Dựa vào đâu 'vua tôm' Minh Phú đặt mục tiêu lãi hơn 1.000 tỷ đồng sau một năm 2023 lỗ nặng?

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 19/04/2024 14:26 PM (GMT+7)
Ngay trong năm 2024, Minh Phú đã đặt ra kế hoạch sản xuất và xuất khẩu được 56.000 tấn tôm thành phầm với doanh thu dự kiến trên 15.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1,021 tỷ đồng. Điều này khá bất ngờ, khi lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú âm 105 tỷ đồng.
Bình luận 0

Vì sao Minh Phú đặt kế hoạch lãi nghìn tỷ trong năm nay?

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2023. Năm 2024, MPC đặt mục tiêu mang về 15.805,8 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 46% so với thực hiện của năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 1.021,5 tỷ đồng. 

Như vậy, sau năm 2023 lỗ nặng (năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú âm 105 tỷ đồng), MPC kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng và đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ năm 2008. CEO Lê Văn Quang của Minh Phú cho biết, đây là kế hoạch đánh dấu sự trở lại của Minh Phú sau khi trải qua một năm lỗ nặng.

Thông tin tại báo cáo thường niên 2023, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc MPC cho biết, dịch bệnh đã khiến giá thành nuôi tôm tại Việt Nam vốn đã cao lại càng cao hơn trong năm 2023. Trong khi đó, sản lượng tôm nuôi của Ecuador lại tăng lên mức 0,8-1,4 triệu tấn làm cho nguồn cung tôm toàn cầu vượt nhu cầu, kéo giá tôm giảm mạnh (chỉ bằng 50% của giá thành nuôi). 

Chúng ta nuôi tôm "3 sạch" vẫn lỗ nặng dù năng suất cao vì giá thành còn giá tôm bán đi thấp quá. Năm 2019-2020, tôm size 30 con/kg có giá 280.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 80.000 đồng/kg, bởi cung vượt cầu. Trong khi giá thành con tôm size 30 con/kg ít nhất đã từ 100.000-120.000 đồng/kg, với Minh Phú giá thành còn lên tới 150.000 đồng/kg, mà ai cũng muốn bán tôm, lỗ cũng phải bán. Vì vậy Minh Phú mới lỗ nặng trong năm 2023.

"Tình hình sản xuất kinh doanh của Minh Phú gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt kế hoạch ĐHĐCĐ 2023 đề ra và bị lỗ," ông Lê Văn Quang thông tin tại Báo cáo thường niên 2023.

Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của Thủy sản Minh Phú ghi nhận đạt gần 10.688 tỷ đồng, giảm 35% so với năm trước. Lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức hơn 1.065 tỷ đồng, giảm 61%. Sau cùng, Thủy sản Minh Phú báo lỗ sau thuế 105 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt hơn 830 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3 Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ và năm có mức lợi nhuận thấp kỷ lục kể từ năm 2008. Với kết quả trên, Thủy sản Minh Phú không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 là thu về gần 12.790 tỷ đồng doanh thu và 639 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dựa vào đâu 'vua tôm' Minh Phú đặt mục tiêu lãi hơn 1.000 tỷ đồng sau một năm 2023 lỗ nặng?- Ảnh 1.

Ngay trong năm 2024, Minh Phú đã đặt ra kế hoạch sản xuất và xuất khẩu được 56.000 tấn tôm, doanh thu 15.805,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.021,5 tỷ đồng.

Chia sẻ về kế hoạch, định hướng của MPC thời gian tới, ông Quang cho hay, MPC tiếp tục với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số.

Minh Phú đã và đang thực hiện số hóa chuỗi giá trị và cho phép truy xuất nguồn gốc từ trại giống tới trang trại nuôi, nhà máy chế biến và hệ thống phân phối đến người tiêu dùng.

MPC đặt chiến lược trọng tâm là đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador và đặt ra nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu này.

Trong đó, năm 2024, Minh Phú đặt kế hoạch sản xuất và xuất khẩu 56.000 tấn tôm với kim ngạch 630 triệu USD. Trong tương lai, MPC đưa ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 70.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu 720 triệu USD.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO (Minh Phú BiO) với mục tiêu đến năm 2035 MPC tự chủ được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu.

Ngoài tập trung cho thị trường xuất khẩu chủ lực, công ty tìm kiếm thêm đơn hàng tại các thị trường mới như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia, New zealand...

Ngoài ra, Minh Phú cũng gia tăng thị phần tôm nội địa trong năm nay, mục tiêu tăng lên 5-10%.

Dựa vào đâu 'vua tôm' Minh Phú đặt mục tiêu lãi hơn 1.000 tỷ đồng sau một năm 2023 lỗ nặng?- Ảnh 2.

Mặc dù xuất khẩu tôm trong quý I có tín hiệu lạc quan, song thực tế khó khăn của ngành tôm Việt vẫn chưa được khắc phục.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước tăng 26%, còn thị trường Trung Quốc ước tăng hơn 140%.

Mặc dù xuất khẩu tôm trong quý I có tín hiệu lạc quan, song thực tế khó khăn của ngành tôm Việt vẫn chưa được khắc phục.

Đó là: Cuối tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam. DOC đã ấn định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 1 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 1 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc.

Cùng với đó, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu vẫn tiếp diễn khi thời điểm hiện nay tại nhiều vùng nuôi, người nuôi không mặn mà xuống giống.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm quá cao khiến tôm Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Theo ông Lê Văn Quang, tôm nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, Indonesia và cao gấp mấy lần so với tôm nguyên liệu của Ecuador.

Ngoài ra, tôm Việt Nam hiện còn đang cạnh tranh với các quốc gia khác ở phân đoạn logistics. Đường đi sản phẩm tôm Việt Nam đến các thị trường Mỹ, châu Âu xa hơn, tốn chi phí hơn so với đường vận chuyển của tôm Ấn Độ, Ecuador. 

Trong bối cảnh xuất khẩu tôm đối mặt hàng loạt thách thức, ông Lê Văn Quang cho biết, để tăng đơn hàng, doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm. Gần đây nhất là Hội chợ thủy sản quốc tế tại Boston (Massachusetts, Mỹ) để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới nhà nhập khẩu thế giới. 

Trong kế hoạch sắp tới, Minh Phú tiếp tục tham gia các chương trình triển lãm để giới thiệu sản phẩm, dự kiến là Nhật Bản và Hàn Quốc... để tiếp cận người tiêu dùng ở 2 quốc gia này.

Minh Phú hiện là tập đoàn thuỷ sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới. Sản phẩm của Minh Phú hiện đang có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Quang cho biết, Minh Phú đã cho ra đời một quy trình công nghệ sinh học mang tên "Minh Phú BiO-MPBiO", gồm sự kết hợp của 9 công nghệ nuôi tôm khác nhau mà Minh Phú thu thập được.

Theo đó, nuôi tôm sẽ không cần phải xử lý nước như công nghệ 3 sạch nữa mà sử dụng vi sinh vật đối kháng mà Minh Phú sản xuất ra được. Minh Phú đã nuôi thử 7 ha cho kết quả thành công. Năm 2023-2024 Minh Phú mở rộng nuôi theo công nghệ BiO lên 300 ha đã và đang có triển vọng rất tốt, nuôi được tôm với giá thành phù hợp, bán có lãi. 

Minh Phú hiện cũng ký được khá nhiều hợp đồng xuất khẩu tôm sang Mỹ và các nước, dự tính năm nay, doanh thu của Minh Phú có thể sẽ tăng 50-70% so với năm ngoái, kéo theo lợi nhuận của năm nay hy vọng sẽ rất tốt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin cho rằng, hiện ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo đó, các nhà chế biến tôm của Việt Nam nhập khẩu tôm nguyên con về để tiến hành sơ chế, bóc vỏ và đóng gói, sau đó xuất khẩu đi, nên lợi nhuận thu lại trong nước không cao. Chưa kể, không khuyến khích được việc phát triển vùng nuôi tôm trong nước, giúp người nông dân làm giàu, có thêm thu nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem