Hành trình gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Cánh cửa mở ra cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam (Bài cuối)

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ tư, ngày 01/05/2024 06:31 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, việc gỡ được thẻ vàng IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của EC sẽ là bước khởi đầu để ngành thủy sản Việt Nam tái cấu trúc nghề khai thác thủy hải sản theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bình luận 0
Hành trình gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Cánh cửa mở ra cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam (Bài cuối)- Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, việc gỡ được thẻ vàng IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của EC sẽ là bước khởi đầu để ngành thủy sản Việt Nam tái cấu trúc nghề khai thác thủy hải sản theo hướng bền vững. Ảnh: Đ.H

Với quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024, vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Đến thời điểm này, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về các giải pháp ngành chức năng, các địa phương nỗ lực thực hiện nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của EC?

- Sau 7 năm Ủy ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng" cảnh báo với ngành thủy sản Việt Nam, các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.

Có thể khẳng định, trong 7 năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về khai thác thủy sản; giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành rất nhiều văn bản về chống khai thác IUU như Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; Chỉ thị số 45/CT-TTG ngày 13/12/2027 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU; Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 06/7/2018 của Chính phủ về việc gia nhập Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định,... 

Đặc biệt, với Chỉ thị mới đây của Ban Bí thư, chúng ta đã có chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chống khai thác IUU, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Đoàn thanh tra của EC cũng công nhận Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các khuyến cáo của họ trong suốt 7 năm qua. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện; các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có, theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ các địa phương thực thi, triển khai các nhiệm vụ ra sao để đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Cánh cửa mở ra cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam (Bài cuối)- Ảnh 2.

Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thực thi pháp luật thủy sản chống khai thác IUU năm 2024, định hướng nhiệm vụ giải pháp năm 2024. Ảnh: Cục Kiểm ngư.

Điều đoàn thanh tra của EC cũng đặt nhiều kỳ vọng chính là sự thực thi ở cấp độ địa phương. Trong thời gian qua, các bộ ngành Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã vào cuộc một cách mạnh mẽ để hy vọng tạo sự chuyển biến trong công tác chống khai thác IUU, chuẩn bị đón đoàn thanh tra của EC trong thời gian tới. Cũng phải nói thêm rằng, đợt kiểm tra này gần như là lần cuối cùng để chúng ta chứng minh với đoàn thanh tra của EC về những nỗ lực, cố gắng cũng như kết quả đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp: IUU là cánh cửa để chúng ta vượt qua nhưng đồng thời cũng sẽ mở ra cơ hội để phát triển ngành thủy sản bền vững. Hay nói cách khác, gỡ thẻ vàng IUU là việc chúng ta cần phải vượt qua lúc này để sản phẩm thủy sản thuận lợi hơn khi xuất khẩu sang EU nhưng quan trọng là sau đó, Việt Nam tái cấu trúc ngành ngư nghiệp, nghề cá nhân dân vốn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong nhiều năm qua.

Có thể thấy, ngay sau khi EC rút "thẻ vàng" IUU với thủy sản Việt Nam, chúng ta đã tích cực xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vừa đồng bộ vừa hiện đại theo đúng khuyến nghị của EC, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng ở góc độ các địa phương vẫn còn một số hạn chế. Vừa qua, Bộ trưởng cũng đã trực tiếp đi thị sát công tác chống khai thác IUU ở nhiều địa phương, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc thực hiện chống khai thác IUU từ cơ sở?

- Thực tế, tất cả những khuyến cáo của EC đã được quy định rất rõ trong Luật Thủy sản 2017 nhưng mức độ thực thi ở một số địa phương còn hạn chế, vẫn còn tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Do vậy, phía bạn khuyến nghị chúng ta có giải pháp mạnh để chấm dứt tình trạng này, có như vậy mới gỡ được thẻ vàng IUU. 

Những văn bản, nghị định, thông tư cuối cùng để chúng ta hoàn thiện thể chế cũng đã được ban hành, hướng đến xử lý những vấn đề vướng mắc như tắt thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác, vi phạm vùng biển nước ngoài... 

Qua khảo sát thực tế, tôi thấy ở nhiều địa phương đang gặp khó trong việc sắp xếp nguồn lực bộ máy, bởi qua quá trình sắp xếp, nhân lực của ngành thủy sản, của các cảng cá đang gặp khó khăn. Rất mừng là nhiều địa phương thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, tăng cường nhân lực cho các cảng cá để kiểm soát đoàn tàu ra khơi. 

Tuy vậy, với đội tàu lên tới gần 90.000 chiếc, di chuyển theo các mùa cá, tàu ở địa phương này có thể đến ngư trường ở các địa phương khác đánh bắt, việc quản lý ra vào bến, nhật ký khai thác có thể sẽ có nhiều bất cập nếu các địa phương không phối hợp hiệu quả, thông tin kịp thời với nhau, tránh tình trạng có những tàu bị mất kết nối khi ra khơi.

Nhiều ngư dân cũng đã tâm sự với tôi nguồn lợi thủy sản, trữ lượng cá ngày càng ít đi, đó là do trong thời gian dài chúng ta khai thác kiểu tận diệt, sử dụng thuốc nổ, mắt lưới nhỏ để khai thác. Nếu chúng ta không chấm dứt được kiểu khai thác này thì cái đó còn nguy hiểm hơn thẻ vàng IUU.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Cánh cửa mở ra cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam (Bài cuối)- Ảnh 3.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu kiểm tra tại Cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: VOV.

Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã đặt mục tiêu gỡ được thẻ vàng IUU trong năm 2024. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

- Như tôi đã nói, gỡ thẻ vàng IUU không phải chỉ để đáp ứng các yêu cầu của EC mà còn là giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thuy sản, môi trườig sinh thái, tài nguyên đất nước cho thế hệ mai sau. IUU là sự khởi đầu để Việt Nam tiến tới phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

Do vậy, mỗi địa phương, ngư dân thực thi các khuyến nghị của EC không chỉ vì mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU mà còn vì thế hệ mai sau, đó mới là cái đích chúng ta cần hướng tới, bởi nếu không nghĩ tới đường dài thì chính chúng ta làm cho nguồn lợi thủy sản nghèo nàn đi. Sức khỏe của biển, môi trường biển nuôi dưỡng những loài thủy sản yếu đi. Quyết sách lâu dài cuả Chính phủ là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí  thư, trong đó nhấn mạnh các giải pháp để thực hiện tốt nhất 3 vấn đề trong khuyến cáo của EC, đó là: tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình, tàu không đăng ký. Đây chính là 3 điểm nghẽn khiến việc gỡ thẻ vàng IUU còn khó khăn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành chức năng, các địa phương cho bà con ngư dân đăng ký lại đội tàu, xem số lượng bao nhiêu, hay đánh bắt ở vùng biển nào để có cơ sở cấu trúc lại ngành khai thác thủy sản, tránh sự mất cân đối giữa vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. 

Đối với các tàu cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình, vi phạm vùng biển nước ngoài, thời quan qua, nhiều ý kiến cho rằng chưa có đủ chế tài xử lý dẫn đến vi phạm kéo dài, về vấn đề này, Bộ NNPTNT vừa ban hành một loạt Nghị định, thông tư quy định chi tiết mức xử phạt. Theo đó, quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500-700 triệu đồng để tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh quy định này.

Vừa qua, tỉnh Kiên Giang cũng đã xử lý hình sự một vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Như vậy, có thể khẳng định, chúng ta có đủ các cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm, vấn đề là các địa phương quyết tâm đến đâu. 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem