Linh Phú xa ngái mà đắm say

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 01/05/2024 07:43 AM (GMT+7)
Xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa), là xã vùng sâu vùng xa nhất tỉnh Tuyên Quang, ở đó có những người Pà Thẻn nhiều đời nay gắn bó với mảnh đất yên bình này. Họ có lễ hội riêng, trang phục riêng, phong tục tiếng nói riêng và tạo nên một sự kỳ bí, đặc sắc trong cộng đồng dân cư ở đây.
Bình luận 0

Kỳ bí lễ hội nhảy lửa

Đã nhiều lần Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú - anh Mai Đình Thư (43 tuổi) gọi điện và nhắn tôi: "Anh lên thăm Linh Phú đi, ở đây tuy là vùng sâu vùng xa nhưng có nhiều điều hay lắm". Giữ đúng lời hẹn, tôi vượt hơn 200km đường núi để lên xã "đệ nhất xa ngái" của huyện Chiêm Hóa.

Gặp tôi ở cầu Kim Bình, mở đầu câu chuyện, anh Thư chia sẻ: Do mới được tổ chức phân công vào Linh Phú nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã, xã cách nhà ở Kim Bình đúng 18km, nên trong thời gian đảm nhận nhiệm vụ, anh cũng muốn làm hết sức mình để Linh Phú phát triển được cả kinh tế lẫn xã hội. Và muốn mọi người biết nhiều hơn nữa tới vùng đất Linh Phú mà Bác Hồ đã có lần dừng chân.

Theo lời anh Thư, việc đầu tiên là xã cho khôi phục lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn, vì trong xã có thôn Khuổi Hóp có 45 hộ dân và 179 nhân khẩu là đồng bào Pà Thẻn mà đời sống của họ có rất nhiều nét văn hóa kỳ bí rất khó lý giải. Xã đã cử 10 người đi học nhảy lửa và một người đi học làm thầy để thực hiện nghi lễ nhảy lửa - đó là ông Phù Văn Thành, sinh năm 1962. Đến nay mới chỉ có 6 người học được thành "con nhảy" và ông Thành cũng đã học làm phép để thực hiện được nghi lễ nhảy lửa.

Linh Phú xa ngái mà đắm say- Ảnh 1.

Người dân Pà Thẻn ở xã Linh Phú trong lễ hội nhảy lửa. Ảnh: G.T

Năm 2023, xã Linh Phú lần đầu khôi phục lại lễ hội nhảy lửa và lễ hội diễn ra an toàn, không ai bị bỏng hay tai nạn gì. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người đến xem và cổ vũ, tạo ra sự phấn khởi rất lớn trong nhân dân.

Theo như lời Bí thư Đảng ủy xã, người Pà Thẻn định kỳ tổ chức lễ hội nhảy lửa với ý nghĩa thiêng liêng, độc đáo và huyền bí. Thời gian tổ chức sẽ vào ngày 16/10 âm lịch, xuyên suốt đến 15/1 âm lịch năm sau. Người Pà Thẻn luôn có niềm tin rằng trong cuộc sống của họ sẽ có các vị thần che chở, bảo vệ để họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn. Trong đó, vị thần tối cao nhất được tôn thờ là thần lửa, chính vì vậy người Pà Thẻn mới tổ chức lễ hội nhảy lửa để tất cả người dân thể hiện lòng thành kính với thần.

Thông thường ở một lễ hội nhảy lửa, đầu tiên thầy cúng sẽ thực hiện làm lễ xin thổ công, thổ địa để được cho phép tổ chức nhảy lửa. Sau đó một đống lửa to sẽ được đốt lên, cho đến khi phần than đã cháy rực hồng thì thầy cúng sẽ điều khiển các thành viên - gọi là "con nhảy" lần lượt ngồi trước mặt mình để tiếp nhận sức mạnh và lần lượt nhảy vào đống than lửa làm bắn tung tóe. Tiếng hò reo cổ vũ của cả người dân địa phương và khách du lịch sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia…

Ngoài ra trong lễ nhảy lửa, người Pà Thẻn còn làm phép kéo chày. Đây cũng là một trong các nghi thức thể hiện sự gắn kết cộng đồng, là dịp để người dân trong bản cùng nhau vui đùa, ăn mừng sau mùa vụ bội thu; đồng thời cũng gửi gắm cầu mong sẽ được thần linh ban phước để dân làng ấm no, mưa thuận gió hòa, gia đình êm ấm...

Trước khi khai hội, thầy cúng sẽ cầm một chiếc chày làm bằng gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10cm, dài từ 2,5 - 3m, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú. Sau đó thầy cúng sẽ chọn ra hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng khỏe mạnh để ôm chặt chày ở tư thế đứng đối mặt vào nhau. Hai người tiếp tục xoay chày, người thầy cúng sẽ đọc thần chú, rồi như có phép thuật xảy ra thì chiếc chày sẽ tự xoay và nâng lên, rời khỏi mặt đất. 

Cho dù hai thanh niên có ra sức kéo chày trở lại mặt đất thì cũng không thể kéo được. Lúc này, hàng chục thanh niên người Pà Thẻn sẽ ùa vào cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không thể nào kéo nổi. Chỉ khi nào có một người bịt tay vào đầu trên hoặc đầu dưới của chiếc chày thì mới có thể kéo nó xuống chạm đất, cũng là lúc đánh dấu kết thúc lễ hội.

Hội nhập và tìm hướng làm ăn

Linh Phú xa ngái mà đắm say- Ảnh 2.

Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú Mai Đình Thư và trưởng thôn Khuổi Hóp Lương Văn Nghĩa trao đổi về chăm sóc chè. Ảnh: G.T

Tuy là một xã vùng sâu vùng xa, nhưng Linh Phú lại có thiên nhiên, phong cảnh nguyên sơ và tươi đẹp. Người Pà Thẻn cũng đã biết tận dụng ưu thế đó của quê hương mình để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế.

Homestay Pà Thẻn do vợ chồng anh Triệu Văn Thiệu và Hà Thị Nhịp (đều 43 tuổi) làm chủ tại bản Khuổi Hóp, mới hoạt động được 1 năm nay. Chị Nhịp chia sẻ: "Mình làm homestay này được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, cộng với vốn liếng mà vợ chồng tích góp. Trước kia nhà mình chỉ làm nông nghiệp thôi, giờ thì nhà mình chuyển sang phục vụ đón khách. Mỗi khách nghỉ qua đêm tại nhà, mình chỉ thu 70.000 đồng. 

Đón khách thế này, mình vui lắm, vì có dịp giới thiệu được cho khách về văn hóa của người Pà Thẻn mình: Từ những trang phục, quần áo, đến phong tục cưới xin, ma chay, rồi những món ăn như gà nướng ống tre, cá nướng hay rau rừng. Đặc biệt nữa là những đồ đan lát bằng tre của người Pà Thẻn mình, du khách tới nghỉ đều rất thích. Làm homestay như này, mình chỉ mong đường tới quê mình thuận tiện hơn nữa, để có nhiều khách tìm đến không vất vả. Có đường thuận tiện để bà con vừa được giao lưu với bạn bè khắp cả nước, cũng như có thêm thu nhập".

Trưởng thôn Khuổi Hóp - ông Lương Văn Nghĩa (54 tuổi, dân tộc Pà Thẻn), chia sẻ: "Người đồng bào mình cũng có những phong tục riêng và nếp xưa truyền lại. Ngoài tự hào về biết làm nhảy lửa thì chúng tôi ở đây còn có truyền thống canh tác cây chè. Hiện nay cộng đồng chúng tôi đang sở hữu một rừng chè cổ thụ được trồng cách đây hàng trăm năm trên những đỉnh núi quanh thôn, giống chè của chúng tôi không phải là chè xanh như ở vùng chè Thái Nguyên, mà là chè có nước màu đỏ. 

Điểm đặc biệt của giống chè này là uống vào không bị mất ngủ, mà lại rất tốt cho tiêu hóa cũng như có tác dụng tiêu mỡ cho người dùng thường xuyên. Với rừng chè được tổ tiên truyền lại, hiện nay chúng tôi có hẳn một quy chế để bảo vệ và hàng năm vẫn tổ chức con cháu đi chăm sóc, phát cỏ và phòng chống những bệnh cho chè, chủ yếu là tránh cho nhện đỏ tấn công".

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm vừa qua đã có người của 2 doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc lên thôn Khuổi Hóp để khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu chè cho bà con Pà Thẻn với giá thành hơn 200.000 đồng/kg. Điều đó khiến bà con phấn khởi và chuyên tâm hơn nữa vào công việc trồng, chăm sóc chè.

Ngoài làm trưởng thôn thì ông Nghĩa hiện nay còn là một thầy giáo chuyên dạy tiếng Pà Thẻn cho con em trong xã. Năm 2023 ông đã dạy tiếng cho 56 học sinh và sang năm 2024 này tổng số người theo học tiếng Pà Thẻn đã là 130 người. Ông Nghĩa chia sẻ: Mình dạy tiếng của dân tộc mình cho con em là hoàn toàn miễn phí, chỉ muốn thế hệ sau được gìn giữ được văn hóa của dân tộc mình thông qua tiếng nói mà thôi. Còn những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp như tổ chức ăn uống quá đà, hay làm ma chay rườm rà thì mình cũng vận động bà con đổi mới.

Trước khi chia tay, Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú Mai Đình Thư cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng lãnh đạo, chỉ dẫn bà con trong xã về đời sống và sản xuất thật tốt, để đưa được thật nhiều những dự án, chương trình làm giàu về cho bà con trong xã nhà. Làm sao phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây - một xã vùng xa vùng sâu có 4 dân tộc anh em là Mông, Tày, Dao và Pà Thẻn sinh sống, đoàn kết và đang cùng nhau xây dựng quê hương Linh Phú ngày thêm giàu đẹp".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem