có tối thiểu 3 lần thực hiện cải cách tiền lương. Theo nguyên tắc xếp lương, nếu cô giáo mầm non vừa mới được tuyển dụng được xếp lương bậc 1 nhân với hệ số lương cơ bản và cộng với phụ cấp. Lúc đó bảng lương sẽ ở mức thấp nhất ở mức tiền lương mới. Tương tự với các bậc tiếp theo sẽ bằng bậc lương nhân với hệ số lương cơ bản cộng phụ cấp kèm theo. Như vậy cô giáo có thâm niên lâu năm hơn có hệ số lương cao hơn thì sẽ có mức lương cao hơn.

Còn hiện nay, theo nội dung Dự thảo về tiền lương thay đổi từ 1/7/2024, vẫn dựa trên nguyên tắc đó. Vì vậy, những cô giáo mới tuyển dụng sẽ được nhận tiền lương thấp hơn các cô giáo có mức thâm niên trong nghề.

Trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT nêu, các chính sách chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong Luật Giáo dục (2019) chỉ mang tính "tuyên ngôn" mà chưa thể áp dụng trực tiếp trong thực tiễn do thiếu các cơ chế hữu hiệu để Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các bộ chủ quản và UBND các địa phương triển khai thống nhất các quy định này.

Bộ GDĐT cho biết vẫn tiếp tục phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết 27.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem