Đường đi của những núi đất nhân tạo "mọc" trái phép ở ngoại thành Hà Nội

Nhóm Phóng viên Thứ năm, ngày 21/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
Đất sau khi được tập kết trái phép ở ngoại thành Hà Nội sẽ được chở đến bán cho các đơn vị thi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai và một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bình luận 0

Đất tại bãi tập kết trái phép chở đến thi công Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6

Chiều 8/12, nhóm phóng viên ghi nhận hàng chục xe tải trọng lớn di chuyển vào núi đất được tập kết trái phép tại dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) để lấy đất. Hai chiếc máy xúc hoạt động hết công suất để xúc đất lên xe.

Chúng tôi đã theo chân những chiếc xe này di chuyển ra đường gom Đại lộ Thăng Long hướng trung tâm Hà Nội, sau đó rẽ vào thị trấn Quốc Oai di chuyển ra hướng thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Những chiếc xe này có thời điểm đi vào đường có biển cấm xe tải và xe trên 16 chỗ ngồi.

Đường đi của những núi đất nhân tạo "mọc" trái phép ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 1.

Ô tô tải chở đất từ núi đất tập kết trái phép trên đất dự án thuộc địa phận xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội đi tiêu thụ. Ảnh: Văn Hoàng

Khoảng 30 phút di chuyển, các xe mang biển kiểm soát 29H-798.34; 29H-799.24; 29H-214.36; 29H-799.60, 29H-353.42; 29H-508.79… chở đất đến đổ tại Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (phân đoạn từ KM 29+630 đến Km 32+900 thuộc gói thầu 04/QL6-XL) do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 515 thi công.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt ngày 19/12, ông Nguyễn Văn Đặng, Cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công gói thầu số 4, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 515 cho biết: "Đơn vị ký hợp đồng với đơn vị giao đất là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thái Dương, đất lấy đúng mỏ được cấp phép đã được thí nghiệm đạt chất lượng".

"Bên tập kết để tạm ở đâu mình không biết, hợp đồng là mua đất từ mỏ Yên Quang. Đơn vị ký hợp đồng mua 50.000 m3, nhưng đến nay mới vận chuyển được mấy nghìn m3" - ông Đặng cho biết thêm.

Khi phóng viên phản ánh đất lẫn nhiều đá khi thi công đoạn đối diện cây xăng số 45 thuộc địa phận xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, ông Đặng cho hay: "Đất lẫn đá là điều đương nhiên, không thể tránh khỏi, trong quá trình thi công thấy nhiều quá thì xúc bỏ ra, đá to thì đập nhỏ nén xuống".

Đường đi của những núi đất nhân tạo "mọc" trái phép ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 3.

Xe tải chở đất tại núi đất tập kết trái phép đến phục vụ Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6. Ảnh: Văn Hoàng

Ngày 18/12, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Quản lý dự án PPP, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết: "Toàn bộ tỉnh Hòa Bình có mỏ Yên Quang được cấp phép bán đất ra ngoài tỉnh, ngay từ khâu thiết kế đã lấy đất kiểm nghiệm đạt chất lượng".

"Tôi sẽ cho người kiểm tra bãi trung chuyển nếu không có giấy phép tôi sẽ đề nghị ra văn dừng không lấy đất từ bãi tập kết trái phép, yêu cầu nhà thầu chuyển bãi khác có phép" - ông Giang khẳng định.

Được biết, khối lượng đất tạm tính sử dụng thi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 dự kiến khoảng 300.000m3.

Mỏ đất được cấp phép đã khai thác vượt trữ lượng

Trong quá trình tìm hiểu, tài liệu phóng viên có được, toàn bộ ba núi đất được tập kết trái phép trong thời gian qua ở xã Yên Trung; Tiến Xuân, huyện Thạch Thất và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội đều do một người đàn ông tên Hải làm chủ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt qua điện thoại, ông Hải, cho biết: "Đất anh đổ tạm ở đó, đất được xúc trên mỏ đá Yên Quang, tại xã Quang Tiến trong quá trình bóc phủ mỏ đá bazan chứ không phải đất ăn trộm. Sau khi tập kết, đất được đổ vào các công trình của nhà nước".

Đường đi của những núi đất nhân tạo "mọc" trái phép ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 4.

Máy xúc chờ múc đất lên ô tô tải tại núi tập kết đất trái phép thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 18/12/2023: Văn Hoàng

Ghi nhận của phóng viên ngày 19/12 tại mỏ đá bazan Yên Quang của Công ty Cổ phần Yên Quang cho thấy họ đã tạm dừng hoạt động nhiều tháng nay.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình - nơi có mỏ đá bazan Yên Quang cho biết: "Trên địa bàn không có mỏ nào được phép khai thác, kể cả khai thác đất, mỏ bazan đã dừng hoạt động, họ được cấp phép 7 năm từ năm 2020 đến năm 2027, nhưng vừa rồi tỉnh kiểm tra đã tạm dừng từ tháng 9/2023 cấm vận chuyển đất ra khỏi mỏ vì đã khai thác vượt quá trữ lượng được phép".

Tài liệu phóng viên Báo điện tử Dân Việt cho thấy, Công ty Cổ phần Yên Quang được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép số 30/GP-UBND ngày 30/6/2020 khai thác đất san, lấp tại bãi thải mỏ đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Văn Minh, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình với diện tích bãi tập kết 0,8ha, khối lượng khai thác là 1,07 triệu m3, thời gian khai thác 7 năm.

Đường đi của những núi đất nhân tạo "mọc" trái phép ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 5.

Mỏ đá bazan Yên Quang của Công ty Cổ phần Yên Quang đang tạm dừng hoạt động. Ảnh chụp ngày 19/12/2023: Văn Hoàng

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem